Những kẻ "chăn dắt" người ăn xin

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện hàng chục đường dây chăn dắt, bóc lột sức lao động, sống bám vào thân xác người già của những kẻ bất nhân tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Vắt kiệt sức già

6 giờ sáng, một người đàn ông ngoài 40 tuổi tấp xe máy vào lề đường Hà Huy Giáp, cách cây xăng Mũi Tàu chừng 100 mét (thuộc khu phố 5, phường Quyết Thắng) thả một bà cụ và một bé gái xuống. Sau đó ông ta quay đầu chạy về hướng đường Cách Mạng Tháng Tám, còn bé gái dắt bà cụ đến cây xăng xin tiền. Tại đây, hễ thấy người nào ghé vào đổ xăng là cô bé đẩy bà cụ đến, chìa hai tay trước mặt nói: “Cho hai bà cháu vài đồng bạc lẻ sống qua ngày”.

Nhìn cụ già lưng còng, da nhăn nheo, quần áo lôi thôi lếch thếch, đôi mắt mờ đục rơm rớm lệ, nhiều người động lòng trắc ẩn đã móc hầu bao giúp đỡ. Những đồng tiền mệnh giá từ 2.000 đến 10.000 đồng, thậm chí là 50.000 đồng liên tục được khách đổ xăng dúi vào tay bà cụ. Thỉnh thoảng cụ già mệt quá đứng nghỉ thì ngay lập tức nhận được cái nhéo đau điếng từ cô bé. Khi có người nói chuyện với bà cụ, cô bé tỏ ra rất khó chịu, ngăn cản rồi lôi bà đi chỗ khác.

Tiếp cận “cặp đôi” ăn xin này, chúng tôi được biết bà cụ tên Thơm, 84 tuổi, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bà Thơm nói, ngoài quê con cái đều đã có gia đình riêng nhưng ai cũng nghèo không nuôi được bố mẹ, nên bà vào Biên Hòa ở với một người cháu rồi đi ăn xin thuê cho người này. Còn bé gái là người được kẻ chăn dắt thuê đóng giả cháu ngoại đi theo giám sát và thúc giục bà cụ “làm việc”. Mỗi ngày, bà Thơm xin được từ 300.000 đến 400.000 đồng, có hôm được nhiều hơn nhưng tất cả phải đưa cho ông chủ cất giữ. Khoảng 12 giờ trưa, người đàn ông đi xe máy tới cây xăng giả vờ mở yên lên rồi nháy mắt với bé gái. Nhận được tín hiệu, bé gái dắt bà Thơm ra chỗ người đàn ông đứng đợi, cả hai mắt dáo dác nhìn xung quanh, rồi leo lên xe về. Chúng tôi bám theo cho đến khi xe dừng lại trước căn nhà 171G thuộc tổ 29A, khu phố 2, phường Trảng Dài.

Tại cây xăng Tân Hiệp nằm trên đường Đồng Khởi thuộc khu phố 4, phường Tân Hiệp, ban ngày thường xuất hiện một bà cụ ăn xin tên Bá, 75 tuổi, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Buổi tối, bà Bá cùng một cụ ông và bé trai khoảng 5 tuổi lại hành nghề tại công viên Long Bình (phường Long Bình). Sau khi đi khắp công viên xin tiền các đôi tình nhân và những người đi tập thể dục, cả ba ra ngồi đợi ở vỉa hè đường Bùi Văn Hòa. Khoảng 11 giờ, một thanh niên đi xe máy tới chở họ về căn nhà không số ở tổ 10, phường Tân Phong. Khi được hỏi con cháu đâu không nuôi mà phải đi ăn xin, bà Bá nói: “Nhà cửa bị bão lụt phá sập hết, đói quá. Con cháu bỏ đi làm thuê ở đâu không biết, còn bà vào Biên Hòa hành nghề bán vé số thuê cho một người cùng làng kiếm sống, nhưng già rồi sợ bị kẻ xấu giật mất không có tiền đền nên đi ăn xin. Tôi khổ lắm, suốt ngày đi vất vưởng ngoài đường, trưa ăn cơm bụi đến tối mịt mới về nhà trọ”.

Những kẻ "chăn dắt" người ăn xin, Tin tức trong ngày, chan dat nguoi an xin, nguoi an xin, boc lot nguoi lao dong, boc lot nguoi gia, bóc lot nguoi tan tat, bao, tin hot, tin nhanh, tin tuc

Người già và tàn tật trở thành công cụ kiếm tiền của những kẻ bất lương ở Đồng Nai

