"Tiêm vaccine Covid-19 là yêu cầu phòng chống dịch, do đó người dân cần đi tiêm vaccine đúng quy định, đúng liều. Còn địa phương yêu cầu người dân ký cam kết là thể hiện trách nhiệm với người dân trong các hoạt động của mình", ông Lân trả lời báo chí, chiều 27/6.
Tương tự như việc ký cam kết tiêm chủng, việc này thể hiện vaccine là vũ khí chiến lược trong giai đoạn bình thường mới, đặc biệt chống biến thể mới.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 đang chậm lại, người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại do cho rằng đã có miễn dịch từ các mũi tiêm cơ bản và đã mắc Covid-19. Bộ Y tế nhiều lần thúc giục tiêm chủng, yêu cầu các tỉnh miền Nam hoàn thành tiêm vaccine đã phân bổ trước 30/6, người dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu không tiêm vaccine, để xảy ra dịch bệnh.
Tại cuộc họp, VnExpress đã nêu các câu hỏi về căn cứ Bộ Y tế yêu cầu những tỉnh thành này, căn cứ yêu cầu người dân ký cam kết, biện pháp giám sát tiêm chủng... nhưng không được đại diện Bộ trả lời.
Sau hơn hai năm theo dõi dịch bệnh, ông Lân cho rằng, nCoV biến hóa khôn lường không như các dịch bệnh khác - virus biến mất theo thời gian hoặc giảm dần độc lực, trở thành bệnh lưu hành. Với Covid-19, từ biến chủng gốc, số người mắc tăng dần, sau đó xuất hiện các biến chủng Alpha, Delta, sau đó là Omicron; trong Omicron có 5 biến chủng phụ. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định "nơi nào tiêm thấp thì nơi đó chưa an toàn", những nơi chưa đảm bảo tiêm vẫn có nguy cơ bùng dịch.
"Bên cạnh đó, các nghiên cứu so sánh giữa F0 tiêm thêm vaccine và F0 không tiêm, thì nhóm F0 tiêm mũi nhắc lại có kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Do đó, vaccine vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng thời gian tới", ông Lân nói.
Trước ý kiến cho rằng người dân lo ngại tiếp tục tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng sức khoẻ, bị tai biến, Cục trưởng Y tế dự phòng nói, việc bồi thường cho các trường hợp đã được nêu tại Nghị định 104/2016-NĐ/CP - áp dụng với tiêm chủng chống dịch và cả tiêm chủng mở rộng.
Theo nghị định này, người bị di chứng dẫn đến khuyết tật do tiêm chủng được bồi thường 30 tháng lương và các chi phí khác. Nếu thiệt mạng do tiêm chủng, chi phí mai táng tính bằng 10 tháng lương cơ sở và thân nhân người bị thiệt mạng nhận 100 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần. Nghị định cũng nói rõ mức bồi thường nếu sự cố tiêm chủng khiến người dân phải đến bệnh viện khám hoặc chịu thiệt hại dẫn đến giảm, mất thu nhập...
Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang quản lý khoảng 15 triệu vaccine Covid-19, trong khi còn khoảng 16 triệu người cần tiêm mũi 3. "Điều này có nghĩa nếu việc tiêm mũi 3 hiệu quả, số vaccine đang dự trữ có thể không đủ dùng", bà Hồng chia sẻ.
"Covid-19 không tạo ra miễn dịch bền vững như sởi, rubella, do đó mũi tiêm nhắc lại rất quan trọng trong tăng cường miễn dịch. Việc tiêm chủng hiện nay được thực hiện an toàn, bao gồm vaccine phòng bệnh nói chung và vaccine Covid-19 nói riêng", bà Hồng phân tích. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh thuyết phục người dân đi tiêm chủng, không chỉ với vaccine có hạn 30/6 mà còn với vaccine có hạn tháng 7, 8, 9, 10...
Trong bối cảnh người dân chưa hưởng ứng tiêm chủng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang hướng dẫn các địa phương sử dụng vaccine hiệu quả, không để vaccine phải hủy bỏ. Chẳng hạn, chương trình chỉ phân bổ khoảng 30% nhu cầu của địa phương, sau đó tiếp tục phân bổ dựa trên tổng hợp nhu cầu mới, do số thống kê nhu cầu có thể không chính xác.
Tính đến 25/6, toàn quốc tiêm gần 230 triệu liều vaccine, trong đó hơn 44 triệu mũi 3, hơn 3 triệu mũi 4. Tỷ lệ tiêm mũi 3 hiện khoảng 66%.
Chi Lê