Phố Đào Duy Từ đang thẳng tắp bỗng xuất hiện một đoạn dài khoảng 100 mét thắt lại, với gần 40 ngôi nhà được gá tạm ngoài vỉa hè, lụp xụp.
Trong gian nhà xây tạm bợ trên vỉa hè 15m2, chật ních đồ đạc, ông Mai Văn Ân, 74 tuổi, tổ 23 phường Hàng Buồm, lôi từ gầm gường ra chiếc ghế nhựa, lựa trước nhìn sau xếp chỗ cho khách. "Tôi đã cố xếp gọn, nhưng nhà chật quá va chạm khẽ là đồ đạc rới xuống, ngại nhất là có khách, chẳng biết mời ngồi đâu", ông Ân nói.
Ông Ân cho biết, gia đình ông sống tại vỉa hè này từ năm 1963 đến nay đã hơn 25 năm, nhiều thế hệ con cháu của ông đã sinh ra và lớn lên ở đây. Trước kia cả nhà 7 người chỉ có một cái giường. May, mấy cô con gái lớn đều đã đi lấy chồng hết. Chỉ vào gian phòng rộng hơn 1m2 vừa làm bếp vừa làm nhà tắm, ông Ân nói: "Nhà tôi còn may mắn có công trình phụ, nhà bên cạnh 3 gia đình phải sinh hoạt chung".
Cũng sống trên vỉa hè nhưng ông Trần Minh Hoàng, lại nói về căn nhà của gia đình khá hài hước: "Ở Hà Nội có lẽ không có phố nào người dân được làm hoàng đế... vỉa hè". Ông Hoàng cho biết, gần 40 hộ dân đang sống trên vỉa hè này là cán bộ, nhân viên nghệ sỹ rạp hát Quảng Lạc trước đây. Năm 1960 rạp hát xuống cấp, không có điều kiện tu sửa nên được sử dụng làm nơi ăn chốn ở cho gia đình các diễn viên, nhân viên của đoàn chèo.
Tháng 3/1983 một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi rạp Quảng Lạc tại địa chỉ số 50 phố Đào Duy Từ. Sau trận hỏa hoạn, những hộ ở tầng một thì tiếp tục quây lại để ở. Những hộ sống trên sân khấu và lan can nhà hát bị cháy rụi phải ra vỉa hè sống. "Ban đầu chúng tôi cũng chỉ dựng lều, bạt ở tạm chờ quận bố trí nhưng chuột bọ nhiều quá mà mãi không thấy được di dời nên cứ xây lên ở tạm", ông Hoàng nói.
Đang buồn, giọng ông Hoàng bỗng hứng khởi: “Tôi nói điều này chẳng biết có nên tự hào không, riêng các hộ dân của số nhà 50 Đào Duy Từ này, mỗi khi gia đình có việc ma chay, hiếu hỉ thì nghiễm nhiên “được phép” làm... ách tắc giao thông. Cũng chẳng ai muốn thế đâu, nhưng bà con ở đây cũng chẳng còn cách nào khác”.
Trong căn nhà chưa đầy 12m2 kê vừa 2 chiếc giường cho 3 cặp vợ chồng trẻ và 3 đứa nhỏ anh Đinh Bá Nghìn cho biết, giường vừa là nơi tiếp khách, vừa để sinh hoạt hàng ngày. "Từ hơn 10 năm nay chúng tôi sinh hoạt trên giường. Một gian phòng chưa đầy 12m2 chia cho 3 anh em lấy đâu ra diện tích".
Còn chị Nà, vợ anh Nghìn phân trần, nhà chật chội quá không thể bố trí nổi một phòng tắm, vì thế mọi việc giặt giũ, nấu ăn... chị đều phải làm dưới lòng đường. "Tội nghiệp mấy đứa con gái gần 10 tuổi mà phải tắm, giặt ngay ngoài đường. Bản thân vợ chồng chúng tôi cũng phải hạn chế tắm giặt tới mức tối đa, vài hôm mới sang tắm nhờ hàng xóm một lần", chị Nà nói.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cho biết, lần nào tiếp xúc cử tri, phường cũng nhận được các kiến nghị, chất vấn của bà con khu phố.
Theo ông Thắng, nếu tính từ ngày rạp Quảng Lạc bị cháy đến nay, phường đã trải qua 6 đời chủ tịch. Đời nào cũng văn bản, kiến nghị thành phố sớm có một phương án di dời cho dân đỡ khổ, nhưng không hiểu vướng mắc ở khâu nào mà đến nay vẫn chưa thấy có hồi âm.
"Phường cũng chỉ biết kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm, còn việc tiến triển đến đâu và bao giờ mới giải quyết dứt điểm cho dân thì vẫn nằm ngoài tầm của địa phương", ông Phó chủ tịch nói.
Theo VnExpress