Vạ vật trên đường

8 giờ tối ngày cuối tuần, trời mưa như trút nước, chúng tôi bắt gặp một cụ ông ăn xin ngồi co ro dưới hiên quán tạp hóa tại chợ Hóa An, xã Hóa An trông rất thảm thương. Chúng tôi nhét vào túi ông cụ 20 ngàn đồng rồi hỏi: “Cụ uống nước không cháu mua cho?”. “Ông khát lắm nhưng không có tiền mua. Cháu cho thì ông cảm ơn lắm”. Cầm chai nước ngọt chúng tôi đưa, cụ tu liền một hơi gần hết phân nửa. Qua câu chuyện cụ cho biết tên là Thái, 72 tuổi, quê ở huyện triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đang ở trọ tại phường Tân Biên. Chúng tôi hỏi trời tối rồi sao ông không về, thì cụ Thái nói: “Hôm nay trời mưa xin được ít tiền, chưa đủ “chỉ tiêu” bà chủ giao nên không dám về. Tôi ngồi đây đợi tạnh mưa cố đi xin thêm cho đủ, kẻo về bị bà ấy đánh, không cho ăn cơm”.

Cụ Thái kể, hàng ngày 6 giờ sáng cụ đón xe buýt từ Hố Nai lên chợ Hóa An thuộc xã Hóa An ăn xin, đến 11 giờ trưa thì về ăn cơm. Chiều 15 giờ, cụ lại đón xe buýt đi đến 23 giờ mới có người chở về. “Lúc mới từ quê vào tôi thường đi ăn xin dọc các tuyến đường và các khu chợ tự phát thuộc phường Long Bình, nhưng thời gian gần đây họ quen mặt nên ít cho, không đủ tiền nộp cho chủ nên phải đi xa hơn, mệt lắm muốn về quê nhưng chủ không cho về” - cụ Thái than thở. Chúng tôi đang nói chuyện thì bất ngờ chiếc xe máy do một phụ nữ điều khiển trờ tới, bấm ba tiếng còi rồi chạy thêm một đoạn và dừng lại. Nhận được tín hiệu, cụ Thái đứng dậy lọ mọ tiến về phía người phụ nữ, leo lên xe để chị ta chở về. Bí mật bám theo, chúng tôi thấy người phụ nữ dừng xe trước căn nhà 46/5 thuộc khu phố 2, phường Tân Biên.

Cụ Thái vừa xuống, người phụ nữ liền quay đầu xe. Chúng tôi bám theo đến phường Bình Đa. Tại đây, một thanh niên và cụ ông mù đang ngồi đợi dưới gốc cây bàng. Người thanh niên liền dắt cụ già ngồi lên xe cho người đàn bà chở về. Cứ như thế, người phụ nữ chạy khắp thành phố Biên Hòa chở về khu nhà trọ hơn chục người ăn xin.

Chân dung những kẻ sống bám

Với số tiền kiếm được lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày, những kẻ chăn dắt bất lương thoải mái ăn chơi, phè phỡn dựa vào lòng thương hại của người đời đối với người già và tàn tật. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi quyết định tiếp cận, vạch mặt những kẻ chăn dắt tán tận lương tâm, sống tầm gửi này.

Những kẻ "chăn dắt" người ăn xin, Tin tức trong ngày, chan dat nguoi an xin, nguoi an xin, boc lot nguoi lao dong, boc lot nguoi gia, bóc lot nguoi tan tat, bao, tin hot, tin nhanh, tin tuc

Tư vừa là chủ đường dây vừa giả dạng người tàn tật ăn xin

Trong vai người đi mua nhà, chúng tôi đến căn nhà 171G thuộc tổ 29A, khu phố 2, phường Trảng Dài để tìm hiểu thì được biết người đàn ông đưa đón cụ Thơm và bé gái đi ăn xin tên Thanh, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Căn nhà này ông ta thuê của một người cùng quê cách đây hai năm, giá 700.000 đồng/tháng. Hiện căn nhà này có sáu người gồm ông Thanh, cụ Thơm, một cụ ông bị mù và ba thiếu niên từ 8 đến 15 tuổi. 6 giờ sáng hàng ngày, ông Thanh chở năm người này đi ăn xin đến 11 giờ 30 thì đón về. Buổi chiều khoảng 3 giờ chở đi và đến 23 giờ đêm chở về.

Địa điểm ăn xin của đường dây này là các cây xăng như cây xăng thuộc phường Tân Hiệp... Những người này xin được bao nhiêu tiền đều phải đưa cho Thanh hết và được ông này trả lương mỗi tháng 900 ngàn đồng. Chúng tôi nhẩm tính, mỗi ngày trung bình một người xin được 300 ngàn đồng, mỗi tháng trừ hết các chi phí thì không cần làm gì ông Thanh cũng thu không dưới 30 triệu đồng. Quả là một “nghề” kiếm tiền dễ dàng.

