Người Huế tưởng niệm 138 năm ngày kinh đô thất thủ

 17h ngày 10/7 (tức 23/5 âm lịch), gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa, 80 tuổi ở đường Đặng Thái Thân, TP Huế bắt đầu bày biện mâm cỗ ra vỉa hè. Học theo người xưa, ông Hóa chuẩn bị các món ăn bình dân như chè xôi, mít, cơm vắt và nước chè. Một đống lửa cũng được đặt gần mâm cỗ.

Ông Nguyễn Thanh Hóa cúng ngày thất thủ kinh đô Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Trong trang phục áo dài khăn đóng màu xanh, ông Hóa thắp hương, lầm rầm khấn tưởng nhớ những người đã chết, đồng thời cầu cho đất nước thái bình, dân chúng ấm no.

"Theo ông bà kể lại, từ ngày 23 đến 30/5/1885, Huế rơi vào tay quân Pháp, người dân giẫm đạp lên nhau bỏ chạy khỏi kinh thành. Trong đó, nhiều người chết do rơi xuống hộ thành hào, hồ. Ngoài mâm cỗ, gia đình chuẩn bị thêm đống lửa, nước chè để sưởi ấm các âm hồn chết đuối", ông Hóa nói.

Mâm cỗ gồm xôi vắt, hạt nổ. Ảnh: Võ Thạnh

Cách ông Hóa chưa đến một cây số, người dân ở phường Thuận Lộc tập trung về miếu Âm hồn ngay ngã tư đường Mai Thúc Loan giao với đường Lê Thánh Tôn để tổ chức lễ tế, thắp hương tưởng nhớ người chết. Mâm cỗ gồm khoai sắn, cơm vắt, bỏng gạo, nước chè và vàng mã.

Xưa kia, khu vực này có rất nhiều quan quân triều Nguyễn và người dân chết dưới làn đạn của giặc. Thi thể được chôn cất tập thể tại ba khu nghĩa trang, được người dân lập miếu Âm hồn thờ chung.

Miếu Âm hồn ở ngã tư đường Mai Thúc Loan. Ảnh: Võ Thạnh

Ngày 23/5/1885 âm lịch, hàng nghìn quan quân, dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn khi kinh thành Huế thất thủ. Hơn 10 năm sau, vua Thành Thái cho xây đàn Âm hồn và cứ đến 23/5 lại cử hành lễ tế với mâm cỗ có tam sanh gồm trâu, dê, lợn và xôi.

Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế lần đầu tổ chức lễ tế đàn Âm hồn, duy trì hàng năm vào sáng 23/5 âm lịch. Năm nay, tỉnh tổ chức lễ tế vào sáng 24/5 âm lịch.

Võ Thạnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
87680
Số người truy cập:
7252906