Những băng cướp đường phố ở thủ đô

Trong tháng 7 và 8, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cướp giật điện thoại di động, máy ảnh, dây chuyền vàng. Công an Hà Nội cho biết, thủ phạm gây án chủ yếu là các thanh thiếu niên. Cá biệt trong số này có Phạm Phú An khi gây án mới 13 tuổi. Để có tiền chơi game, An cùng hai thanh niên khác quen nhau qua mạng đã dùng dao chém liên tiếp Khẩn, một sĩ tử vừa thi xong đại học để cướp chiếc điện thoại.

Đeo kính cận, dáng vẻ thư sinh, ít ai nghĩ Tuấn Anh là thủ phạm đã gây ra nhiều vụ cướp giật điện thoại. Tại trụ sở cảnh sát, cậu học sinh này nói: "Lần đầu tiên đi cướp cháu cũng run lắm, nhưng những lần sau thấy quen dần".

Vũ và Tuấn Anh thân nhau từ khi còn nhỏ. Cả hai cùng sống ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Mặc dù có thành tích học tập tốt và là một MC khá nổi trong giới học sinh nhưng do thiếu tiền vui chơi, Tuấn Anh cùng Vũ tiến hành nhiều vụ cướp giật. Đích ngắm là những phụ nữ gọi điện hoặc nhắn tin trên phố. Bán 4 "chú dế" được 200.000 - 400.000 đồng mỗi chiếc, cả hai chia nhau ăn tiêu và tậu cho mình những chiếc điện thoại xịn hơn.


Những giọt nước mắt ân hận của thủ phạm cướp taxi đêm 24/7 tại cơ quan điều tra. Ảnh: Tuấn Anh

Học ở hai ngôi trường khác nhau nhưng cùng là tín đồ của game Counter Strike, những ngày hè, Vũ Tiến Dũng (17 tuổi) và Nguyễn Mạnh Tiến (18 tuổi) đã tìm đến nhau. Để có tiền chơi game, 2 học sinh người Hà Nội này đã rủ nhau đi cướp. Lợi dụng đôi tình nhân đang tâm sự tại vườn hoa, đầu tháng 8, hai thanh niên trên mang dao đến uy hiếp lấy điện thoại di động.

Cùng có thú đam mê với game, 30 thanh niên ở lứa tuổi dưới 20, hầu hết đã bỏ học cũng thành lập "bang 666". Họ sẵn sàng đi cướp bất kể lúc nào khi hết tiền tiêu. Chiêu thức của nhóm chuyên dùng hung khí khống chế cướp tài sản của người đi trên đường vắng.

Khi đưa về cơ quan điều tra, hầu hết các trẻ vị thành niên đều tỏ ra hối hận về những việc mình đã làm. Vẻ mặt lì lợm, gây ra gần chục vụ cướp giật điện thoại, máy ảnh trong những ngày tháng 8 nhưng khi hỏi về gia đình, Lê Ngọc Tùng, 18 tuổi sụt sùi, ngấn lệ: "Bố cháu đã chết, mẹ thì bỏ đi, ở với bà thiệt thòi đủ thứ. Gần đây, bà ốm không biết làm sao kiếm được tiền mua thuốc, cháu đã quyết định làm liều".

Ân hận về những vụ cướp mình đã gây ra, tại cơ quan điều tra, Trường 17 tuổi cũng nài nỉ các điều tra viên cho giấy và bút viết thư gửi về cho gia đình: “Ngàn lần con xin lỗi mẹ. Giờ đây con đã biết lỗi lầm mình gây ra. Giờ đây con muốn về với mẹ và em, lỗi gây ra con chịu, mong mẹ hãy tha thứ cho con…”.

Nhiều tên cướp nhí đã khóc nức nở khi thấy điều tra viên chụp ảnh. “Các chú đừng chụp ảnh, các bạn ở trường mà biết cháu đi cướp sẽ mách bố mẹ. Lúc đó cháu sẽ bị đánh đòn”, Hoàng, thủ phạm cướp giật dây chuyền nói.

Trao đổi với VnExpress.net, trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm cướp, cướp giật, công an Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các băng, nhóm cướp giật thay đổi liên tục. Ngoài giấu biển số, thay đổi màu xe, thành phần tham gia cũng được liên tục thay đổi. Trước đây, những vụ cướp giật thường chỉ có hai nam thanh niên đi với nhau, nay có nữ đi cùng. "Đèo nhau, họ vờ rút điện thoại ra nghe. Thấy "con mồi" sơ hở, cả hai áp sát giật rồi rồ ga bỏ chạy", trung tá An nói.

Một điều tra viên tiết lộ với VnExpress.net, thủ phạm các vụ cướp giật đa phần đều thuộc con nhà khá giả. Tuy nhiên, do mải mê làm kinh tế các bậc phụ huynh không quan tâm đúng mức, cộng lối sống thích hưởng thụ của giới trẻ khiến tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
932
Số người truy cập:
9263945