Thông qua đường ống nhỏ được xuyên thông từ tối qua, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tiếp tế nước, sữa, thức ăn cho nhóm người mắc kẹt bên trong. Việc liên lạc qua đường ống này khá khó khăn nên thiết bị liên lạc chuyên dụng vẫn đang được tìm cách đưa vào.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, ưu tiên hàng đầu lúc này là khẩn trương làm đường cho nước thoát ra để bên trong hầm không bị ngập.
Theo ông Tiến, mọi lực lượng có kinh nghiệm trong việc cứu nạn đã được huy động. Về phương án cứu hộ, sẽ khoan cả từ 2 phía hầm. Phía trước đã khoan 30 mét, còn từ sau tới sẽ khoan khoảng 50-60 mét. "Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi điện cho tôi, chỉ đạo phải tìm cách nhanh nhất để cứu các nạn nhân ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ cũng như rút kinh nghiệm cho việc triển khai các công trình tương tự", ông Tiến cho biết.
Lực lượng chỉ huy tại hiện trường cho biết, ngoài việc bơm nước và đào trực tiếp từ cửa hầm, chiều nay, một tốp cứu hộ sẽ khoan ở đầu bên kia của hầm thủy điện để đưa đường ống vào hút nước ra ngoài. Đây là đoạn còn lại chưa được thông của hầm với chiều dài khoảng 100 m.
Trong khi đó, trên ngọn đồi xuất hiện hai hố nằm cách nhau khoảng 9 m. Một hố khoảng 4 m, sâu 2 m và một lỗ khoảng 15 m, sâu 10 m. Hai hố nằm giữa hai ngọn đồi, nếu trời mưa sẽ là nơi trũng nước hết sức nguy hiểm cho đường hầm. Hiện đơn vị thi công đã cho phủ bạt, rào chắn cảnh báo ở khu vực hố.
Người dân gần khu vực cho hay, khoảng tháng 2-3 năm nay, khi trời mưa, đất ở khu vực này bị sụp xuống nhưng nhỏ. Trải qua nhiều tháng ảnh hưởng của nước mưa, các hố đã lớn dần.
Hố trên đỉnh đồi được phủ bạt. |
Thượng tá Phạm Phú Ty - Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết, sự cố sập hầm đã tạo ra một lỗ hổng sâu 10 mét và rộng 15 m2 trên đỉnh đồi, tại vị trí hầm sập. "Lượng đất đá dồn xuống hầm là rất nhiều. Đây được cho là lý do khiến công tác đào lỗ cứu hộ xuyên 35 mét đất đá gặp khó khăn. Cứ đào ở dưới thì phía trên đất đá lại tuồn xuống", ông Ty nói.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng vừa tiến hành họp với lực lượng cứu hộ tại lán trại phía ngoài miệng hầm thủy điện.
Theo lực lượng cứu hộ, hiện nước ở vị trí đào ngập khoảng 25 cm. Nếu tiếp tục khoan đào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sập hầm tiếp. "Vì vậy, bây giờ cần đưa máy bơm và hút nước ra ngoài", một nhân viên cứu hộ nói.
Đưa dụng cụ, phương tiện vào trong hầm bắt đầu đào ống xuyên đống đất đá. Ảnh: Quốc Dũng |
Hàng trăm người dân đã kéo về trước miệng hầm thủy điện ngóng tin việc giải cứu 12 nạn nhân mắc kẹt bên trong. "Từ hôm qua đến giờ, tôi luôn theo sát diễn biến cứu hộ tại đây. Lúc đầu tôi cầu nguyện cho 12 người bên trong được sống. Giờ tôi cầu mong cho lực lượng cứu hộ sớm giải thoát họ ra ngoài", anh Lý Bá Lâm, 40 tuổi, người dân xã Lát, nói với vẻ lo lắng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết, so với hôm qua phương án dùng thanh sắt kè chống sập thì hôm nay đã thay đổi bằng cây thông. "Khi cứu hộ đào đến đâu sẽ kè đến đó. 40 m3 gỗ thông được dùng để kè chống sập", ông Kỳ nói.
Các công nhân đang chuyên dây thép vào bên trong hầm để buộc kè gỗ thông. Ảnh: Phước Tuấn. |
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng có mặt hiện trường chỉ đạo việc cứu hộ. "Tỉnh Lâm Đồng sẽ huy động toàn bộ lực lượng có thể để giải cứu 12 nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Quan trọng lúc này là đảm bảo được sức khỏe cho nạn nhân. Lực lượng cứu hộ sẽ tiến hành bơm nước trong hầm ra ngoài", ông Tiến nói.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến có mặt tại hiện trường vụ sập hầm sáng 17/12. Ảnh: Phước Tuấn. |
Là một trong những đơn vị tham gia cứu hộ, ông Lê Việt Quang - Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng - cho biết, sớm nhất phải 2 ngày mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài. Khó khăn nhất với lực lượng cứu hộ hiện nay là phải đào thủ công thẳng vào khu đất đá đã bị sập. "Phương án tối ưu nhất là đào sâu được vào 35 mét, xuyên qua đống đất đá, để từ đó đưa mọi người ra ngoài. Điều đáng mừng là các nạn nhân đều khỏe mạnh", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết nước trong hầm bây giờ đã dâng cao khoảng 1 mét nên từ giờ đến tối phải cố gắng làm sao để đưa được các nạn nhân ra ngoài. "Tất cả những người bên trong sức khỏe đều vẫn đang bình thường, chúng tôi mới đưa thêm một đợt sữa vào trong cho họ", ông Hải nói.