Cụ Thái cho biết, bà chủ chăn dắt tên Hải, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trước Tết Nguyên đán, bà Hải về quê chơi, tìm đến nhà cụ bảo: “Nếu cụ muốn vào Nam làm ăn thì tôi dẫn đi”. Nhà neo người, con cái lấy chồng xa nên cụ đồng ý. Cụ Thái cho biết, bà Hải bắt ký hợp đồng hẳn hỏi. Theo đó, hàng ngày cụ có nhiệm vụ đi ăn xin từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa thì về, buổi chiều từ 3 giờ đến 10 giờ đêm. Mỗi ngày cụ xin được từ 400 ngàn đến 1 triệu đồng, đóng 150 ngàn đồng tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền giặt giũ và tiền xe ôm, còn bao nhiêu đều phải đưa hết cho bà Hải. Đổi lại, mỗi tháng bà Hải trả lương cho cụ Thái 1,3 triệu đồng. Thế nhưng hôm nào cụ Thái xin ít hơn 300 ngàn đồng thì bị bà ta chửi bới, thậm chí bị bỏ đói.

Cụ Thái cho biết, đường dây chăn dắt người ăn xin của bà Hải rất lớn. Bà ta thường về quê tuyển người già, người khuyết tật vào Biên Hòa ăn xin. Nhất là những ngày hè thì đội quân trẻ em do bà Hải đưa vào rất đông. Bà Hải giao chỉ tiêu cho từng người ăn xin. Nếu ai không xin đủ thì bị bà ta trừng phạt thích đáng: người già, tàn tật thì bị bỏ đói, bỏ rét, còn trẻ em thì bị đánh đập không thương tiếc.

Những kẻ "chăn dắt" người ăn xin, Tin tức trong ngày, chan dat nguoi an xin, nguoi an xin, boc lot nguoi lao dong, boc lot nguoi gia, bóc lot nguoi tan tat, bao, tin hot, tin nhanh, tin tuc

Ông Thanh - chủ đường dây ăn xin ở phường Trảng Dài và căn nhà ông thuê để tổ chức chăn dắt người ăn xin

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa có hàng chục đường dây chăn dắt người già ăn xin. Như đường dây do người thanh niên tên H. điều khiển ở trọ khu phố 1, phường Tân Phong chăn dắt ba người gồm một cụ ông, một người khuyết tật và một bé gái. Cũng tại phường này còn có đường dây do vợ chồng tên Tư đứng đầu, chăn dắt một cụ ông, một cụ bà và một bé trai. Điều đáng nói hai vợ chồng Tư đều là những người khỏe mạnh bình thường, nhưng vẫn giả dạng người khuyết tật để đi ăn xin. Ở phường Long Bình cũng có ít nhất hai đường dây chăn dắt ăn xin, là đường dây của ông P. gần Nghĩa trang thành phố và đường dây của ông M. ở cầu suối Linh.

Cần siết chặt quản lý

Tình trạng người già, khuyết tật và trẻ em ăn xin bùng nổ tại nhiều nơi ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn liên quan đến nhiều mặt về đời sống và an ninh trật tự trên địa bàn. Hầu hết những người này đều là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên công việc thu gom đưa những người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trả về quê của ngành lao động - thương binh và xã hội trong tỉnh chưa được thực sự quan tâm, thực hiện quyết liệt.

Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý địa bàn của các cơ quan chức năng cũng góp phần cho tệ nạn này càng trở nên nhức nhối. Chúng tôi đến Công an phường Trảng Dài phản ánh có một đường dây chăn dắt người ăn xin đang tồn tại trên địa bàn thì một cán bộ khẳng định không có. Khi chúng tôi đưa ra những tấm ảnh và địa chỉ của đường dây chăn dắt và đề nghị công an phường giúp đỡ kiểm tra triệt phá thì bị từ chối với lý do “phải có kế hoạch mới kiểm tra được chứ đâu muốn bắt là bắt được liền đâu”. Cuối cùng, bên Công an phường Trảng Dài đề nghị chúng tôi để lại hình ảnh, địa chỉ sẽ có kế hoạch kiểm tra. Thế nhưng đến nay đã nhiều ngày trôi qua, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì.

Làm gì để chấm dứt nạn ăn xin ở Biên Hòa là vấn đề bức thiết đặt ra đối với các cơ quan chức năng, bởi người dân đang rất bức xúc với tệ nạn này. Người già, khuyết tật và trẻ em là những đối tượng đáng để chúng ta lưu tâm giúp đỡ. Tuy nhiên, việc lợi dụng vào lòng thương cảm của mọi người để kiếm tiền thì rất đáng bị lên án. Các cơ quan chức năng cần có những biên pháp triệt để xóa bỏ tình trạng ăn xin nhếch nhác ở thành phố Biên Hòa hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tố giác hành vi của những kẻ chăn dắt ăn xin bất lương, đưa chúng ra trừng trị trước pháp luật. Hiện nay có rất nhiều kênh thông tin để các nhà hảo tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Mọi người không nên cho tiền những người đang hành nghề ăn xin lang thang trên đường phố, sẽ vô tình tiếp tay “nuôi béo” những kẻ chăn dắt.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6803
Số người truy cập:
9250160