Qua trao đổi với cơ quan hữu quan cho thấy, việc mua bán này nếu xảy ra thì cả người bán và người mua đều chịu thiệt, trong đó người mua sẽ bị mất hết. Dù vậy, vẫn có nhà được rao bán với nhiều chiêu lách luật tinh vi...
Chiêu lách luật
Ngày 31-3, chúng tôi tiếp tục liên lạc với một số người đăng rao bán nhà thu nhập thấp (tại khu CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông), điều bất ngờ là một vài người từ chối bán với lý do: đã suy nghĩ lại. Sau khi kiên trì gọi thêm một vài số điện thoại khác, chủ nhân số điện thoại 0913017... đã nhận lời bán cho chúng tôi và còn nhiệt tình hướng dẫn việc nhập hộ khẩu của tôi vào hộ khẩu gia đình anh ta cho đúng "đối tượng" được mua nhà theo quy định.
Theo người đàn ông này, anh ta bán căn hộ ở tầng 12, đây là căn hộ anh ta được mua theo diện người có công với cách mạng. Giá anh ta phát ra là 22 triệu/m². Người đàn ông này cam kết: "Nếu đồng ý mua tôi sẽ chuyển nhượng thông qua hình thức viết tay. Khi nhận xong giấy tờ bạn phải chồng toàn bộ tiền cho tôi. Tất cả mọi thủ tục chắc chắn đều không công chứng được. Để bạn yên tâm tôi sẽ nhập khẩu của bạn vào gia đình nhà tôi. Khi nào hợp lý sẽ tách khẩu cho bạn". Trước thông tin về việc cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra hộ khẩu 1 tháng/lần, người đàn ông trấn an chúng tôi rằng không thể có chuyện đó. "Làm gì có chuyện đó, cứ yên tâm, không sao đâu" - người này nói.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đều cho biết, khi mua nhà qua mạng, nếu không đúng đối tượng thì rủi ro lớn nhất sẽ thuộc về phía người mua. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định, Sở đã nhận được thông tin việc một số website đăng tải nội dung rao bán căn hộ dành cho người thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm. Sở đang phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội để điều tra xác minh những thông tin trên.
Sau 10 năm mới được chuyển nhượng
Theo Quyết định số 34/2010/QĐ - UBND của UBND thành phố Hà Nội Ban hành quy định bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có TNT tại khu vực đô thị, nhà TNT chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm.
Quyết định trên nêu rõ, chỉ được phép thực hiện các giao dịch nhà ở TNT (bán, cho thuê, cho thuê mua) sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà.
Trong trường hợp người mua đã trả hết tiền mua nhà, nhưng chưa đủ 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà thì người mua nhà TNT chỉ được bán nhà ở đó (nếu có nhu cầu) cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương hoặc chủ đầu tư dự án để bán cho đối tượng được mua nhà TNT (giá bán không được vượt quá mức giá nhà TNT cùng loại tại thời điểm bán).
Bàn cách khai hồ sơ ngay cửa tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông
Cũng theo quyết định trên, các chủ đầu tư dự án nhà ở TNT thực hiện việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở TNT nếu không đúng theo quy định thì ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị buộc hoàn trả các chi phí được ưu đãi, bị thu hồi dự án, không được thực hiện các dự án bất động sản trong thời gian 2 năm kể từ ngày dự án bị thu hồi hoặc bị thu hồi đăng ký kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai |
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai: Cho ở nhờ cũng không được!
Ngày 30-3 chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai xung quanh thông tin rao bán nhà TNT trên mạng. Theo ông Đa, sau khi bàn giao nhà cho người dân, hàng tháng công an sẽ kiểm tra hộ khẩu từng căn hộ...
Nhà CT1 Ngô Thì Nhậm đã có hiện tượng rao bán, ông đánh giá như thế nào về thông tin này?
- Đấy là quyền của các trang web bất động sản. Nhưng theo quy định là 10 năm sau thì nhà thu nhập thấp mới được phép giao dịch mua bán.
Chủ đầu tư đã phát hiện trường hợp mua bán nào chưa?
- Tôi chưa biết thông tin này.
Thưa ông, sau khi khu nhà đi vào sử dụng, việc quản lý sẽ được tiến hành thế nào?
- Chúng tôi đã làm việc với Công an thành phố Hà Nội và được biết, sau khi người dân vào ở thì cứ một tháng sẽ cho kiểm tra hộ khẩu một lần. Nếu có khuất tất cơ quan công an sẽ xử lý. Vấn đề này trong Quyết định 34 cũng đã nêu rõ (không được cho thuê, chuyển nhượng hay cho ở nhờ).
Người rao bán nói, việc mua bán sẽ chuyển nhượng bằng hợp đồng viết tay. Theo ông việc này có thực hiện được không?
- Vấn đề này quá rủi ro cho những người mua vì nhà thu nhập thấp không được mua bán khi chưa qua thời hạn 10 năm.
Nếu người dân đã trót đặt tiền mua nhà thì họ phải làm gì để tránh thiệt thòi?
- Người có ý định mua nhà thu nhập thấp cần huỷ ngay hợp đồng mua bán hay đặt cọc tiền vì sẽ không bao giờ chuyển nhượng được. Đối với nhà thu nhập thấp, việc cho người khác ở nhờ còn không được thì không thể có chuyện mua bán hay chuyển nhượng.
Sau khi toà nhà đi vào hoạt động chúng tôi sẽ cho thành lập ngay tổ dân phố thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp cho ở nhờ dù bất kỳ hình thức nào thì cũng có thể bị thu hồi nhà để giao cho người khác. Chủ nhà không thể lấy chế độ của nhà nước để cho người khác.
Nếu vì rủi ro (chủ nhà lớn tuổi, hoặc bị tai nạn, thiên tai... dẫn tới thiệt mạng) mà chưa ở hết thời hạn 10 năm thì có thể để lại nhà cho con cháu hay không?
- Quyết định 34 đã nêu rõ, phải ở hết 10 năm. Với vấn đề này, có thể chủ đầu tư sẽ cho thu hồi lại nhà hoặc chờ ý kiến của thành phố.
Có ý kiến cho rằng nhà thu nhập thấp ở Hà Nội giá cao như nhà thương mại tại TP HCM, ông có bình luận gì về nhận xét này?
- Đây là vấn đề thị trường... Nếu thích mọi người có thể vào TP.HCM mua nhà rồi ở.
Chúng ta ngăn chặn việc mua bán chuyển nhượng ngầm như thế nào?
- Chủ đầu tư chỉ mong muốn làm ra sản phẩm để bán hay tiêu thụ. Chúng tôi tiêu thụ nhà theo tiêu chuẩn của thành phố quy định. Việc giao dịch như thế nào là quyền của người dân nhưng họ nên đọc kỹ Quyết định 34 xem có được phép hay không? Còn nếu người không thuộc đối tượng mua nhà thu nhập thấp mà có tiền để mua lại nhà ấy, họ cứ đổ vào mà mua, không ai cấm điều đó. Vấn đề là họ có được ở hay không mới là điều quan trọng.
-Xin cảm ơn ông.