Người nhận tội, kẻ phản cung

Liên quan đến vụ án, Phan Cao Trí (SN 1973), Phan Việt Hậu (SN 1985), Phan Quốc Cường (SN 1977) bị truy tố về hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản; Phan Thị Yến (SN 1979, vợ Trí) bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Minh Phương (SN 1974) và Nguyễn Hoài Nhanh (SN 1985) bị truy tố tội bắt giữ người trái pháp luật.
 

Phan Cao Trí (đứng) trả lời thẩm vấn trước tòa ngày 24-1. Ảnh: NGỌC MỸ

 
Bóc lột nhân viên bằng những cam kết trái luật
 
Theo cáo trạng, tháng 10-2005, Phan Cao Trí thành lập Công ty TNHH Tân Hoàng Phát. Đến tháng 6-2008, Trí chuyển cho em vợ là Phan Việt Hậu điều hành công ty nhưng vẫn đứng sau lưng Hậu điều hành công việc. Ngoài cơ sở này, Trí còn làm chủ 4 cơ sở massage khác ở Thủ Đức, Bình Dương và Đồng Nai.
 
Theo tài liệu thu thập được, khi tiếp nhận nhân viên vào xin việc, một mặt Trí và Hậu buộc họ phải ký hợp đồng theo đúng quy định pháp luật, mặt khác buộc ký vào hai bản thỏa thuận, cam kết trái với quy định của pháp luật như buộc phải ăn ở tại công ty, không được phép đi ra ngoài, gia đình của nhân viên không được tiếp xúc, thăm gặp mặt nhân viên nếu chưa được sự đồng ý của Trí hoặc quản lý; làm việc dưới 6 tháng xin nghỉ là vi phạm hợp đồng, phải bồi thường 24 triệu đồng; về phép phải nộp cho Yến tiền thế chân 15 triệu đồng.
 
Nếu bỏ trốn hoặc bị khách phàn nàn (vì không chịu massage kích dục), sẽ bị Trí, Hậu, Cường đánh đập, kỷ luật bằng cách không cho đi làm, bắt ở nhà dọn dẹp vệ sinh; phải làm việc từ 9 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ ngày hôm sau; lương ký trong hợp đồng 670.000 đồng/tháng, thực tế chỉ lãnh 500.000 đồng/tháng và hưởng 90% tiền boa của khách. Hằng tháng, sau khi trừ tiền ăn ở, Trí mới phát số tiền còn lại cho nhân viên...
 
Tại phiên tòa, được mời lên thẩm vấn trước tiên, các bị cáo Nhanh và Phương thừa nhận có những việc xảy ra tại Tân Hoàng Phát như cáo trạng đã nêu, theo đó mọi quy định xử lý đối với nhân viên đều do Trí quyết định, Nhanh và Phương chỉ làm theo sự chỉ đạo của Trí; nhân viên mới vào làm khi nghỉ phép, nộp tiền thế chân nhiều hơn nhân viên làm lâu năm và phải làm 6 tháng mới được nghỉ phép; thừa nhận việc có trường hợp nhân viên giả bệnh để người nhà đến bệnh viện giải cứu nhưng bị bắt lại ngay giữa chốn đông người và bị Trí cũng như người quản lý bạt tai...
 
Đồng loạt kêu oan
 
Ngược với Nhanh và Phương, Trí cùng Yến, Hậu, Cường đồng loạt phản cung, cùng “đồng ca” không nhớ, không biết, hoảng loạn, bị chích điện nên khai đại. Tại tòa, Yến khai góp vốn ở 5 cơ sở, mỗi nơi từ 1 tỉ đến hơn 3 tỉ đồng, còn chia lợi nhuận hằng tháng bao nhiêu không nhớ. “Bị cáo chỉ ở nhà, không bước chân đến cơ sở nào, các giám đốc đưa tiền đến thì nhận, rồi vào sổ, cuối tháng đưa các giám đốc chia lãi, phát lương. Ngoài ra, bị cáo không làm gì” - Yến nói.
 
Về việc giữ tiền của nhân viên massage, Yến cho biết: “Họ ở tập thể đông đúc, sợ mất tiền nên đưa bị cáo giữ giùm. Sau này, chồng và em bị cáo bị bắt, họ thưa kiện nhiều, không biết đầu đuôi ra sao, bị cáo thương lượng đưa tiền để họ bãi nại”. Vị chủ tọa trích lời tự khai của Yến tại cơ quan điều tra, vừa đưa tay lau mồ hôi trán liên tục, Yến vừa kêu: “Rất là oan cho bị cáo”.
 
