Nhát dao oan nghiệt

Mâu thuẫn từ quán nhậu về đến nhà

Phạm Quang Tuấn (SN 1957, ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và anh Trần Hữu Thông (SN 1960, ở phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) là bạn chơi thân với nhau đã vài chục năm nay. Trước khi xảy ra vụ án, hai ông bạn cùng tuổi về già vẫn thường rủ nhau chén tạc chén thù để hàn huyên về những vui, buồn trong cuộc sống hiện tại và ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.

Khoảng 11h ngày 27-5-2011, đôi bạn này rủ nhau đến quán bia trước cửa nhà thờ Hàm Long, Hà Nội. Uống đến khoảng 18h cùng ngày, anh Thông muốn thay đổi không khí nên rủ Tuấn về quán bia số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để “làm tăng hai”.

Tại đây, Tuấn gặp người quen nên đi sang bàn bên cạnh chào hỏi, uống một cốc bia rồi quay lại uống tiếp cùng anh Thông. Chuyện chỉ có vậy nhưng bỗng nhiên anh Thông nổi cơn “ghen tuông” vì cho rằng Tuấn không tôn trọng mình nên mới bỏ mặc anh ngồi một mình hồi lâu như vậy. Trong hơi men, anh Thông đã chửi bới, hắt bia vào mặt và ném luôn chiếc cốc vào người Tuấn. Biết bạn mình làm bậy do say xỉn, Tuấn dù giận tím mặt nhưng vẫn nhẫn nhịn im lặng bỏ về nhà. Nào ngờ, đến 21h cùng ngày, Thông lại đến trước cửa nhà Tuấn để chửi bới một chập và thách thức đánh nhau.

Thấy anh Thông gây mất trật tự công cộng như vậy, vợ Tuấn và một số người hàng xóm đã can ngăn hết lời, vậy mà anh Thông vẫn không chịu về. Thấy Tuấn trước sau cứ ở lỳ trong nhà không ra, anh Thông gào lên: “Mày không ra, tao gọi người đến và hiếp cả vợ mày”.

Đến đây thì Tuấn không nhịn nhục được nữa, ba máu sáu cơn nổi lên, người đàn ông bị xúc phạm nặng nề đã lấy con dao gọt hoa quả của gia đình và đi ra ngoài cửa đối mặt với anh Thông. Thấy Tuấn cầm dao, anh Thông vẫn không chịu bỏ đi và còn lấy phích nước dùng bán hàng trà đá của vợ Tuấn để ở gần đó, xông vào đánh Tuấn. Tuấn lúc đó cầm dao bằng tay trái, trong cơn điên tiết đã đâm một nhát vào vùng mặt anh Thông, khiến nạn nhân ôm mặt gục xuống đường. Sau đó, dù được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức nhưng anh Thông đã tử vong do thương tích quá nặng.

Sau khi đâm chết bạn, Tuấn cầm con dao gây án bỏ trốn. Lúc đi qua phố Ngô Thì Nhậm, Tuấn đã vứt con dao ở đó rồi về nhà chị gái là Phạm Thị Thu Phương (ở tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lấy lại bình tĩnh, Tuấn bảo cháu Nguyễn Tuấn Minh (con chị Phương) đưa Tuấn ra Công an quận Hoàn Kiếm đầu thú.

Tại cơ quan điều tra, gia đình Tuấn đã nộp 120 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả, đồng thời đứng ra lo ma chay cho nạn nhân Trần Hữu Thông.

“Siêu trộm” cải tà quy chánh bất thành

Ngày 26-10-2011, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Quang Tuấn về tội “Giết người” theo Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Phạm Quang Tuấn, còn gọi là Tuấn “cụt” vì bị cụt 1/3 cẳng tay bên phải và thiệt hại 50% sức khỏe trong một tai nạn lao động ở Nhà máy Cao su năm 1993, dáng người gầy gò, gương mặt quá già nua so với cái tuổi 54 nên thoạt nhìn, Tuấn trông giống như một lão nông dân cơ cực vì phải làm lụng vất vả.

