Nỗi đau của người chị từ vụ án oan

Người đàn bà vẫn ngồi lặng câm. Thật lâu sau, ngước đôi mắt buồn mọng nước, chị bắt đầu câu chuyện về nỗi oan ức, buồn tủi trong chốn lao tù và con đường gian truân tìm lại công lý bằng một tiếng thở dài não ruột.

Gia đình có 8 anh chị em nhưng chỉ có chị Phan Thị Thường (43 tuổi) và Hương, người em gái út là thân thiết và gần gũi nhất. Chị thương đứa em gái đầy cá tính sớm gặp cảnh trái ngang khi phải một mình nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh khốn cùng. Rồi tới ngày Hương được một người đàn ông Đài Loan thương yêu chiều chuộng, chị thấy lòng mình nhẹ hẳn. Thầm cầu mong cho em tìm được hạnh phúc nơi xứ người.

Nhờ biết tính toán làm ăn, càng ngày Hương càng có của ăn của để. Được chút tiền nào, cô đều gửi về nhờ Thường cất giữ và giúp đỡ các anh chị em khác có vốn làm ăn. Ngoài ra, cô cũng nhờ chị gái mua dùm miếng đất trị giá gần 200 nghìn USD nhưng do trục trặc về giấy tờ nên giao dịch này bị hủy. Sau đó, chị Thường dùng số tiền trên mua vài miếng đất khác.

Thời gian sau, Hương chia tay với chồng về Việt Nam làm ăn sinh sống và muốn lấy lại số tiền đã gửi chị gái. Do không đủ tiền trả cho em, Thường nhượng lại hai khu đất tại thành phố Vũng Tàu. Số còn lại (hơn 600 triệu đồng), Thường ghi giấy nhận nợ với cô em. Nóng ruột, Hương liên tục hối thúc, gây sức ép buộc chị gái phải trả hết số nợ nên giữa hai người bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Cuối cùng, Hương gửi đơn tố cáo chị gái về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngay sau đó, người chị bị bắt giam và kê biên toàn bộ nhà cửa, trại tôm…

Chị Thường và luật sư Chung trình bày bức xúc. Ảnh: Vũ Mai.

“Công việc làm ăn đang dở dang nên tôi chưa thể gom tiền về trả cho cô ấy được. Và tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt số tiền ấy nên mới viết giấy nhận nợ. Thế nhưng không hiểu sao cơ quan điều tra lại bắt giam tôi, đẩy gia đình tôi vào tấm bi kich suốt hai năm trời”, chị Thường ghẹn giọng nói.

Từ khi vắng chị, hai đứa con cố đùm bọc nương tựa nhau vượt qua điều tiếng của người đời vì có mẹ là kẻ “phạm tội”. Còn chồng chị, lúc nào cũng như mất hồn vì quá sốc với tai họa giáng xuống gia đình. Vì thế, trong một lần ra thăm trại tôm, vì mải lo nghĩ nên anh đã tự gây tai nạn cho mình. Cũng còn may mắn vẫn giữ được mạng sống, nhưng khuôn mặt của anh đã bị biến dạng nặng nề. Kinh tế gia đình suy sụp, không còn tiền để đóng bảo hiểm theo hợp đồng đã mua, phía công ty đành chấm dứt cả 4 hợp đồng của gia đình chị.

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, chị nói chưa bao giờ thấu hiểu câu nói ấy một cách rõ ràng đến thế trong thời gian bị giam giữ. Bao nhiêu đêm thức trắng với oan ức tủi hờn, găm nhấm nỗi đau do người em ruột đẩy đưa, chị chỉ muốn quyên sinh. Chính sự động viên khích lệ của vị luật sư và tình cảm của chồng con đã cố níu chị chờ đợi đến ngày sự thật được sáng tỏ.

Ngày 21/5/2006, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, chị Thường và luật sư đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh chị bị oan. Tuy nhiên, HĐXX vẫn tuyên phạt chị 14 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng đã truy tố. Chị đã làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm kêu oan. Một tháng sau đó, TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại vì chưa đủ chứng cứ buộc tội chị.

Phải thêm 8 tháng chờ đợi trong trại giam, lần này cấp sơ thẩm mới tuyên chị Thường “không phạm tội” và thả tự do cho chị ngay tại phiên xét xử. Theo tòa, giữa chị và cô em gái là quan hệ gửi giữ tài sản nên chỉ thuộc “quan hệ đòi nợ” và chị Thường chỉ vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ. Mặt khác, Thường không bỏ trốn, giá trị tài sản đủ để thanh toán nợ... Nghe xong bản án, người chị cả của Thường đã lao đến ôm chặt lấy em rồi ngất lịm. Riêng cô em chồng thì xin được lạy sống luật sư vì đã cứu chị dâu mình thoát khỏi vòng lao lý. Trong khi đó, Hương lại quyết kháng cáo lần nữa vì không đồng ý với phán quyết của tòa. Thêm nhiều tháng trời sống trong chờ đợi, đau khổ, cuối cùng tòa tối cao đã giữ nguyên án sơ thẩm tuyên chị Thường vô tội.

“Ngày về nhà, tôi như người được sinh ra lần nữa. Muốn quên hết chuyện buồn trong quá khứ để làm lại từ đầu nhưng cuộc sống trước mắt còn vô cùng khó khăn, gia đình tôi vẫn chưa thể lấy lại được cân bằng. Có ai ở vào hoàn cảnh của tôi mới thấu hiểu được những mất mát mà không giá trị vật chất nào có thể bù đắp được. Tôi chỉ muốn đòi lại một chút công bằng hợp pháp cho bản thân nhưng sao khó quá…”. Lại thêm một tiếng thở dài, chị Thường kết thúc câu chuyện về cuộc đời mình.

Ngồi bên chị, luật sư Nguyễn Xuân Chung cũng không giấu được xúc động: “Ngay từ lúc tiếp nhận hồ sơ, tôi thấy vụ việc đã có dấu hiệu oan sai. Hơn 20 năm làm công việc bảo vệ thân chủ, tôi chưa bao giờ thấy mình “đau” đến thế. Ngoài vấn đề pháp lý, tôi quyết tâm theo đuổi sự việc vì đây là vụ án của tình người, tình chị em, ruột thịt”.

Vị luật sư cũng cho biết thêm, đây là vụ án oan đầu tiên xảy ra tại địa phương. Sau bao nhiêu đau khổ mất mát vì bị bắt, chị Phan Thị Thường (43 tuổi) đã yêu cầu VKSND tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu bồi thường. Tuy nhiên, Viện đã từ chối hầu hết các yêu cầu của chị, họ chỉ đồng ý “đền” số tiền gần 40 triệu đồng. Không chấp nhận, chị Thường đã làm đơn khởi kiện cơ quan tố tụng này và vụ án cũng được TAND tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu thụ lý. Nhưng đã 9 tháng qua đi, chị Hường vẫn chưa được tòa mời lên giải quyết lần nào.

Vũ Mai

(Theo VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12656
Số người truy cập:
5755255