Những rạch ròi tài sản trong hợp đồng tiền hôn nhân của người Mỹ

 Không ai muốn đề cập tới ly hôn khi thậm chí chưa kết hôn, nhưng việc lập hợp đồng tiền hôn nhân có thể giúp giảm thiểu rủi ro tài chính khi chuyện tình cảm không suôn sẻ hoặc trong hai bên qua đời. Hiện, loại hợp đồng này được công nhận về mặt pháp lý ở mọi bang của Mỹ.

Theo Findlaw, dù quy định cụ thể của mỗi bang là khác nhau song đều có chung một số yêu cầu với hợp đồng tiền hôn nhân như: phải ký kết trước khi kết hôn; hai bên phải kết hôn sau đó; nội dung hợp đồng phải công bằng, dựa trên sự tự  nguyện; phải công khai về mặt tài chính; phải được tư vấn pháp lý.

Các cặp tình nhân thường đưa vào hợp đồng tiền hôn nhân một số nội dung cơ bản sau:

Phân định tài sản riêng và tài sản chung: Nếu một bên đã có công việc kinh doanh ổn định trước hôn nhân, họ có thể không muốn khối tài sản đó bị gộp vào tài sản chung để chia khi ly hôn. Hợp đồng tiền hôn nhân có thể giúp bảo vệ tài sản riêng của hai bên.

Điều khoản trách nhiệm trả nợ độc lập: Nếu không có hợp đồng tiền hôn nhân, chủ nợ có thể kiện đòi tài sản chung của cả gia đình, dù chỉ có người vợ hoặc chồng là con nợ. Hợp đồng tiền hôn nhân giúp giới hạn phạm vi nghĩa vụ trả nợ của các bên, bảo vệ tài sản chung của gia đình.

Chu cấp cho con riêng: Người nào có con riêng từ trước có thể dùng hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo người con riêng được hưởng thừa kế tài sản.

Phân chia tài sản trong trường hợp ly hôn: Hợp đồng hôn nhân giúp việc phân chia tài sản dễ dàng và minh bạch hơn.

Phân định trách nhiệm tài chính của các bên: Hai bên có thể thỏa thuận về trách nhiệm trả sinh hoạt phí hàng tháng, quyền sử dụng tài khoản ngân hàng chung nếu có, tài khoản tiết kiệm, phân chia tài sản cho người còn sống (ví dụ như bảo hiểm nhân thọ) trong trường hợp một bên qua đời...

Lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp: Mỹ có nhiều tiểu bang, người dân có quyền tự do thay đổi nơi ở nên khi ly hôn có thể dẫn tới xung đột về thẩm quyền giải quyết vụ việc của tòa. Để tăng tính minh bạch, điều khoản lựa chọn nơi giải quyết tranh chấp có thể được đưa vào hợp đồng tiền hôn nhân.

Nếu soạn đúng cách, hợp đồng tiền hôn nhân có thể giảm thiểu rủi ro của hai bên. Ảnh: Law.

Nếu được soạn đúng cách, hợp đồng tiền hôn nhân sẽ giảm thiểu rủi ro của hai bên. Ảnh: Law.

Tuy vậy, không phải quy định nào cũng có thể được đặt ra trong hợp đồng tiền hôn nhân. Pháp luật các bang ở Mỹ cấm các nội dung sau:

Điều khoản phi pháp: Hai bên không được cho vào hợp đồng những điều khoản trái pháp luật. Nếu vi phạm có thể bị tuyên vô hiệu toàn bộ hoặc một phần.

Điều khoản khuyến khích ly dị: Thẩm phán vụ việc ly hôn thường rất chú ý tới điều khoản tạo động cơ thúc đẩy việc ly hôn. Nếu hợp đồng có điều khoản bị coi là khuyến khích việc ly dị, tòa án sẽ bác bỏ điều khoản ấy. Điều khoản dạng này thường có nội dung về việc chuyển giao tài sản cho một bên khi ly hôn.

Ví dụ: Quy định người vợ hoặc chồng sẽ được nhận 100 triệu trong trường hợp ly hôn sẽ bị coi là tạo động cơ thúc đẩy một bên ly hôn.

Trách nhiệm cá nhân không liên quan tới tài chính: Vì lý do thực tiễn, hợp đồng tiền hôn nhân không bao gồm trách nhiệm cá nhân, như quy định trách nhiệm làm việc nhà, quy định về thú nuôi, về cách nuôi dạy con... Tòa án không thể xâm phạm vào cuộc sống riêng của mỗi gia đình.

Điều khoản quy định quyền nuôi con khi ly hôn: Hợp đồng tiền hôn nhân không được quy định về quyền nuôi con. Chỉ tòa án mới là chủ thể có quyền đưa ra quyết định sau cùng trong vấn đề này, dựa trên những gì là tốt nhất cho con trẻ. Đương nhiên, tòa án sẽ không từ chối quyền của người con được nhận hỗ trợ tài chính hoặc được gặp mặt với bố mẹ.

Điều khoản từ bỏ quyền được cấp dưỡng: Đây là điều khoản rất dễ bị tòa án tuyên vô hiệu. Một số bang cấm tuyệt đối với điều khoản dạng này; một số khác không cấm nhưng hạn chế khả năng một người từ bỏ quyền được nhận cấp dưỡng của mình. Một số bang cho phép có điều khoản này nhưng sẽ do thẩm phán vụ việc xử lý tùy theo từng vụ việc cụ thể.

Trước đây, pháp luật Việt Nam không có quy định trực tiếp về chế định hợp đồng tiền hôn nhân. Khi Luật Hôn nhân gia đình 2014 được ban hành đã cho phép công nhận thỏa thuận giữa hai vợ chồng về chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Điều 48 quy định nội dung cơ bản của thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

Quốc Đạt


Giày Đại Phát solution
Số người online:
17751
Số người truy cập:
9016336