Sản phụ lo lắng
Khác với khung cảnh đông như “chợ vỡ” ở các bệnh viện phụ sản đầu ngành trên địa bàn Hà Nội, tại các nhà hộ sinh như: Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Lê Trực, quận Ba Đình), Nhà hộ sinh B (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng)… gần như vắng hoe.
Nhà hộ sinh B được xây dựng khá khang trang nhưng rất ít sản phụ đến đây sinh
Sản phụ Nguyễn Ngọc Lan (phố Lê Trực,) đang đăng ký khám và theo dõi thai nhi tại Nhà hộ sinh Ba Đình cho biết: “Tôi ở gần nên có thai là vào đây đăng ký khám, theo dõi thai nhi và đẻ luôn. Bác sĩ ở đây nhiệt tình, cơ sở sạch sẽ, thoáng mát mà tiền dịch vụ lại không cao”.
Sản phụ Lan dự định sinh thường nên tâm lý khá thoải mái. Tuy nhiên, nhiều sản phụ có tiên lượng sinh khó tới đây đều có tâm trạng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Ngân, mang thai 23 tuần tuổi cùng chồng đến xin tư vấn, chia sẻ: “Đến bệnh viện lớn thì đông đúc nên muốn sinh ở đây, nhưng nghe nói ở đây không được phép mổ nên cũng ngại”.
Lo ngại ấy cũng không thừa vì thực tế, nhiều sản phụ đã phải dở khóc dở cười khi lên bàn đẻ rồi lại phải chuyển viện.
Sản phụ Nguyễn Ngọc H (phố Lò Đúc) kể lại: “Cách đây 1 năm tôi có đăng ký khám, theo dõi thai nhi và sinh tại Nhà hộ sinh B. Tôi sinh con đầu lòng nên lúng túng, lúc đau đẻ rất mất sức. Khi cửa mình mở 7 - 8 phân, bác sĩ bảo rặn nhẹ để kiểm tra rồi đi ra ngoài”.
Sau đó, mãi chị H không đẻ được nên phải chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ cấp cứu. Nói rồi chị H phân trần: “Cả đời mới có 1-2 lần đi đẻ. Tâm lý đi đẻ đã thấy lo lắng rồi, lại chuyển viện nữa nên hoang mang lắm. Lần sau, tôi cạch nhà hộ sinh”.
“Do tâm lý người dân”
Khi được hỏi về công tác hộ sinh, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Anh – Trưởng nhà Hộ sinh Ba Đình cho biết, trung bình mỗi ngày, nhà hộ sinh tiếp nhận từ 15-20 lượt bệnh nhân. Chủ yếu là đến khám, theo dõi thai nhi và làm các thủ thuật nạo hút thai. Số ca đến đẻ tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bác sĩ Mộng Anh cho hay: “Do bị phân cấp về thủ thuật nên sản phụ không yên tâm. Phần nữa là trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều bệnh viện chuyên khoa, sản phụ có thể tới thẳng để sinh nở”.
Nhà hộ sinh ở Hà Nội đang trống trơn
Nói về thực tế “không được mổ đẻ”, bác sĩ Mộng Anh nói: “Đó là phân cấp của Sở Y tế. Chỉ bệnh viện tuyến trên mới được mổ đẻ vì thế vô tình cũng hạn chế chuyên môn của anh em. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa đươc cho phép.”
Theo số liệu thống kê của Nhà Hộ sinh Ba Đình, hiện tại, nhà hộ sinh có khoảng 20 sản phụ đang theo dõi thai nhi tại đây, nhưng may ra cả tháng chỉ có 4-5 ca đăng ký đẻ. Nhà hộ sinh với hàng chục phòng lúc nào cũng vắng vẻ, trống trơn, nhân viên ngồi chơi cả tháng.
PGS - TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đầu tư cho hộ sinh là đầu tư cho cả dân tộc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hệ thống hộ sinh ở nước ta chưa hoàn thiện. Bộ cũng đã biết điều này và hiện đang cân nhắc để hoàn thiện hệ thống nhà hộ sinh, giảm tải ở các bệnh viện phụ sản đầu ngành, tăng đầu tư cả cơ sở vật chất, kỹ thuật và chuyên môn cho các nhà hộ sinh.
Không riêng gì Nhà hộ sinh Ba Đình, Nhà hộ sinh B, các nhà hộ sinh còn lại trên địa bàn Hà Nội cũng chung hoàn cảnh. Tuy đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới và trang bị, thế nhưng vẫn vắng bóng thai phụ tới khám và sinh đẻ.
Nhận định thực trạng này, bà Nguyễn Thị Minh Hiền - Chủ tịch Hội Nội sinh Hà Nội đề xuất: “Thay vì duy trì hoạt động èo uột, Sở Y tế Hà Nội cần xem xét cải thiện cơ sở hộ sinh, tăng cường kỹ thuật, trang thiết bị, mạnh tay để họ làm các thủ thuật sinh nở,… để người dân tin tưởng.
Nếu các biện pháp trên vẫn không thu hút được sản phụ thì nên mạnh tay chấm dứt hoạt động của các nhà hộ sinh để đầu tư giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên hoặc xây dựng các cơ sở hộ sinh ở những vùng khó khăn.