Khủng hoảng chip ảnh hưởng sản xuất smartphone
Khủng hoảng chip lan rộng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: EconomicTimes.
So với ôtô, ngành công nghiệp smartphone bị ảnh hưởng chậm hơn. Nhiều hãng điện thoại chỉ bắt đầu gặp khó khăn lớn về nguồn cung linh kiện từ quý II/2021. Dale Gai, nhà phân tích tại Counterpoint Research, cho biết lượng smartphone xuất xưởng giảm tới 10% trong năm do thiếu hụt chất bán dẫn. Ngay cả khi nâng giá chip, hai nhà sản xuất hàng đầu là Samsung và TSMC cũng không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sau khởi đầu ấn tượng vào tháng 9 với iPhone 13, Apple cũng liên tục gặp khó vì không đủ máy cung cấp cho nhiều thị trường. Samsung phải hoãn ra mắt một số model mới do thiếu chip như Galaxy S21 FE. Các hãng điện thoại nhỏ hơn thậm chí chịu tảnh hưởng nặng nề so với Apple và Samsung do không có được các hợp đồng dài hạn và mức độ ưu tiên từ các nhà sản xuất chip.
Xiaomi vươn lên vị trí thứ hai thế giới trong quý II
Xiaomi lần đầu vươn lên vị trí thứ 2 toàn cầu.
Xiaomi bất ngờ giành vị trí thứ hai thế giới trong quý II/2021 với 17% thị phần, xếp sau Samsung với 19% và đứng trên Apple với 14%. Sản phẩm của Xiaomi phần lớn nhắm đến thị trường đại chúng khi có mức giá dễ tiếp cận. Giá trung bình của smartphone Xiaomi thấp hơn 75% so với iPhone và 40% so với điện thoại Samsung.
Tuy nhiên, "những ngày tươi đẹp" chỉ diễn ra ngắn ngủi với Xiaomi khi Apple nhanh chóng đòi lại ngôi vị thứ hai ngay trong quý III sau khi ra mắt iPhone 13. Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, cho biết một nguyên nhân khiến Xiaomi tụt hạng là do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chip toàn cầu. Hãng smartphone Trung Quốc có tới 50 mẫu điện thoại thông minh khác nhau, trong khi Apple chỉ có 14 phiên bản trên thị trường, bao gồm cả một số model đời cũ. "Điều đó tăng thêm sự phức tạp và trở thành thách thức quá lớn, khiến họ phải đối phó nhiều hơn với sự thiếu hụt linh kiện", Pathak lý giải.
Tại Việt Nam, Xiaomi hiện giữ vị trí thứ ba trên thị trường smartphone, sau Samsung và Oppo.
LG rời bỏ mảng smartphone
LG G8 ThinQ ra mắt đầu 2019. Ảnh: Cnet
Đầu tháng 4, LG tuyên bố rút hoàn toàn khỏi mảng smartphone - động thái được giới chuyên gia dự đoán từ trước. Tính tới tháng 12/2020, hãng có 22 quý bán điện thoại lỗ liên tục. Trong vòng 5 năm trước khi tuyên bố đóng cửa mảng kinh doanh này, công ty lỗ khoảng 5 nghìn tỷ won (4,5 tỷ USD). Đây cũng là bộ phận nhỏ nhất của LG khi chỉ chiếm 7,4% doanh thu toàn tập đoàn, theo báo cáo tài chính quý IV/2020.
LG từng là cái tên đình đám trong làng smartphone nhờ những sản phẩm tiên phong về thiết kế, cũng như camera góc siêu rộng. Năm 2013, hãng vươn lên đứng thứ ba thị trường smartphone sau Samsung và Apple. Tuy nhiên, sau đó LG dần trượt dốc. Các sản phẩm của hãng không còn nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng do lỗi phần mềm, phần cứng và thời gian cập nhật chậm hơn các đối thủ Android khác. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng hãng cũng thiếu chiến lược trong lĩnh vực tiếp thị so với các đối thủ Trung Quốc.
VinSmart dừng sản xuất smartphone
Các kỹ sư nước ngoài làm việc trong nhà máy VinSmart cuối năm 2020. Ảnh: Tuấn Hưng
Vào tháng 5, sau ba năm bước chân vào thị trường smartphone với thương hiệu Vsmart, VinSmart gây bất ngờ thông báo rời bỏ "sân chơi". Ngoài điện thoại, những kế hoạch dang dở khác của công ty như thiết bị nhà thông minh, máy lọc khí, TV... cũng chung số phận. Cơ sở vật chất cũ được chuyển sang nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện điện tử, tế bào pin điện, hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung cho VinFast.
"Tuổi đời" ngắn ngủi nhưng VinSmart kịp để lại nhiều dấu ấn khi có giai đoạn vươn lên đứng thứ ba thị trường smartphone trong nước, sau Samsung và Oppo - điều chưa hãng điện thoại Việt nào làm được. Tháng 4/2020, công ty lần đầu xuất khẩu điện thoại sang Mỹ với lô hàng được gia công cho nhà mạng AT&T. Đầu năm nay, truyền thông quốc tế đưa tin VinGroup muốn mua lại mảng sản xuất smartphone của LG để tăng sức cạnh tranh cho VinSmart nhưng không đạt được thỏa thuận.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VinGroup, lý giải việc sản xuất smartphone và TV không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Việc dừng mảng kinh doanh này giúp công ty tập trung nguồn lực tốt hơn cho VinFast.