Cũng vậy, Cường khai là giám đốc Công ty Kim Thu, chỉ quen biết Trí vì làm chung nghề dịch vụ, không liên quan gì đến hoạt động của Tân Hoàng Phát. Tình cờ đến Tân Hoàng Phát mượn máy xông hơi về cho công ty thì... bị bắt (?!).
 
Giám đốc Công ty Hoàng Thành – Phan Việt Hậu - sau khi phủ nhận chuyện bắt giữ nhân viên bỏ trốn, đã thể hiện là một ông giám đốc “tốt bụng” khi khai nhận nhân viên mới vào làm không có tiền thì ứng tiền trước cho họ học nghề, đi làm rồi trả lại sau; nhân viên muốn ở đâu thì ở, nếu vi phạm kỷ luật (theo Hậu giải thích là không đeo bảng tên, phục vụ khách quá giờ...) sẽ không cho phục vụ khách nữa, được cho ở nhà chứ không phải làm gì (?!). Nghe Hậu khai, vị chủ tọa phải thốt lên: “Làm ông chủ như bị cáo quá tốt, nhân viên làm việc không tốt vẫn cho ngồi chơi lại còn được nuôi cơm!”. 
 
Bị cáo Trí khăng khăng không liên quan đến vụ bắt giữ người hay cưỡng đoạt tài sản, chỉ là cổ đông góp vốn, không tham gia quản lý, điều hành. Bị cáo thừa nhận trong thời gian còn làm giám đốc Tân Hoàng Phát có bạt tai nhân viên vì vi phạm kỷ luật (quan hệ tình dục với khách dẫn đến có thai), tuy nhiên không có chuyện thu giữ nữ trang và tiền của họ.
 
Những lời thừa nhận khi mới bị bắt là do hoảng loạn, bị ép cung, từ tháng 1-2009, bị cáo phản cung, kêu oan. Về chi tiết này, VKSND TPHCM hỏi lại Trí: “Lời khai nhận tội ban đầu cũng như lời chối tội của bị cáo đều được cơ quan điều tra ghi nhận, vậy đâu phải bị cáo bị ép cung?”. Trí không trả lời.
 
Hôm nay (25-1), phiên tòa bắt đầu với phần tranh luận.
 
Buộc chiều khách nhưng phạt nặng khi nhân viên có thai
 
Được mời lên, có mẹ của người bị hại nghẹn ngào: “Khi nghe con điện thoại về khóc nói đem tiền lên chuộc thân, không thì chết thôi, tôi phải bán đất để có tiền...”.
 
Cũng có bà mẹ nói phải huy động tiền của các anh chị em rồi vay mượn để đến gặp Trí- Yến lạy lục xin cho con được về. “Tôi lạy cô Yến rồi đưa 26 triệu đồng để chuộc con.
 
Cô Yến thảy lại 1 triệu đồng dưới gạch để mẹ con đón xe về quê” - một bà mẹ kể lại. Một bị hại khai làm ở Tân Hoàng Phát không có tiền lương, chỉ có tiền boa nhưng thu ngân giữ đến nửa tháng mới đưa sau khi trừ lại các khoản tiền, mỗi ngày làm việc có khi đến 20 tua. Dù công ty cấm nhân viên quan hệ tình dục với khách nhưng lại bắt họ kích dục, chiều khách...
 
“Nếu bị phạt (vì không cho khách “quậy”) bị đình tua thì không có tiền. Vì vậy, khách đòi hỏi đủ thứ cũng phải chiều. Vì chiều khách, con có bầu, bị anh Trí và Hậu đánh. Nhiều người bị phạt lắm cô ơi” - cô gái khai.
 
Tuy nhiên, các bị hại cũng thừa nhận mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng. Có lẽ vì vậy mà có bị hại đã ra trước tòa: “Cám ơn anh Hai, chị Hai vì đã tạo công ăn việc làm cho tụi em, nhờ đó mà có tiền gửi về quê giúp đỡ cho gia đình”. Nghe thật chua xót.  
Tố Trâm

Giày Đại Phát solution
Số người online:
5435
Số người truy cập:
9225063