Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, chúng ta đều có khoảng thời gian để nhìn lại và kỳ vọng vào sự phát triển đất nước trong tương lai. Là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, niềm mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là có được sự ổn định về kinh tế, chính trị cũng như chính sách an sinh xã hội tốt để đời sống người dân ấm no, cuộc sống ổn định, trẻ em được đầu tư giáo dục một cách toàn diện...
Kỹ thuật viên Xí nghiệp ISamco (trực thuộc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn) luôn được quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề. Ảnh: VĨNH TÙNG
Chính sách nhất quán
Điều đầu tiên chúng tôi mong muốn là đại hội Đảng lần này sẽ tiếp tục mở ra đường lối, chính sách thông thoáng cho kinh tế phát triển. Một chính sách ổn định, nhất quán là tiền đề cho việc tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp dồn hết tâm huyết, trí tuệ, tiền của cho việc sản xuất, kinh doanh. Đành rằng xã hội luôn vận động, phát triển, mọi thứ luôn thay đổi chứ không là bất biến nhưng một sự ổn định tương đối để doanh nghiệp có thời gian lập kế hoạch, triển khai, rút kinh nghiệm trong hoạt động của mình là vô cùng cần thiết.
Vừa qua, có nhiều chính sách đã thay đổi đột ngột khiến doanh nghiệp không trở tay kịp. Chẳng hạn trong điều hành chính sách lãi suất, tiền tệ. Chúng ta đều biết, trong sản xuất kinh doanh, vốn là vấn đề quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp. Tôi đã thấy có nhiều trường hợp khi triển khai ban đầu vay vốn với lãi suất thấp; làm chưa xong, lãi suất đã tăng vùn vụt khiến chi phí xây dựng cơ bản đội lên; khi đi vào sản xuất, lãi suất lại tiếp tục tăng. Chỉ riêng việc trả vốn, trả lãi ngân hàng đã khiến doanh nghiệp kiệt sức. Chưa kể rất nhiều chính sách được ban hành mang tính chất tình thế, đối phó...
Khi Đảng đã xác định doanh nhân là chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế thì chúng tôi tin tưởng Đảng sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để chúng tôi “chiến đấu” trong cuộc chiến chống nghèo nàn, lạc hậu; xây dựng đất nước phồn vinh.
Phá bỏ nghịch lý nguồn nhân lực
Các kỳ đại hội vừa qua đều đề cập vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Bằng nhiều phương cách, việc đào tạo nghề cho người lao động đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Khoảng trống giữa đào tạo-sử dụng lao động vẫn còn rất lớn. Sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi doanh nghiệp luôn thiếu hụt lao động có tay nghề, kỹ năng. Và như vậy, theo các báo cáo của ngành LĐ-TB-XH hằng năm, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo là 25%, 30% hay nhiều hơn nữa cũng không có ý nghĩa gì khi đào tạo không phục vụ cho việc sử dụng.
Kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tại các KCN-KCX TP gần đây đưa ra một con số khiến chúng ta phải suy nghĩ: Chỉ 1% doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, trong khi quá nửa là công nghệ lạc hậu. Chính điều đó đã góp phần kéo giảm trình độ của nguồn nhân lực bởi nếu có đào tạo thì cũng không thể, hay không cần thiết để sử dụng. Chúng ta sẽ khó cất cánh trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nguồn nhân lực chắp vá, bất cập như thế.