Hầm Đạ Dâng cao 5 m, ngang 4 m và đã thi công được 600 mét xuyên qua ngọn đồi, âm dưới mặt đất 70 m. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm chừng 500 mét.
Vị chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nói thêm, hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng khoan thêm một lỗ nhưng chưa được.
Thân nhân, người dân mòn mỏi ngóng chờ việc cứu 12 người mắc kẹt trong hầm thủy điện. Ảnh: Phước Tuấn |
Trao đổi với VnExpress, Ông Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cho biết, qua khảo sát thực tế hiện trường sáng nay, công tác đào hầm để cứu 12 nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì lượng đất đá, bùn nhão rất lớn và kéo dài khoảng 26-27 m.
"Chúng tôi lo ngại công tác đào hầm sẽ ảnh hưởng đến sự sống nên chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng. Bộ đội công binh sẽ kết hợp với quân sự tỉnh và lực lượng tại chỗ vừa đào lấy đất đá ra khỏi hầm vừa gia cố. Công tác cứu hộ thủ công như vậy tôi không dám chắc khi nào sẽ thông hầm để cứu 12 người bên trong. Nhưng chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng để thông hầm trong thời gian sớm nhất có thể", ông Hùng chia sẻ.
Ra ngoài cửa hầm tạm nghỉ ngơi sau nhiều giờ tham gia cứu hộ, anh Nguyễn Văn Tuấn (34 tuổi) cho biết mình là một trong nhóm 3 công nhân chạy thoát ra ngoài khi hầm sập xuống. "Lúc đó tôi và hai đồng nghiệp chở vật tư từ ngoài vào trong được 500 m thì nghe tiếng sạt sạt. Sau đó đất, đá, bùn nhão... đổ ầm xuống. Cả 3 bỏ xe chạy ra ngoài. Khi thấy hầm hết sạt lở, chúng tôi quay lại đào bới nhóm người kẹt bên trong. Nhưng càng đào thì đất, đá...càng sạt xuống nên bỏ chạy ra ngoài cầu cứu", anh Tuấn kể.
Theo anh Tuấn, trong số 12 người kẹt bên trong có một người em và cháu họ của anh. "Họ cho biết trong hầm nước ngập đến đầu gối, rất lạnh. Mọi người ngồi co ro trên một giàn giáo nhỏ", anh Tuấn kể khi được vào trong hầm để trao đổi với các đồng nghiệp qua đường ống thông khí.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một trong số công nhân thoát nạn kể lại. Ảnh: Phước Tuấn |
Các máy khoan lớn được di chuyển từ trong hầm thủy điện ra ngoài để tạo khoảng không cho lực lượng công binh đào đoạn hầm bị sập. Lượng bùn nhão, đất đá, sắt thép được đào sẽ bỏ lên xe di chuyển ra ngoài.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Lâm Đồng cho biết, phương án giải cứu 12 công nhân kẹt trong hầm thủy điện sáng nay là tiếp tục gia cố đường hầm chống sập thêm, khoan một lỗ mới vào bên trong hầm nhằm tạo đối lưu không khí. Lực lượng công binh sẽ đào sâu vào đoạn hầm bị sập theo hình chữ A.
"Những cây đưa vào để chống đỡ hầm khi bộ đội đào. Hiện chưa thể xác định thời gian bao giờ tiếp cận nạn nhân. Việc cứu hộ được làm khẩn trương với phương án tối ưu nhất. Thời gian lúc này với các nạn nhân là vô cùng quý giá. Đến thời điểm này, sau khi đã nhận tiếp tế sữa, xúc xích, nước gừng... 12 nạn nhân đều cho biết sức khỏe ổn, tỉnh táo", ông Thạo nói.
Lực lượng tại hiện trường bàn phương án giải cứu 12 người mắc kẹt trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn. |
Hàng trăm cây thông được đưa đến để chuẩn bị kè đường hầm, chống sập. Ảnh: Phước Tuấn. |
Sáng nay, 29 cán bộ chiến sĩ thuộc lữ đoàn công binh 25 (Quân khu 7) đã có mặt tại hiện trường cứu hộ cứu nạn 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm thủy điện.
Xe chở lực lượng công binh vào trong hầm. Ảnh: Phước Tuấn. |
Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn công binh 25 cho biết, nhiệm vụ của bộ đội công binh là hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ, tiến hành đào hầm để giải cứu những người bị nạn. Ngoài lực lượng này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ đến phối hợp.
8h, trời bắt đầu mưa lất phất, thời tiết lạnh nhưng không khí cứu hộ rất khẩn trương. Nhiều vật dụng được đưa vào hầm thủy điện phục vụ cứu hộ. Hàng trăm cây thông được đưa đến trong đêm để dùng làm kè gia cố đường hầm chống sập thêm. Xe chở nhóm lực lượng công binh đã tiếp cận hiện trường.
Đồ họa mô phỏng hầm thủy điện bị sập khiến 12 công nhân mắc kẹt. |