Nỗi lòng người cha

 
Trước hành lang phòng xử số 10 của TAND TPHCM, người đàn ông trung niên đứng phân bua với những người quan tâm đến vụ án rằng con ông không cố ý gây thương tích cho bị hại, chẳng qua tuổi mới lớn háo thắng, không chịu bỏ qua những chuyện nhỏ mới nên cớ sự...
 
Tôi vốn không thiện cảm với “kiểu” bênh con không lý lẽ, bất chấp đúng sai nên quả thật ban đầu cũng không giấu được cảm giác khó chịu. Nhưng qua những lời tâm sự như rút từ ruột gan của ông, cảm giác nặng nề trong tôi được hóa giải dần. Ông không phải là người cha vô trách nhiệm, càng không phải là người bênh con mù quáng.
 

Minh họa: NGUYỄN TÀI

 
Từ lời thách thức thành vụ án
 
Ông bị bệnh đau cột sống, hở van tim từ nhiều năm nay nên việc kiếm sống nuôi cả nhà gồm 4 miệng ăn dồn lên đôi vai gầy của người vợ. Nhà không có, phải ở đậu trên đất của người bà con, vợ chồng ông cố gắng hết sức để cho hai con đi học, lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT, vào làm công nhân một xí nghiệp, cuộc sống sẽ ổn định hơn cha mẹ.
 
T.N.H.N (SN 1993) là con trai lớn cũng là niềm hy vọng của vợ chồng ông, “đầu xuôi đuôi lọt, thằng anh học hành đàng hoàng sẽ là tấm gương cho em nó noi theo” - ông cười như mếu, nói. Vậy mà... N. phạm tội khi vừa tròn 15 tuổi 5 tháng 9 ngày, đang là học sinh lớp 10 của một trường ở quận 9.
 

Nhịn không phải nhục. Nhịn giúp mình đỡ mệt khi phải suy nghĩ cách đối phó với kẻ khác, tối về ngủ im ru, thẳng giấc. Nhịn là thắng, ít ra là thắng tính háo thắng của chính mình.

Một lần, N. đang đi ra cổng trường thì bị L.V.H chở bạn gái chạy ngang đụng trúng tay mà không một lời xin lỗi. Bực mình vì sự ngang ngược ấy, hôm sau vào lớp, N. hỏi bạn gái của H.: “Vì sao hôm qua chạy đụng tui, không xin lỗi mà còn cười cười bỏ đi?”.
 
Không ngờ, cô bạn thách thức: “Vậy chớ ông muốn gì?”. N. cao giọng lại: “Gì cũng được, thích thì chiều”. Chỉ có thế nhưng cả hai bên đều “ghim” nhau.
 
Chiều 20-3-2009, khi đang đi học về cùng N.Q.V, N. phát hiện H. đang đi cùng V.H.P nên nói V. đuổi theo. N. ngồi sau lấy mũ bảo hiểm đánh vào vai trái của P. (không gây thương tích gì) nên H. tăng ga bỏ chạy.
 
Do xe hết xăng, V. đi tìm chỗ đổ xăng, còn N. đứng đợi. Lúc này, P. chở H. cầm theo một đoạn tre quay lại, thấy N. đứng trên đường, H. ngồi trên xe dùng cây đánh nhưng không trúng. N. nhặt cục đá xanh (nặng khoảng 0,8 kg, tiết diện 15 cm x 10 cm) ở gần đó ném theo vừa lúc H. quay mặt lại... Cú ném khiến H. bị chấn thương với tỉ lệ thương tật 44%.
 
Một câu nhịn, chín câu lành
 
Cha của N. nói ông là người “dốt”, không được học hành gì nhiều vì ngày xưa hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Dẫu vậy, ông cũng biết điều gì nên và không nên làm để bản thân không làm gì vi phạm pháp luật và dạy con thành một công dân lương thiện.
 
“Tôi năm nay đã bốn mươi mấy tuổi vẫn luôn nhớ nằm lòng, xem như phương châm sống ở đời lời dạy của bà ngoại từ khi tôi mới 6-7 tuổi: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Ngoại tôi nói, chuyện to chuyện nhỏ gì, cứ cố gắng nhịn thì mọi rắc rối sẽ không xảy ra. Nếu hở một chút mà đụng tay đụng chân để chứng tỏ ta đây, thắng thì vào khám, thua vào bệnh viện hoặc nhà xác.
 
Mình nghèo, để xảy ra những chuyện đó chỉ thiệt thân. Mấy chục năm chiêm nghiệm, tôi thấy thiệt đúng như vậy. Có những lúc, có những chuyện tức lắm, giận lắm nhưng nhớ đến câu nói của ngoại, tôi dằn lòng và rồi không có chuyện gì xảy ra.
 
“Tuổi mới lớn rất háo thắng, tôi đã từng trải qua tuổi của con tôi bây giờ nên rất hiểu, để nhịn được không phải dễ đâu. Vì vậy, tôi cũng nhiều lần cố gắng nhỏ to khuyên con như trước đây ngoại tôi từng dạy. Tiếc là tuổi trẻ bây giờ khó dạy hơn ngày xưa, thích nghe lời khích tướng của bạn bè hơn lời khuyên nhủ yêu thương của cha mẹ. Tụi nhỏ cho rằng nhịn là nhục, là mất chí nam nhi, phải chứng tỏ bản lĩnh, dằn mặt kẻ khác mới...  anh hùng.
 
Như con tôi, bị H. chạy xe máng trúng, không xây xát gì, bỏ qua thì đâu có chuyện gì xảy ra. Chỉ vì muốn chứng tỏ ta đây mà nên chuyện. Hồi nó mới bị tạm giam, tôi giận, nghĩ thôi để nó tự làm tự chịu mới sáng con mắt, không ỷ lại cha mẹ. Nhưng nói là nói vậy, cha mẹ làm sao bỏ con cho được?
 
Nhìn nó cứ khóc đòi về, việc học bị gián đoạn, ruột gan chúng tôi như lửa đốt. Nhà nghèo, làm gì có tiền, vợ chồng phải cầu cạnh, năn nỉ người ta vay 40 triệu đồng để bồi thường cho người bị hại.
 
Nhục nhã cũng cắn răng mà chịu. TAND quận 9 tuyên 2 năm tù giam, vợ chồng tôi không ăn không ngủ được, lại phải năn nỉ, van lạy người bị hại bãi nại, mong con được án treo để nó có thể tiếp tục đi học... Thấy cha mẹ khổ vậy, thằng N. cũng thấm thía nhiều. Cũng là tuổi tôi hồi đó nhưng cách nghĩ của sắp nhỏ bây giờ không như chúng tôi ngày xưa, cách dạy dỗ, quản lý cũng không thể như ngày xưa được” - ông thở dài, luýnh quýnh chào tôi khi chuông phòng xử vang lên.
 
Bản án 2 năm tù cho hưởng án treo của TAND TPHCM đã khiến cả gia đình ông thở phào nhẹ nhõm. Hy vọng với những trải nghiệm từ lần vấp ngã này cùng với thời gian thử thách 4 năm, N. sẽ trưởng thành, chín chắn hơn khi đối diện với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống.
Tố Trâm

Giày Đại Phát solution
Số người online:
84562
Số người truy cập:
7498523