“Nhậu tới bến”, có thuốc giải?


Thời gian gần đây rộ lên tình trạng nhiều người truyền tai nhau vô tư “nhậu tới bến” mà không xỉn, nhờ uống thuốc giải rất dễ mua trên thị trường. Ở không ít tiệc cưới, bàn nhậu, nhiều “bợm” (đa số tầm 30-40 tuổi) đã sử dụng thuốc giải trước khi nhập cuộc.

 
Một lần là tởn
 
Mới đây, anh N.H.L (ngụ quận 10-TPHCM) bị một phen hú vía. Do công việc của một nhân viên kinh doanh phải thường xuyên tiếp khách ở nhà hàng nên anh rất buồn vì tửu lượng thấp, công việc nhiều lúc vì vậy mà kém suôn sẻ. 
 
Được anh xe ôm gần nhà bày chiêu chống xỉn bằng cách uống hai viên Paracetamol trước khi nhập cuộc, anh L. dùng thử vào buổi liên hoan cùng chiến hữu sau đó vài ngày.
 
Lúc đầu, dù uống lượng bia nhiều hơn bình thường nhưng vẫn cảm thấy còn khí thế, nghĩ thuốc giải đã có tác dụng nên L. gắng làm thêm vài chai nữa, không ngờ chỉ gắng thêm được đúng một chai là lăn đùng, bất tỉnh, bạn bè phải đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.
 
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định L. bị ngộ độc thuốc, tổn thương chức năng gan, nhiễm độc, xuất huyết bao tử, điều trị mất gần 10 ngày sức khỏe mới hồi phục. “Chưa bao giờ tôi tới mức độ này. Tởn tới già rồi, tưởng đâu thuốc giải ai ngờ...”- L. vẫn chưa hết bàng hoàng.
 
 
Bệnh nhân ngộ độc điều trị tại đơn vị chống độc thuộc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy

 
Còn anh T.Đ.T (ngụ quận Tân Phú), qua giới thiệu của vài chiến hữu đã làm quen thử với “bửu bối” là thuốc ME-21. Anh T. cho biết trước và trong mỗi lần nhậu, anh “chơi” 2 viên ME-21 là có cảm giác uống hoài hổng thấy say, không nhức đầu, lên đô.
 
Thế nhưng sau một lần ngộ độc thuốc ME-21, T. thấm thía nhớ đời. Bữa đó, sau cuộc nhậu, chẳng những đau bụng suốt ngày mà người anh rơi vào trạng thái cứ vật vờ, cảm giác như đi trên mây, nôn ợ rồi chán ăn cả tuần, bỏ bê công việc.
 
Chỉ hỗ trợ dinh dưỡng
 

Thật là nguy hiểm

Cũng theo PGS-TSNguyễn Hữu Đức, những thứ thuốc hoặc chế phẩm này thực chất chỉ là thuốc hỗ trợ chữa nghiện rượu, phụ trợ điều trị nhiễm độc gan do rượu chứ không phải thần dược giúp phòng và triệt tiêu tác hại của rượu. Nhiều người dùng thuốc giảm đau hạ sốt như Aspirin, Paracetamol khi uống rượu để giảm đau đầu rồi nhầm tưởng là thuốc giải thì quả thật là nguy hiểm. Aspirin có tác dụng phụ là làm tổn hại niêm mạc dạ dày-tá tràng, đưa đến viêm loét, nếu uống chung với rượu thì cực kỳ tai hại vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Còn Paracetamol làloại thuốc có độc tính, ít người biết là hại gan rất dữ. Dùng Paracetamol chung với bia, rượu sẽ làm gan nhiễm độc, hoại tử tế bào gan...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số loại thuốc được truyền tai nhau coi là “bửu bối” giải rượu, bia hiện nay là Tylenol, ME-21, RU-21, Mewol-21. Thậm chí các loại thuốc trị cảm sốt như Paracetamol, Decolgen, Aspirin... cũng được dùng khá nhiều. Tại các nhà thuốc đều bán những loại thuốc này với giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng/viên hoặc 10.000 đồng/vỉ. Gần đây nhất, trên thị trường xuất hiện loại thuốc có tên là Voskyo-3, được dân nhậu ví như là loại thuốc giải “thần sầu”, uống rượu vô tư vẫn “tỉnh như sáo”.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Trường ĐHY Dược TPHCM, hiện không ít đấng mày râu tin rằng có thuốc giải độc rượu, bia và dùng những thứ này sẽ trở thành cao thủ võ lâm. Nên nhớ hoàn toàn không có thuốc nào giúp uống rượu mà tỉnh như không và sức khỏe toàn vẹn.
 
Các loạiviên giải rượu RU-21, ME-21, Mewol-21, Tylenol, Pamin, Aspirin, Paracetamol có mặt trên thị trường có chứa một số vitamin (như B1, B6, PP) và một số axít... Đây là những chất cơ thể sử dụng để chuyển hóa rượu, chỉ có tác dụng hỗ trợ dinh dưỡng chứ chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu, bia làm tổn hại, nhất là gan.
 
Theo nhiều chuyên gia y tế khác, hai cơ quan chịu đựng nhiều nhất tác hại của bia, rượu là hệ thần kinh trung ương và gan. Rượu, bia vốn là thứ không tốt cho gan. Nếu dùng chung với thuốc giải thì gan sẽ làm việc với cường độ tăng nhiều lần để thải độc tố. Dùng lâu dài, các loại thuốc giải rượu, bia có thể gây bệnh về gan, viêm loét bao tử, ngộ độc dẫn đến tử vong.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH


Giày Đại Phát solution
Số người online:
76635
Số người truy cập:
7489586