7h sáng, các bãi trông giữ xe đầu ngã tư phố Hai Bà Trưng - Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt - Bà Triệu, các cô cậu trong trang phục quần áo đồng phục phi vội những chiếc xe tay ga đắt tiền lên vỉa hè, nhìn trước ngó sau, tìm chỗ xếp gọn vào giữa bãi rồi đi thẳng.
Đẩy chiếc LX đỏ vào một điểm trông giữ xe đầu ngã tư Hai Bà Trưng - Ngô Quyền, Hạnh, lớp 10, THPT Trần Phú khoe, vừa chuyển cấp nên được bố mẹ tặng chiếc xe mới. "Trường cấm, bọn em thường gửi vào các bãi đầu ngã tư, đi bộ về trường. Thầy cô có hỏi thì bảo là đi xe buýt", Hạnh nói.
Đầu giờ sáng, con ngõ nhỏ dẫn vào trường THPT dân lập Đống Đa vắng tanh, lác đác một vài cậu học sinh trong bộ quần áo trắng mang phù hiệu trường, thế nhưng chỉ 10 phút sau, con ngõ nhỏ đã chật kín xe máy.
Chị Thủy, chủ một điểm trông giữ xe tại ngõ này cho biết, những học sinh gửi ở đây quen, chỉ vứt xe vào bãi chẳng cần ghi số. Nhiều hộ gia đình ở đây "phát" vì dịch vụ trông giữ xe cho học sinh.
Cố nhét chiếc xe Jupiter vào khoảng trống giữa hàng chục xe khác, Cường, lớp 11 THPT bán công Đống Đa cho biết: “Đầu năm học nên trường cũng chưa kiểm tra gắt gao lắm. Em cứ đi khi nào làm chặt sẽ chuyển sang đi xe buýt. Nhà em sâu trong ngõ, đi bộ từ nhà ra bến xe buýt cũng mất 10 phút”.
11h30,THPT Amsterdam giờ tan học, hơn chục điểm trông giữ xe máy quanh trường, bãi nào cũng thấp thoáng màu áo trắng của các cô, cậu học trò. Sau khi lấy xe, nhiều em còn đợi nhau, đùa nghịch dưới lòng đường. Đặc biệt, nhiều học sinh không mang theo mũ bảo hiểm.
Đứng chờ cậu con trai lớp 10 mới chuyển cấp tan lớp, chị Nguyễn Thu Phương, Cát Linh (Đống Đa) cho biết, hầu hết phụ huynh đều tán đồng việc cấm học sinh không đủ tuổi đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, một số gia đình do nuông chiều con nên vẫn để các em đi xe máy.
"Hàng xóm của tôi cũng có con học trường này, nhà chỉ cách trường 2km nhưng bố mẹ vừa sắm xe tay ga cho con gái đi học. Nhiều phụ huynh vẫn viện lý do xe buýt đông, con em học thêm nhiều đi xe đạp vất vả, nhưng tôi nghĩ chủ yếu là do chiều chuộng bọn trẻ", chị Phương nói.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng nhiều trường hợp do nhà xa, không có tuyến xe buýt nên học sinh được bố mẹ cho đi xe máy.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Trần Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng THPT dân lập Đống Đa cho biết, năm nào trường cũng tổ chức họp phụ huynh, quán triệt không để con, em đi xe máy đến trường, thậm chí yêu cầu học sinh phải gửi xe trong trường. Những ngày đầu năm học, trường chưa có thời gian chấn chỉnh nên nhiều học sinh công khai đi xe máy.
Theo bà Hà, để chấm dứt tình trạng học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy cần sự phối hợp của gia đình và chính quyền địa phương trong việc xử lý các bãi trông xe vi phạm. "Trường đã báo cáo với tổ dân phố, phường nhưng họ chưa có biện pháp quyết liệt với các bãi giữ xe. Chúng tôi chỉ có thể quản lý học sinh trong phạm vi khuôn viên của trường còn ra ngoài thì chịu", bà hiệu trưởng nói.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, năm học 2007 có hơn 1.000 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông. Lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy phép lái xe, đăng ký, vượt đèn đỏ... Nguyên nhân là do: cha mẹ vẫn cho con sử dụng xe máy phân khối lớn; chính quyền địa phương chưa nghiêm khắc xử lý những điểm nhận trông xe của học sinh; lực lượng cảnh sát giao thông còn nương nhẹ trong việc xử phạt. |