"Tất cả ngồi im. Cảnh sát đây", giọng người chỉ huy vang khắp năm gian nhà. Hàng chục con bạc đang nhấp nhổm trên chiếu giật mình, nháo nhào tháo chạy theo lối cửa sổ, nhà tắm, sau vườn. Nhưng tất cả lập tức bị cảnh sát đang phục kích tại đó khống chế, thượng uý Nguyễn Phương Thảo (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Ứng Hoà) kể về kỷ niệm đánh án không thể quên vào năm 2018.
Hôm đó, ông chủ sới bạc đang đứng trước cửa nhà chưa kịp ngoảnh đầu, đã bị "cô giáo" Thảo xoay người, vặn tay ra sau lưng và khoá bằng còng số 8, động tác dứt khoát chưa đến hai giây. Bực bội, sửng sốt, ông ta quay lại nói với người phụ nữ đang ghì chặt tay mình: "Cô giáo là công an à? Cô cho bọn tôi ăn quả lừa to quá".
Chưa đầy 5 phút trước, dừng xe máy trước cửa nhà ông ta, "cô giáo" Thảo gọi lớn: "Anh Hùng ơi em đưa cháu về rồi đây". Người đàn ông xuất hiện, cẩn thận khoá lại cánh cửa nhà sau lưng rồi bước tới mở cổng.
Không đợi ông ta mời vào, Thảo phóng xe thẳng vào sân, đỡ đứa trẻ xuống rồi quay ra bảo người bố với vẻ nghiêm trọng: "Anh cứ để cổng đấy tí em về ngay. Nay em đưa cháu về sớm cốt trao đổi trực tiếp với anh mấy chuyện quan trọng về tình hình học tập".
Ông bố vội vã mở cửa nhà, chưa kịp cất lời mời cô giáo vào trong thì cảnh sát hình sự ập vào. Các con bạc bị dẫn đi trong đêm, trong lời khai sau này đều cho hay không ngờ lại "sa lưới" trong một hoàn cảnh "giống phim" đến vậy.
Theo công an, vợ chồng Hùng chuyên tổ chức sới bạc tại nhà, chỉ hoạt động về đêm. Quanh nhà có nhiều camera, nhiều điểm thoáng để tháo chạy, và luôn khoá cửa, khoá cổng. Xác định việc "đánh úp" không khả thi, ban chuyên án thay đổi chiến thuật: Dụ Hùng mở cửa nhà để ập vào.
Con trai của Hùng mỗi buổi tối ngày lẻ trong tuần đều đi học thêm. Đêm đó, người vợ, cũng là người duy nhất trong nhà biết mặt cô giáo lại có việc bận nên nhờ cô chở con về. Không bỏ lỡ cơ hội này, ban chuyên án lập tức giao Thảo đóng vai cô giáo đưa cháu bé về, tìm cách thuyết phục Hùng mở khoá cửa.
Thượng uý Thảo gặp và thuyết phục cô giáo hỗ trợ cho chuyên án, cam kết mình sẽ đưa cháu bé về an toàn. Và kế hoạch đã thành công.
Nếu "chịu" nữ tính và chiều lòng mẹ hơn một chút, Thảo rất có thể đã thực sự trở thành cô giáo. "Nhưng cả hai thứ đó, mình đều không có", cô gái 30 tuổi cười lớn, thừa nhận mình ương bướng.
Thảo thần tượng màu xanh cảnh phục, thích những pha đấu võ, bắt tội phạm từ năm 2000, khi những tập đầu tiên của cơn sốt phim Cảnh sát hình sự. Vài ngày sau khi nói với mẹ "mai sau con cũng sẽ đi bắt tội phạm thế này", Thảo khi đó 9 tuổi đăng ký học lớp võ thuật của trường.
Lăn lộn trên mảnh sân tập nền gạch của thành cổ Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, (Thanh Hoá) dưới cái nắng như lửa và trở về nhà sau buổi tập đầu với đầu gối tím bầm và lòng bàn tay rướm máu, Thảo bị mẹ mắng, không cho học võ. Thảo kể, dù vậy cô vẫn lén đến võ đường, cố giấu những xây xát trên người bằng bộ quần áo kín mít.
Sư phụ ở võ đường biết chuyện, đến nhà thuyết phục cha mẹ Thảo, hứa không để cô gặp chấn thương. Thảo dần khiến cha mẹ xuôi lòng với thành tích học tập tốt, những bộ huy chương võ thuật và bằng khen treo kín tường nhà.
Từ lớp 8 đến 10, Thảo được chọn vào trường năng khiếu võ thuật, có tên trong đội tuyển năng khiếu karatedo của tỉnh Thanh Hoá, hướng tới thi đấu chuyên nghiệp. Phân vân giữa hai con đường, Thảo cuối cùng kiên định với màu áo xanh cảnh phục, trở về học văn hoá và thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân.
Là một trong hai nữ học viên duy nhất của lớp 110 người song những bài học quân sự, bắn súng, võ thuật, không làm khó nổi Thảo. Nhưng trong nghề trinh sát hình sự, Thảo nhận thấy "sức mạnh trí tuệ, mưu mẹo còn quan trọng hơn cả nắm đấm".
