Nguyên Chủ tịch Vinashin và đồng phạm “thoát” bồi thường 34,8 tỷ đồng?

 Đó là vấn đề được nhóm chuyên gia của Ban Nội chính Trung ương phát hiện và nêu ra trong nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” vừa mới công bố.

Tòa tuyên “bồi thường”, doanh nghiệp... “từ chối”!

Theo bản án hình sự số 454/2012 của Tòa phúc thẩm TAND thì Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) - nhận mức án 20 năm tù và mức tiền bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng; Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty viễn dương Vinashin) 19 năm tù, bồi thường hơn 495 tỷ đồng; Tô Nghiêm (nguyên Giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân) 18 năm tù, bồi thường 16 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm tù, bồi thường 14 tỷ đồng; Trần Quang Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu) 11 năm tù, bồi thường thiệt hại trên 25,4 tỷ đồng, đã nộp 1 tỷ đồng; Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 10 năm tù và phải bồi thường cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 14 tỷ đồng; Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) 3 năm tù và phải bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long gần 25 tỷ đồng.

Bản án cũng buộc Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Tô Nghiêm, Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Đình Côn, Trần Quang Vũ phải liên đới bồi thường cho 6 công ty tổng cộng trên 1.149 tỷ đồng; ngoài ra 9 bị cáo phải nộp án phí dân sự, hình sự và tiền phạt tổng cộng trên 1,9 tỷ đồng.

Theo quyết định của Bản án 454/2012 thì 6 công ty được thi hành án là Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin; Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh; Công ty TNHH MTV tàu thủy Cái Lân; Công ty TNHH MTV điện Cái Lân; Công ty TNHH MTV Nam Triệu; Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long.

Theo nhóm nghiên cứu, bản án có hiệu lực pháp luật, Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng đã chủ động ra quyết định thi hành án khoản án phí, tiền phạt, tổ chức thi hành theo quy định và ủy thác đến cơ quan thi hành án nơi đương sự cư trú để tiếp tục thi hành án. Đối với việc thi hành án theo đơn yêu cầu là các khoản bồi thường thiệt hại theo Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, cơ quan thi hành án dân sự mới thụ lý và ra quyết định thi hành án.

Tuy nhiên đây là khoản doanh nghiệp nhà nước được bồi thường (tài sản thuộc sở hữu nhà nước) nên để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, các doanh nghiệp cần làm đơn yêu cầu thi hành án. Do đó Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành có liên quan như Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan khác để trao đổi, bàn biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành bản án.

Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) có nhiều công văn chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động thi hành án vụ Vinashin. Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn yêu cầu Vinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc quyền quản lý có quyền lợi được bồi thường phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án Vinashin cần có đơn yêu cầu thi hành án.

Cục Thi hành án Hải Phòng đã liên tiếp có các công văn hướng dẫn các công ty trên về việc làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Sau rất nhiều công văn hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, trong số 6 doanh nghiệp trên chỉ có 2 doanh nghiệp làm đơn yêu cầu thi hành án là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin. Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long không làm đơn do đã tự thi hành xong.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không làm đơn yêu cầu thi hành án với lý do: Hội đồng quản trị và hội đồng cổ đông công ty cho biết Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không bị thiệt hại và không yêu cầu ông Bình, ông Tuyên, ông Côn phải bồi thường số tiền trên 34,8 tỷ đồng theo quyết định của bản án. Tài sản đầu tư của công ty vẫn còn tính đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ phải bồi thường nên công ty không làm đơn yêu cầu thi hành án.

Nhóm nghiên cứu Ban Nội chính Trung ương còn cho biết, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã nhiều lần hướng dẫn, thuyết phục nhưng cho đến cuối tháng 9/2014 vẫn còn 2 doanh nghiệp chưa làm đơn yêu cầu thi hành án để thu hồi khoản tiền của nhà nước, đó là Công ty TNHH MTV tàu thủy Cái Lân và Công ty TNHH MTV điện Cái Lân.

Tháng 10/2014, Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng tiếp tục có công văn hướng dẫn 2 công ty này làm đơn yêu cầu thi hành án mà không phải cung cấp thông tin về tài sản của Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm đã được Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân (Hà Nội) xác minh và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhà đất tạm ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản…

Doanh nghiệp không yêu cầu, không thể thu hồi tài sản?

Theo nhóm nghiên cứu, khi hành vi tham nhũng bị phát hiện và xử lý theo pháp luật hình sự thì sau khi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tổ chức việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự quy định cơ quan thi hành án dân sự chỉ chủ động thi hành án đối với 5 loại việc: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài những trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ tổ chức việc thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án.

Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 vừa qua đã bổ sung quy định chủ động thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên luật này đến 1/7 tới mới có hiệu lực thi hành, mặt khác cần phải được hướng dẫn cụ thể loại tài sản nào của nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

“Do đó, trong trường hợp tài sản của Nhà nước giao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng thì nếu đương sự không yêu cầu thi hành án thì việc thu hồi tài sản hoàn trả, bồi thường phát sinh từ hành vi tham nhũng theo bản án, quyết định của tòa án cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không được thực hiện”- nhóm nghiên cứu lý giải xung quanh vụ việc của cựu chủ tịch Vinashin.

Theo Dân Trí


Giày Đại Phát solution
Số người online:
38463
Số người truy cập:
9156616