Giữa tháng 7, Cục thuế Quảng Nam tiến hành cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa hóa đơn với hai công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn thuộc Tập đoàn Besra do nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Vài ngày sau, hai doanh nghiệp trên lần lượt thông báo đóng cửa khiến 1.000 lao động thất nghiệp. Những bãi khai thác vàng trái phép cũng thi nhau "mọc" lên.
Làm tại công ty vàng có thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng, nhiều nông dân đã bỏ nương rẫy. Nay bỗng dưng thất nghiệp, một số người đi theo phu vàng trái phép khiến nạn "vàng tặc" phức tạp trở lại.
Khu vực đồi Sim (xã Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) những ngày gần đây hàng chục lán trại được dựng lên. Đây là khu vực do Công ty vàng Bồng Miêu quản lý, nay bị các phu vàng đào bới.
Công ty vàng Bồng Miêu cho biết, do có quá nhiều con đường dẫn tới mỏ nên công ty không thể quản lý hết được. Sau khi dừng hoạt động, bên cạnh 10 bảo vệ còn lại, công ty đã thuê thêm 36 bảo vệ khác nhưng không xuể. Việc khai thác trái phép trở nên công khai.
Ngoài các mỏ chưa khai thác, nhiều khu vực Công ty đã sử dụng xong và san lấp mặt bằng chuẩn bị bàn giao đất cũng bị cày xới. Nhiều cánh rừng keo do người dân trồng trên đất của Công ty cũng bị phá nát.
Phu vàng cho hay, mỗi ngày họ kiếm được khoảng 200.000 đồng từ việc đào đãi. Dù biết là trái pháp luật và nguy hiểm, nhưng họ không có việc gì khác để làm.
Thấy bóng dáng của công an hay bảo vệ, những phu vàng trái phép lập tức bỏ chạy vào rừng sâu.
Những chiếc xe cà tàng được sử dụng để đi lên các mỏ vàng. Mỗi khi bị lực lượng chức năng giữ lại, họ vứt luôn cả xe để chạy.
Nhiều con đường nhỏ trước đây chỉ dành cho người dân đi bộ trồng keo, nay được phu vàng mở rộng để chạy xe máy lên tới hầm lò.
Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch xã Tam Lãnh cho biết, Công ty vàng Bồng Miêu ngừng hoạt động khiến khoảng 500 lao động địa phương thất nghiệp. Thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra phức tạp.
Theo ông Minh, những ngày trước một số người còn đào bới cả bãi đất thải của Công ty. Khu vực này cực kỳ độc hại nên xã phải kiến nghị làm ngập nước để phu vàng không khai thác được. Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng thôn 4 (xã Phước Đức, Phước Sơn) cho hay, cả thôn có gần 30 người là cho Công ty Phước Sơn vừa mất việc, một số đã theo phu vàng trái phép. Địa hình thôn gần với bìa rừng nên chính quyền còn lo ngại sẽ có nhiều người làm "lâm tặc".
Mới đây, Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Cục thuế địa phương gia hạn và tạm dừng cưỡng chế với Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Động thái này mang tới hy vọng về việc hai nhà máy có thể sớm mở cửa trở lại.
Theo vnexpress.net - ngày 04/08/2014