Cuộc đời Tuấn có thể được coi là lắm thăng trầm. Bị cáo sinh trưởng trong một gia đình có bố mẹ đều là những người có công với cách mạng, được tặng nhiều Huân chương Kháng chiến. Thế nhưng oái oăm thay, từ nhỏ Tuấn đã có cái tật khó bỏ là trộm cắp. Năm 1974, khi mới 17 tuổi, Tuấn đã bị TAND quận Hoàn Kiếm xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản”. 3 năm sau, cũng với tội này, Tuấn lại bị phạt 3 năm tù giam. Song hai lần ra vành móng ngựa và ngồi sau song sắt chưa thức tỉnh được Tuấn bởi năm 1988, Tuấn lại bị xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo cũng vì trò “hai ngón”!

Sau lần thứ ba phạm pháp và bị phát hiện này, Tuấn lấy vợ là chị Phan Thị Thanh Hương (SN 1960) và có một con trai sinh năm 1990.

Có vẻ như hạnh phúc gia đình đã loại trừ được máu trộm cắp trong con người Tuấn. Bởi theo những người thân của Tuấn và cả đại diện của bị hại thì Tuấn là người hiền lành, tốt tính, chưa bao giờ gây sự với người khác. Từ sau tai nạn năm 1993 khiến sức khỏe bị tổn hại, Tuấn chỉ loanh quanh ở nhà phụ giúp vợ bán trà đá và làm những việc lặt vặt. Tại tòa, Tuấn thành khẩn khai báo mọi tội lỗi, tỏ ra ăn năn hối hận. Thậm chí không ít lần, trên gương mặt già nua của Tuấn rớt ra những giọt nước mắt sám hối cho tội lỗi của mình - giọt nước mắt của một “siêu trộm” đã cố gắng hoàn lương nhưng vẫn vương vòng lao lý.

Tòa nương nhẹ hình phạt cho bị cáo

Trái ngược với sự hiền lành của bị cáo, nạn nhân Trần Hữu Thông lại là người nóng tính, cục cằn, thô lỗ. Theo anh Thắng - em trai của nạn nhân – thì: “Anh Thông là người hay rượu bia, say xỉn. Bình thường đã là người nóng tính, cục cằn, rượu bia vào còn thêm cái tật hay chửi bới người khác, chửi cả người trong nhà lẫn người ngoài, nên nhiều người không thích. Nhưng hoàn cảnh anh ấy cũng đáng thương, lấy vợ muộn, mãi năm 1996 mới có con. Vợ lại mất sớm, một mình nuôi con nhỏ...”.

Tại tòa, anh Thắng thay mặt gia đình nạn nhân yêu cầu bị cáo bồi thường thêm số tiền là 20 triệu đồng để làm phí chữa bệnh tai biến cho mẹ già.

HĐXX cũng đồng quan điểm với ý kiến mà Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đưa ra rằng: Trước khi xảy ra án mạng, giữa bị cáo và nạn nhân đã xảy ra một cuộc xô xát, mà lỗi bắt nguồn từ phía nạn nhân. Bị cáo đã cố tình không muốn gây sự, nhưng do nạn nhân chửi bới, thách thức, còn dọa bị cáo những lời: “Mày không ra, tao gọi người đến và hiếp cả vợ mày”, nên bị cáo mới phẫn uất, cầm dao ra để dọa, rồi vô tình gây ra cái chết cho nạn nhân. Như vậy, có đủ chứng cứ để khẳng định bị cáo phạm tội trong trạng thái bị kích động, không làm chủ được hành vi của mình.

Sau khi gây án mạng, Tuấn đã chủ động đi tự thú, và cùng với gia đình tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả không may đã gây ra cho gia đình nạn nhân. Gia đình Tuấn là những người có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân chương.

Vì những lẽ trên, HĐXX chỉ phạt Phạm Quang Tuấn 6 năm tù về tội “Giết người”, dù khung hình phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự ở mức 7-15 năm tù. Ngoài ra, Tòa buộc bị cáo phải bồi thường thêm cho gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11170
Số người truy cập:
9238183