Theo thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cuối tuần trước, trường đã thông qua mức tiền Tết cho giáo viên và sẽ chi trong tuần này.
"So với năm ngoái, thưởng Tết cho giáo viên cao hơn khoảng 2-4 triệu. Người cao nhất nhận 25 triệu, thấp nhất 16 triệu đồng", thầy Hân nói, cho biết thầy cô đều phấn khởi vì có thêm "đồng ra đồng vào" chăm lo Tết.
Tại trường THPT Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, thầy Hoàng Công Phú, Phó hiệu trưởng, cho hay mức chi Tết cho mỗi giáo viên tăng 3 triệu so với năm trước. Người thấp nhất dự kiến nhận hơn 11 triệu đồng, giáo viên có bằng khen hoặc danh hiệu chiến sĩ thi đua được mức cao nhất - khoảng 14 triệu. Ngoài ra, theo quy chế chi tiêu nội bộ, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên đều có phần thưởng 1,5 triệu đồng. Cộng hai khoản, mỗi giáo viên nhận 12,5-15,5 triệu đồng.
Việc kết toán thu chi trong năm chưa xong nên trường Tiểu học Phước Thạnh, TP Thủ Đức, chưa chốt mức chi Tết cho giáo viên. Cô Lê Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng, cho biết trường cố gắng chi "nhỉnh" hơn hoặc ít nhất bằng năm trước (15-25 triệu đồng mỗi người).
Tương tự, cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, chia sẻ trường đặt mục tiêu tăng thưởng Tết "thêm chút ít" để thầy cô phấn khởi. Dự kiến, các giáo viên, nhân viên nhận thưởng dao động quanh mức 20 triệu đồng.
"Lương giáo viên không cao nên thầy cô đều mong chờ khoản thưởng cuối năm. Trường gặp nhiều khó khăn nhưng ban giám hiệu cũng cố gắng xoay sở để thầy cô có Tết ấm hơn", cô Trâm nói.
Thực tế, giáo viên trường công không có lương tháng 13 hay thưởng Tết như người lao động ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nghị quyết của HĐND, giáo viên TP HCM nhận được thu nhập tăng thêm quý 4, bằng tối đa 0,8 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ (khoảng 9-21 triệu đồng) và quà Tết của thành phố cho khu vực hành chính, sự nghiệp là 1,8 triệu đồng một người. Ngoài ra, giáo viên còn có thêm khoản chia từ kết dư ngân sách trong năm của trường. Thời điểm nhận các khoản này thường sát Tết, nên giáo viên vẫn gọi đây là "thưởng Tết".
Về khoản chi của trường, thầy Lê Hữu Hân ở trường Thanh Đa, lý giải đây là tiền tiết kiệm điện nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, cây xanh, các hoạt động giáo dục. Tùy tình hình, ban giám hiệu xác định trường cần đầu tư vào việc gì, mua sắm sao cho vừa phải, những hạng mục nào có thể kêu gọi tài trợ để tiết kiệm chi phí. Trường nào có kế hoạch, vun vén, tiết kiệm ngay từ đầu năm thì cuối năm dư được nhiều hơn.
Thầy Hoàng Công Phú, Phó hiệu trưởng trường Vĩnh Lộc B, cũng cho biết để có khoản này, ban giám hiệu phải dự toán thu, chi, có kế hoạch tiết kiệm rất cụ thể và thống nhất quy chế chi tiêu trong trường.
Nhận thông tin thưởng Tết từ nguồn của trường, chị Phan Ngọc Huệ, nhân viên trường THPT Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nói mừng không ngủ được.
"Tôi chưa được ký hợp đồng chính thức, lẽ ra không có thưởng. Lúc nghe tin sẽ nhận được gần 11 triệu đồng, như các thầy cô, tôi vui không nói nên lời", chị Huệ chia sẻ.
Cô Hồ Thị Bích Ty, giáo viên trường THCS Hà Huy Tập, thì đang thấp thỏm vì trường chưa thông báo về khoản này. Năm ngoái, cô Ty được nhận hơn 19 triệu đồng.
"Cuối năm nhiều khoản phải chi tiêu, từ bánh mứt, quà cáp chăm lo cho hai bên nội ngoại, nên các thầy cô đều mong có thêm chút đỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung, mình mong được như năm ngoái đã là mừng", cô Ty nói.
Lệ Nguyễn