Nguyễn Đức Kiên một mực khai không lừa tập đoàn Hòa Phát

 Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Đức Kiên (Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI) chỉ đạo ông Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI) ký hợp đồng thế chấp gần 22,5 triệu cổ phần Công ty Thép Hoà Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chưa được giải chấp của ACB và ACBS, công ty ACBI đã ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát, thu về 264 tỷ đồng. Với hành vi này, Nguyễn Đức Kiên bị kết tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng nay, trình bày lý do kháng cáo, bị cáo Kiên cho rằng có quan hệ bạn bè tốt với ông Trần Đình Long (Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát) và Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Hòa Phát). “Mối quan hệ của tôi và anh Dương, Long có trăm tỷ đồng không mua được”, bầu Kiên nói. Theo bị cáo, cả ba đều có “đủ trí thức" vì vậy "không ai lừa ai được".

Theo bị cáo Kiên, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát đã nhận được 20 triệu cổ phiếu sau khi ký hợp đồng, thể hiện bằng bút toán ghi sổ. Chứng minh việc Thép Hòa Phát đã nhận được số cổ phiếu trên, bị cáo Kiên cho hay Thép Hoà Phát đã gửi đơn cho Sở Kế hoạch đầu tư Hải Dương nói về việc chuyển nhượng cổ phần với ACBI đã thành công, nâng tổng số cổ phần của tập đoàn tại Thép Hòa Phát… Bị cáo Kiên cho rằng ACBI mới là bên thiệt hại vì cổ phiếu đã giao, tiền bị thu.

kien1-9078-1417575509.jpg

Bầu Kiên bị dẫn giải ra xe thùng sau phiên toà chiều 2/12. Phía sau lưng là vợ bị cáo.

Có mặt tại phiên phúc thẩm hôm qua và hôm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho hay biết Nguyễn Đức Kiên muốn bán nên đặt vấn đề mua 20 triệu cổ phần Thép Hoà Phát. Ông Long khẳng định không biết việc bị cáo Kiên vì muốn phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng đã thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Thép Hoà Phát cho ACB. Chỉ khi cơ quan chức năng thông báo với ông Long việc số cổ phần này đã được thế chấp và chưa được Ngân hàng ACB giải chấp, chủ tịch tập đoàn Hoà Phát mới “bất ngờ”. Khi nghe tin này, ông Long đã hỏi ông Thanh và được động viên rằng cổ phần đã được ACB giải chấp, vấn đề còn lại chỉ là thủ tục.

Ông Long cho rằng việc chuyển nhượng được thông qua hợp đồng 4 bên, tiền sẽ vào tài sản phong tỏa ra. Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát một lần nữa khẳng định: "Không biết cổ phần của bầu Kiên là tài sản đang thế chấp. sau khi ký hợp đồng, Hoà Phát đã vào sổ cổ đông, đã sang tên nhưng do cơ quan điều tra cho biết tài sản đang bị thế chấp nên tập đoàn có công văn đề nghị làm rõ".

Còn Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Phát Trần Tuấn Dương cho hay, biết số cổ phần mua đã bị thế chấp sau khi chuyển 264 tỷ đồng cho ACBI thì đã "không khỏi lo lắng". Thời điểm đó Hoà Phát nghĩ giao dịch đã hoàn thành chứ không biết có nhiều rắc rối như vậy. Tập đoàn sau đó có đơn yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ sự việc để lấy lại số tiền cho rằng đã bị Nguyễn Đức Kiên chiếm đoạt.

Ông Kiều Chí Công (Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát) - người đứng ra ký hợp đồng mua cổ phần với ACBI - cho hay đến nay đã nhận lại được toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng do cơ quan điều tra chuyển. Năm 2013, tập đoàn đã mua được 20 triệu cổ phần trên. “Chúng tôi không có thiệt hại, kính mong toà xem xét sự việc nhè nhẹ”, ông đề nghị.

ong-Long-312.jpg

Ông Long trình bày tại phiên phúc thẩm sáng nay.

Trước các lời khai trên, HĐXX cho rằng cần phải làm rõ phía Thép Hoà Phát thiệt hại ra sao. Bởi trong phần kháng cáo, bị cáo Kiên cho rằng giữa tập đoàn Hoà Phát và ACBI có sự hoán đổi cổ phần.

Để làm rõ vấn đề này, một thành viên trong HĐXX chất vấn ông Dương và chỉ ra trên thực tế Thép Hoà Phát có thiệt hại. Bởi tại thời điểm xảy ra vụ án, tập đoàn này đã bị mất 264 tỷ đồng. “Ông phải trình bày rạch ròi, hiện nay Thép Hoà Phát không còn thiệt hại, chứ không phải tại lúc vụ án xảy ra. Bản thân phía tập đoàn còn có đơn đề nghị cơ quan điều tra lấy lại số tiền”, một thành viên HĐXX nói.

Việt Dũng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
17257
Số người truy cập:
9288513