Ngoài Mẫu Sơn, băng tuyết cũng đã xuất hiện tại khu du lịch Sapa, dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) và vùng núi cao thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Trong 2 ngày tới, ở miền Bắc mây giảm, có lúc trời hửng nắng, nhiệt độ cao nhất ban ngày sẽ nhích lên mức 15°C-17°C, trời đỡ rét hơn nhưng ban đêm nhiệt độ vẫn thấp dưới 11°C.
Lắp đèn chiếu sáng phòng chống rét cho mạ tại Viện Nghiên cứu lúa - Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Các ngày 15, 17, 18, 21, 22-1 sẽ có không khí lạnh tăng cường nên rét còn có thể kéo dài đến cuối tháng 1.
- Trong ngày 12-1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã thành lập nhiều đoàn đi các tỉnh vùng cao như Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... để hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách chống rét cho gia súc, đồng thời kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng đang hoành hành tại khu vực này.
Theo Cục Chăn nuôi, chỉ trong hơn 10 ngày, thống kê sơ bộ cho thấy toàn miền Bắc đã có hơn 4.000 con trâu, bò chết rét. Hiện số trâu, bò chết vì rét vẫn tiếp tục tăng lên tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sơn La, Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... Tính đến thời điểm này, Sơn La là tỉnh có trâu, bò chết rét nhiều nhất với hơn 1.300 con.
Đợt rét đậm, rét hại còn đe dọa hàng trăm hecta mạ đông xuân đang được gieo rải rác ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều địa phương đã yêu cầu bà con tạm ngừng gieo mạ, chờ thời điểm gieo muộn sau Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn và ngộ độc khí than do sưởi ấm bằng than tổ ong trong phòng kín để chống rét.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi xếp hàng chờ khám; đồng thời bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh...