3h chiều 20/12, bà Mai Hương đi bộ xuống công viên rừng, đoạn sát sông Hồng bắt đầu nhặt rác, quét lá rụng. Một người phụ nữ khác tầm tuổi bà đang dùng giẻ lau máy móc trước giờ mọi người xuống tập luyện. "Công viên là tài sản chung nên cứ thấy bẩn là chúng tôi dọn, không cần ai nhắc nhở", bà Hương, người tự nguyện ngày hai lần xuống công viên quét dọn nói.
Cách chỗ bà Hương quét dọn không xa, bà Nguyễn Thị Thủy, 60 tuổi, đang cùng chồng bón phân, tưới nước cho 10 luống rau trồng xen cây ăn quả và cây dược liệu. Bà cho biết số cây này do chị em phụ nữ trong khu phố cùng trồng.
"Từ ngày ra vườn rừng lao động tôi khỏe hẳn ra thay vì ru rú trong bốn bức tường", bà Thủy nói.
Khu vực mà bà Hương, bà Thủy cùng nhiều người dân ở phường Chương Dương đang sinh hoạt gọi là Công viên rừng Chương Dương hay Công viên rừng bên bờ vở sông Hồng (bờ vở là cách người dân sống tại đây nói về dải đất ven sông). Trước đây khu vực này là nơi tập kết rác, nước thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối, nhiều muỗi, côn trùng. Đây cũng là nơi nhiều đối tượng nghiện hút, thành phần bất hảo thường tụ tập khiến cư dân không dám đến.
"Chúng tôi nhiều lần cắm biển cấm đổ rác, yêu cầu giữ gìn vệ sinh chung nhưng không ai nghe, nhất là các thành phần bất hảo, nên lực bất tòng tâm", bà Thủy kể.
Năm 2019, nhóm "Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống" tập hợp các kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội đề xuất giải pháp biến bãi rác này thành khu vui chơi cho người dân. Giai đoạn một đi vào hoạt động từ năm 2021, với một khu vườn rừng và sân chơi rộng khoảng 3.000 m2. Giai đoạn 2 tiến hành từ tháng 7/2022, bàn giao đầu năm 2023 với ba hạng mục: Vườn rừng trồng các loại rau, loại thuốc nam của phụ nữ; Vườn giác quan trồng các loại cây, loại hoa để mọi người khám phá và khu tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi, nâng tổng diện tích lên 9.000 m2.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc Thinks Playground, đơn vị lập quy hoạch dự án, cho biết công viên rừng là khái niệm còn mới ở Việt Nam nhưng khá phổ biến trên thế giới. Các công trình này thường được tái tạo dựa trên tàn tích còn sót lại của vùng hoang dã hoặc bán hoang dã.
Khảo sát thực địa, ông Đạt nhận thấy bờ vở sông Hồng đoạn thuộc địa phận phường Chương Dương phù hợp mô hình này. Nơi đây tập trung cây cối bản địa đồng thời cũng nhiều cây ăn quả do người dân trồng. Đặc biệt đây cũng là vùng chim di cư bay qua tạo hệ sinh thái đa dạng nên cần được quy hoạch, tạo sân chơi chung.
Đơn vị của ông Đạt tiến hành phá bỏ một số cây xâm lấn, bổ sung một số loại cây bóng mát, cây bò dưới mặt đất như muối, dền, cam thảo và trồng thêm một số giống phèn đen, trắng, ráy làm thức ăn cho chim. "Nhưng để giữ công viên rừng xanh, sạch tránh được sự hoang hóa như hiện tại không thể thiếu sự chung tay góp sức của người dân", ông Đạt nói.
Giám đốc dự án cũng nhấn mạnh ngoài bảo vệ cảnh quan, mô hình công viên rừng còn tạo sân chơi chung, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí đang bị thiếu hụt của trẻ nhỏ trên địa bàn.
Ban đầu mọi người khá thờ ơ bởi không hiểu mục đích xây dựng. Khi thấy núi rác được dọn sạch, các đối tượng tụ tập trái phép được di dời nên các hộ dân cùng góp sức. Họ chủ động phối hợp với các nhóm hoạt động xã hội và đoàn thể địa phương dọn sạch hơn 200 tấn rác thải, đổ đất san nền. Tranh thủ lúc rảnh, từ người già đến trẻ nhỏ lại mang cuốc, xẻng xuống đào hố trồng cây quanh các lối đi, làm đẹp cảnh quan.
Sau vài tháng sử dụng, thấy nền đất tại khu tập luyện gồ ghề, thường bị bẩn, trũng nước, dễ trơn trượt mỗi khi mưa, bà Nguyễn Thị Thủy bàn với chồng đi xin thảm trải sàn từ các hội chợ phủ lên. Một số gia đình sống cạnh công viên hỗ trợ kéo dây điện, lắp đường ống nước để người dân bớt cảnh xách từng xô, chậu ra công viên tưới cây.
Ngoài các thiết bị lập luyện thể dục, cầu trượt, xích đu cho trẻ nhỏ được trang bị sẵn, người dân đứng ra vận động, kêu gọi ủng hộ mua thêm 8 máy tập mới, đồng thời làm ba con đường bê tông rộng hơn một mét xuống dưới sân tập. Tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng, đều do người dân đóng góp và hoàn thiện hồi tháng 10.
"Có cây xanh, không gian tập luyện, nay được kéo thêm điện, nước, đường bê tông khiến người lớn có cơ hội được rèn luyện sức khỏe, trẻ nhỏ được vui chơi, giải trí, sau được tìm hiểu về thế giới tự nhiên, nên công sức chúng tôi bỏ ra hoàn toàn xứng đáng", bà Thủy nói.
Sống tại phố Hàm Tử Quan hơn 30 năm, chị Nguyễn Thị Định, 49 tuổi, nói vui khi chứng kiến cảnh quan của bờ vở bên sông Hồng thay đổi từng ngày.
"Lâu lắm rồi tôi mới thấy những con sóc về làm tổ trên cây cổ thụ dưới bờ vở, mỗi sáng ra tập thể dục lại thấy đàn cò trắng, vạc bay về hai bên sông. Từ ngày có công viên, bà con hàng xóm có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ, tình đoàn kết cũng nhờ thế mà tăng lên", chị Định nói.
Anh Trần Nam, 45 tuổi cho biết từ ngày xây dựng công viên sát nhà, bản thân có cơ hội ra ngoài tập luyện, phục hồi bệnh tai biến. "Trước tôi không bao giờ đến đây bởi ẩm thấp, nhiều kim tiêm, rác thải bốc mùi hôi thối rất khó chịu", anh nói.
Ông Ngô Như Ý, tổ trưởng Tổ dân phố số 5, khu dân cư Bạch Đằng 1, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết Công viên rừng Chương Dương là sự chung tay góp sức của người dân và các tổ chức xã hội. Đặc biệt khi bãi rác được làm sạch, định hướng tạo dựng khuôn viên, người dân rất tự giác trong việc cải tạo, trồng cây và bảo vệ cảnh quan môi trường.
"Đây là sân chơi lành mạnh, giải trí cho mọi lứa tuổi mà nhiều năm nay các hộ dân sinh sống trên địa bàn phường chưa được hưởng nên rất cần được nhân rộng", ông Ý nói.
Quỳnh Nguyễn