Nhiều “tai tiếng” tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc

(Theo Dantri)

 

Trụ sở Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Theo đó, kết luận điều tra xác minh 4 nội dung đều có sai phạm đó là: Công tác quản lý tài chính; Việc thực hiện Quy chế dân chủ; Về bằng cấp của giám đốc nhà hát và về công tác đảng.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã có báo cáo sự việc lên thành ủy TP Thái Nguyên từ cuối 2006 nhưng không hiểu tại sao sự việc cứ chìm dần vào quên lãng, còn những lãnh đạo có sai phạm thì vẫn nguyên vị, thậm chí có người còn thăng tiến hơn.

Lãnh đạo cùng nhau khai khống để ăn chia

Sự việc bắt đầu từ ngày 14/7/2005, Đoàn ca múa dân gian có hợp đồng biểu diễn số 52 với Nhà văn hóa huyện Cát Hải - TP Hải Phòng. Toàn bộ chi phí ăn, nghỉ đều được Nhà văn hóa huyện Cát Hải chi trả.

Thấy có cơ hội để rút tiền cơ quan, ông Vũ Văn Sỹ (Trưởng đoàn) đã đề nghị ban giám đốc cho mua hóa đơn về quyết toán khống. Được ông Nông Xuân Ái, Giám đốc nhà hát “bật đèn xanh”, ông Sỹ đã mua một hóa đơn ghi khống số tiền 6.650.000 đồng của nhà nghỉ Thái Long, thị trấn Cát Hải (Hải Phòng).

Trên đường về Thái Nguyên, ông Sỹ đã ứng trước 2.200.000 đồng chi phí ăn uống cho các thành viên đoàn. Đến khi rút được tiền cơ quan, cả nhóm gồm ông Ái, ông Sỹ… tiếp tục tổ chức một buổi liên hoan ở TP Thái Nguyên hết 2.700.000 đồng. Còn hơn 1.000.000 đồng tiền thừa, những lãnh đạo đã san nhau mỗi người một ít.

Ngày 28/10/2005, Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc do Giám đốc Nông Xuân Ái có ký hợp đồng số 012 về việc làm phòng cách âm với ông Vũ Bá Phương, trú tại tổ 18, phường Phan Đình Phùng. Giá trị của bản hợp đồng là 11.740.000 đồng nhưng do không phải mua thêm vật tư nên công trình sau khi thi công xong chỉ hết có 9.340.000 đồng.

Để hợp thức hóa số tiền thừa còn lại trong hợp đồng, ông Nguyễn Tấn Hồng, Trưởng phòng hành chính tổng hợp của nhà hát đã nhờ đối tác (ông Phương - PV) mua hộ một hóa đơn mua thảm với số tiền ghi là 2.400.000 đồng.

Khi quyết toán công trình, ông Phương trích lại cho ban giám đốc 1.140.000 đồng cộng với 2.400.000 đồng tiền ghi khống hóa đơn, tổng cộng là 3.540.000 đồng. Có được số tiền này, bộ sậu gồm 6 người đã thống nhất chia chác hưởng theo thứ tự số tiền tăng dần lên tính từ kế toán (440.000 đồng) cho đến giám đốc nhà hát (800.000 đồng).

Quá trình điều tra, CQĐT đã khẳng định hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn, lập khống chứng từ để chiếm đoạt số tiền 9,53 triệu đồng của các ông Nông Xuân Ái, Nguyễn Tấn Hồng, Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Thị Thanh đã cấu thành tội tham ô tài sản và chuyển các cơ quan chức năng đề nghị xử lý.

Chưa nghiêm túc giải quyết

Nhiều cán bộ, diễn viên đã tố cáo những sai phạm của lãnh đạo nhà hát là đặc quyền đặc lợi, thích cho ai đi diễn thì cho, nếu diễn viên muốn đi diễn thì phải xin sếp bằng cách… “chiều lòng”.

Đáng chú ý là tố cáo về sai phạm rõ ràng trong việc đồng ý quyết toán hai bản hợp đồng với nhạc sỹ Phạm Tịnh về việc dàn dựng chương trình biểu diễn, giám đốc nhà hát đã cho quyết toán khống hai hợp đồng trên để chiếm đoạt 107.000.000 đồng của nhà nước.

Về chi tiết các thực hiện các hợp đồng này, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Ái cho biết: “Trước đây khi ký hai hợp đồng này đã có trục trặc nhỏ, hiện nay hợp đồng đã được giải quyết, vì thế không có vấn đề gì ở những hợp đồng đó nữa”.

Chưa hết, trong công tác chuyên môn, điều hành nhà hát cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng như: Ông Bùi Hải Anh làm Phó giám đốc nghệ thuật dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành Xây dựng… còn những người có chuyên môn nghề nghiệp đúng ngành thì được bố trí làm mảng khác.

Trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể Thao và Du lịch), Đoàn thanh tra cũng kiến nghị: “tổ chức sinh hoạt kiểm điểm về sự mất đoàn kết, sai phạm trong quản lý tài chính, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý kỷ luật”.

Văn bản cũng nhấn mạnh: Giám đốc nhà hát phải có ngay biện pháp chấn chỉnh những việc làm thiếu dân chủ, nhất là việc phân công diễn viên, nhạc công đi biểu diễn… và thành lập hội đồng kỷ luật, xem xét việc sai phạm trong công tác quản lý tài chính của giám đốc Nhà hát và các thành viên như kết luận của Cơ quan CSĐT TP Thái Nguyên.

“Những sai phạm liên quan đến tôi thì đã có kết quả báo cáo cấp trên, tôi đã bị cảnh cáo rồi, khi chưa có kết quả xử lý khác thì tôi vẫn phải làm việc, vẫn phải điều hành đoàn. Còn việc tôi chưa học hết cấp 3 là đúng, việc này theo quy định tôi vẫn đang được nợ, đến lúc nào tôi hoàn tất được bằng thì nộp…” - ông Ái khẳng định với PV.

Đô Quốc


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4740
Số người truy cập:
9108722