Tốt nghiệp năm 2012, Thảo được phân công về Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Ứng Hoà. Suốt những năm đầu về đơn vị, bộ cảnh phục của Thảo vẫn mới nguyên vì phần lớn thời gian mặc quần jeans, áo phông, nhảy lên chiếc xe máy cà tàng, rong ruổi khắp huyện, tìm hiểu địa bàn.
Thảo hay sà vào bất cứ hàng nước, quán cơm xe tải, con đê hay mảnh ruộng nào, bắt chuyện với cánh xe ôm, người bán hàng rong, nhảy xuống đồng cấy lúa, chăn vịt, đan cót... với người dân một cách rất tự nhiên. Lâu dần, Thảo tự tin "thuộc" Ứng Hoà hơn cả người bản địa, có thể đóng vai nhiều vai nhiệm vụ yêu cầu, sẵn sàng ngồi bờ bụi, "săn" mục tiêu đến cùng.
Năm 21 tuổi "vai diễn" đầu tiên là đóng làm đôi tình nhân với một nam đồng nghiệp để vào nhà nghỉ địa phương trinh sát, phục vụ việc phá vụ án mại dâm. Nhưng đúng như lời thầy dạy năm xưa, "đời trinh sát vi vu, không phải lúc nào cũng có người đồng hành". Theo thời gian, những "vai diễn" làm khó nữ trinh sát hơn, yêu cầu nhiều bản lĩnh hơn.
Tháng chạp năm 2018, người dân báo tin trên đoạn đường vắng vẻ từ thị trấn Vân Đình xuống xã Tảo Dương Văn, liên tiếp xảy ra các vụ giật túi xách phụ nữ lúc chập choạng tối. Kẻ tình nghi được người dân miêu tả là hai thanh niên mặc đồ tối màu, đi xe máy không biển số. Là nữ trinh sát duy nhất của đội, Thảo xung phong vào vai "con mồi" để dụ chúng ra mặt. "Em có võ, em không sợ", cô đề xuất với thủ trưởng.
"Trinh sát hình sự nhiều trường hợp phải hoá trang để thâm nhập, điều tra thực tế, Thảo luôn làm rất tốt. Phái nữ làm công việc này sẽ phải vất vả hơn, đôi khi ngoài sức chịu đựng và khả năng, nhưng Thảo rất nhiệt huyết yêu nghề, đẩy mình lên, trên cả các giới hạn này", thượng tá Phạm Hồng Phong, Phó trưởng Công an huyện Ứng Hoà chia sẻ về nữ đồng nghiệp.
Suốt 5 năm công tác, Thảo cả trăm lần "tròn vai", chưa nhiệm vụ trinh sát nào vỡ lở. Anh em trong đội chưa bao giờ nghi ngờ năng lực của nữ đồng đội mà lần này lo lắng cho cô nhiều hơn. "Chúng có thể có vũ khí, manh động, không ngoại trừ bị ép xe, gây tai nạn...", Đội trưởng của Thảo đưa ra các khả năng.
Nhưng không nao núng, Thảo đã phăm phăm ra chợ mua ngay ba chiếc túi xách. Cô cắt rời quai đeo, dán hờ bằng băng dính để nếu bị giật sẽ dễ dàng tác rời, tránh bị lôi theo chiếc túi. Ngay hôm sau, nhằm lúc chạng vạng, trong những ngày giáp Tết mưa phùn rét căm căm, Thảo biến thành "mồi nhử" trên đúng đoạn đường đó.
Nữ trinh sát vừa lái xe, vừa không rời mắt khỏi gương chiếu hậu, nghe ngóng xung quanh. Tiếng đồng đội đang phục sẵn ở các điểm dọc đoạn đường, thi thoảng vang lên trong tai nghe bluetooth: "Thấy gì không Thảo? Vẫn ổn chứ em?". Nhưng nhóm cướp giật lại không xuất hiện.
Thảo không nản lòng, hôm sau đổi trang phục, đổi túi xách, mượn một chiếc xe khác, "phơi mình" suốt 7 ngày trên đường. Nhưng có vẻ những tên cướp đã chuyển địa bàn, hoặc nhận ra điều gì đó bất thường. Chúng không "cắn câu" theo cách này nhưng đã bị tóm ở cung đường khác, chỉ 4 ngày sau đó.
Nhận mình là người mạnh mẽ, không dễ rơi nước mắt, Thảo nói, 10 năm từ lúc vào nghề, chắc chỉ khóc hai lần, đều là vì "cay cú" khi để "lọt" mất mục tiêu, hoặc mất nhiều thời gian hơn dự tính để bắt được tội phạm.
Ngày 22/3, thượng uý Thảo là phụ nữ duy nhất trong 10 "Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu". Chia sẻ về những lần "nhập vai", Thảo tâm sự: "Trinh sát hình sự như 'tắc kè hoa'. Nhập vai đâu chỉ là thay bộ áo quần mà đó là câu chuyện của bản lĩnh được rèn luyện trong lực lượng công an nhân dân".
Thanh Lam