Bảo Đại cưới bà Nam Phương năm 1934 khi ông 21 tuổi. Trong 12 năm “hương lửa mặn nồng” hai người có với nhau 5 người con. Thời điểm đánh dấu sự kiện vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn kết thúc lời thề "chỉ một vợ một chồng" là lúc Mộng Điệp - Người đẹp gốc Kinh Bắc - sinh trưởng ở Hà Nội, xuất hiện, năm 1946.
Duyên kỳ ngộ
Cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Mộng Điệp cũng có thể coi là “hữu duyên” bởi thời gian này, ông ở Hà Nội làm cố vấn Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi đó, Mộng Điệp đang là một vũ nữ khá nổi ở Hà thành.
Vốn nổi tiếng xinh đẹp lại biết cách ăn nói nên dù đã có một đời chồng (thầy thuốc - bác sĩ Phạm Văn Phán nổi tiếng ở Hà Nội lúc đương thời và một đứa con riêng) nhưng Mộng Điệp vẫn khiến cho Bảo Đại si mê.
Bảo Đại và Mộng Điệp
Sự gặp gỡ của Bảo Đại và Mộng Điệp có thể sánh như “trai anh hùng” với “gái thuyền quyên” nên điều gì cần phải đến đã đến. Hai người nhanh chóng sống cuộc sống “già nhân ngãi, non vợ chồng”.
Theo nhiều tài liệu, sau Nam Phương Hoàng Hậu, Mộng Điệp là người phụ nữ được gần gũi Bảo Đại nhiều nhất. Bà thậm chí còn là người được ông hoàng này yêu quý hết mực.
Sau năm 1949, khi Bảo Đại từ Hồng Kông về nước, bà luôn luôn được gần gũi cựu hoàng đế. Thậm chí, ở Đà Lạt, Bảo Đại còn dành tặng cho bà một toà nhà riêng, gần biệt điện hoàng đế để tiện sớm tối kề cận. Khi tháp tùng cựu hoàng sang Pháp về sống ở Cannes, bà cũng tậu một biệt thự riêng gần lâu đài Thorenc của hoàng gia.
Sau này, khi Bảo Đại lên Buôn Ma Thuột, trông nom văn phòng Hoàng triều cương thổ (vùng đất trên cao nguyên mà Pháp dành riêng cho triều Nguyễn) bà cũng được tháp tùng. Đây là quãng thời gian đẹp và hạnh phúc nhất của hai người.
Mộng Điệp đã sinh cho Bảo Đại 3 người con. Trong đó, có một con gái là Phương Thảo (1946) và hai con trai Bảo Hoàng (1954-1955) và Bảo Sơn (1955-1987).
Uy lực của người đàn bà đẹp
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, so với Nam Phương Hoàng Hậu, Mộng Điệp có phần khéo léo hơn và khá có uy với ông hoàng. Một trong những chi tiết chứng minh sự khôn ngoan của bà thể hiện ở cách “chăm sóc” vua Bảo Đại.
Vốn biết Bảo Đại có một tâm hồn rất nghệ sĩ và lãng mạn nên thay bằng lối tiếp xúc trang trọng xa cách, Mộng Điệp thường rất biết cách tạo không khí thân mật và ấm áp khi ở bên cạnh chồng. Trong những ngày tháng bên vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn, bà thường trải chiếu hoa cạp điều hoặc thảm để nhà vua ngồi ăn cơm trên sàn nhà thay vì ngồi trịnh trọng trên bàn, có kẻ hầu người hạ theo lễ nghi của triều đình.
Loại chiếu bà chọn là loại chiếu có dệt hoa và xung quanh cạp bằng vải mầu điều rất đẹp và sang trọng… Vì thế vua Bảo Đại luôn tìm được cảm giác thanh nhàn và ấm cúng bên người tình.
Không chỉ chú ý chăm lo cho vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, từ khi trở thành thứ phi của Bảo Đại, Bùi Mộng Điệp thường xuyên đi về Huế thăm bà Từ Cung, thân mẫu Bảo Đại, tranh thủ tình cảm của bà.
Mộng Điệp khéo cư xử nên được Hoàng thái hậu rất yêu quý. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ bà được đức Từ Cung yêu quý còn bởi xuất thân của bà có nhiều nét tương đồng với đức Từ Cung. Hơn nữa, Mộng Điệp lại sùng đạo Phật, biết chăm lo thờ phụng tổ tiên trong khi chính cung hoàng hậu vốn theo công giáo nên lơ là việc này.
Nhờ cảm tình của đức Từ Cung mà Mộng Điệp được bà Hoàng thái hậu "ban mũ áo" sau khi làm lễ trước bàn thờ tổ tiên trong Đại Nội, chính thức công nhận là thứ phi. Tuy nhiên, dù được hoàng tộc thừa nhận, bản thân và các con đều được đưa vào tôn phổ nhưng Bùi Mộng Điệp và các con bà vẫn không được phong tước hiệu nào.
Mặc dù vậy vai trò và vị trí cũng như thiên diễm tình của thứ phi Mộng Điệp trong cuộc đời Bảo Đại là không thể phủ nhận.