Những vụ bê bối của Mật vụ Mỹ dưới thời Obama

 Khách không mời dự tiệc Nhà Trắng

g-cvr-091127-obamaSalahi-5p-gr-4274-4967

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Tareq Salahi (váy đỏ) trong bữa tiệc. Ảnh:AP

Tháng 11/2009, cặp vợ chồng Tareq và Michaele Salahi, đến từ Virginia, đã vượt qua hàng rào an ninh và tham dự bữa tiệc quốc gia, thiết đãi Thủ tướng Ấn Độ tại Nhà Trắng dù không hề được mời.

Theo phát ngôn viên Sở mật vụ Mỹ Edwin Donovan, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy một trong những điểm kiểm tra đã không tuân theo quy trình nhằm đảm bảo rằng hai người đó có tên trong danh sách khách mời.

Cặp vợ chồng này đã bị điều tra sau khi hình ảnh họ có mặt tại bữa tiệc Nhà Trắng xuất hiện trên mạng. Hai người đã chụp hình với các vị khách như phó tổng thống Joe Biden, thị trưởng Washington D.C. Adrian Fenty, chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel, và thậm chí còn bắt tay ông Obama

Mật vụ tiệc tùng cùng gái mại dâm

141001-secret-service-colombia-9691-8690

Gái mại dâm đi bộ trước khách sạn Caribe ở Cartagena, Colombia ngày 17/4/2012. Ảnh: Reuters

Tháng 4/2012, Tổng thống Obama đến thăm Cartagena, Colombia, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ.11 nhân viên mật vụ và binh sĩ Mỹ tháp tùng ông trong chuyến công du này đã tổ chức tiệc tại câu lạc bộ sang trọng và mang khoảng 20 hoặc 21 gái mại dâm về khách sạn Caribe, nơi họ đang ở.

Vụ bê bối tại Cartagena bị vỡ lở sau tranh cãi về giá cả giữa một gái gọi với một nhân viên mật vụ. Cô gái 24 tuổi có tên Dania Suarez, người Colombia, cho hay nhân viên trên đã hứa sẽ trả 800 USD để qua đêm với cô, nhưng sau đó lại thất hứa và chỉ trả 30 USD. Cuộc cãi vã khiến cảnh sát và quản lý khách sạn phải vào cuộc và Dania sau đó đồng ý ra về với 225 USD.

Việc đưa những người có quốc tịch nước ngoài vào khu vực an ninh được xem là một hành vi sai trái, ảnh hưởng tới khả năng của cơ quan mật vụ trong việc bảo vệ an toàn cho tổng thống.

Nhà Trắng bị nã đạn

AP440408656458-9824-1412225305.jpg

Các nhà hành pháp chụp ảnh một cửa sổ tại Nhà Trắng vào ngày 16/11/2011. Một viên đạn bắn vào cửa sổ được ngăn lại nhờ kính chống đạn. Ảnh: AP

Tháng 11/2011, một người đàn ông có tên Oscar R. Ortega-Hernandez đỗ xe tại phía nam của Nhà Trắng và bắn ít nhất 7 phát đạn vào dinh thự bằng một khẩu súng trường bán tự động.

Con gái út, Sasha, và mẹ vợ của Tổng thống Obama đang ở nhà trong thời điểm đó. Các nhân viên mật vụ không hề nhận ra mối đe dọa khi xảy ra vụ việc. Một giám sát viên nhầm tưởng tiếng nổ súng là tiếng động phát ra từ xe công trường gần đó.

Các nhân viên sau đó xác nhận một vụ nổ súng đã xảy ra nhưng khẳng định sai rằng nó không nhằm vào Nhà Trắng. Những giám sát viên đưa ra giả thuyết rằng các thành viên băng đảng ngồi trong xe hơi đã đấu súng gần bãi cỏ phía trước dinh thự.

Phải đến 4 ngày sau, cơ quan mật vụ mới xác định Nhà Trắng đã dính đạn, khi một người quản gia phát hiện những mảnh kính vỡ và vụn vữa trên sàn nhà.

Mật vụ say xỉn tại Amsterdam

Tháng 3/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hà Lan để mở màn cho chuyến công du kéo dài một tuần tại châu Âu và Arab Saudi. Ba nhân viên chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống tại Amsterdam đã bị đình chỉ công tác và đuổi về nước do uống rượu và say xỉn. Một trong ba người say đến bất tỉnh trong hành lang. 

Washington Post cho biết ba người này thuộc đội phản công, chịu trách nhiệm chống cự với những kẻ tấn công ông Obama hoặc đoàn xe của ông.

Kẻ mang súng đi chung thang máy với tổng thống

cdc-headquarters-atlanta-1485-1412225305

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại Atlanta, nơi một người mang súng đi chung thang máy với ông Obama. Ảnh: orau.gov

Ngày 16/9, khi Tổng thống Obama tới thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Atlanta, một người đi cùng thang máy với ông Obama có dấu hiệu khả nghi khi sử dụng điện thoại để chụp ảnh và quay phim ông, dù đã được các nhân viên nhắc nhở. Khi thang máy mở, một số nhân viên an ninh đã thẩm vấn, kiểm tra lý lịch và phát hiện người này mang theo súng. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên an ninh không hề nhận ra mối nguy hiểm trong thời gian ông Obama ở trong thang máy.

Theo các nguồn tin, người đàn ông vốn là nhân viên của CDC đã bị sa thải ngay sau đó. Người này có ba tiền án liên quan đến tấn công và bạo hành.

Cựu binh vượt rào đột nhập Nhà Trắng.

ht-omar-gonzalez-mugshot-float-3499-4229

Omar Gonzalez, người đột nhập vào Nhà Trắng hôm 19/9. Ảnh: ABC News

Ngày 19/9, Omar Gonzalez, 42 tuổi, một cựu binh chiến trường Iraq mang theo dao, đã trèo qua hàng rào và tiến sâu vào Nhà trắng. Gonzalez xâm nhập vào Phòng Đông, nơi thường được sử dụng để đón khách và tổ chức các sự kiện lớn như các lễ kỷ niệm, họp báo, hòa nhạc. Gonzalez bị một nhân viên mật vụ khống chế bằng vũ lực.

Theo Washington Post, một nghị sĩ cho biết chuông báo động an ninh tại cửa chính đã bị vô hiệu hóa vì nhân viên gần đó thấy nó quá ồn ào.

Sau khi bắt Gonzalez, giới chức tìm thấy hơn 800 viên đạn, hai chiếc rìu và một con dao rựa trong xe hơi của ông. Gonzalez cũng từng có dấu hiệu khả nghi trước đó. Người này từng bị chặn lại khi đi bộ gần Nhà Trắng với một chiếc rìu giắt ở thắt lưng vào ngày 25/8. Hồi tháng 7, ông ta bị bắt khi mang theo một khẩu súng ngắn, cùng một bản đồ khu vực D.C. có đánh dấu hai vị trí Nhà Trắng và Đền Masonic.

Phương Vũ (tổng hợp)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
26577
Số người truy cập:
9197720