Vậy mà Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nơi tung ra những “phán quyết” dễ “mếch lòng” ấy, TS Lê Hồng Sơn, lại nói rằng ông thực sự thấy buồn và tiếc về những sự cố trên.
TS Lê Hồng Sơn (Ảnh: PL TPHCM)
“Cơ chế đặt ra là cơ chế huy động trí tuệ tập thể, có sự tham gia ý kiến, phản biện của các cơ quan, của xã hội, của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Hơn thế, trước khi văn bản được ban hành còn có cơ chế thẩm định - “tiền kiểm” đối với các dự thảo. Nếu thực hiện thật nghiêm sẽ không có sạn, nếu có cũng cực hiếm và sạn không to đùng như thế”, ông Sơn trầm giọng.
Làm ngon thì không sợ mất lòng
Thưa ông, vậy phải chăng việc thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành hiện nay chỉ mang tính hình thức?
Đúng là thẩm định hiện nay cũng còn hời hợt lắm. Trong thực tế, có khi thẩm định bị ỉm đi hoặc trốn thẩm định. Cá biệt, có cơ quan soạn thảo “qua mặt” cơ quan thẩm định bằng cách khi gửi thẩm định, có một vài nội dung họ biết là sai trái nên đã rút đi, chờ sau khi thẩm định xong mới đưa vào để trình thông qua!
Ông từng nói “đừng nghĩ thẩm định không có tiêu cực”. Nên hiểu điều này thế nào?
Bất kỳ một hoạt động nào mang tính quyền năng, kiểm tra, phán xét thì đều có thể phát sinh tiêu cực ở mức này mức khác. Có khi công chức thẩm định sử dụng quyền năng của mình một cách thiếu thiện chí, o ép, gây khó khăn cho phía soạn thảo. Hoặc khi tham gia soạn thảo để phục vụ thẩm định, anh lại ký hợp đồng làm tác giả, nhận thù lao cao để rồi sau đó rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai”...
Vấn đề là người tham gia thẩm định phải có trình độ, bản lĩnh nhưng cũng phải có tâm và cả đạo đức nữa. Vì thực tế cũng rất khó để tỉnh táo vượt ra khỏi cám dỗ để thực hiện nhiệm vụ thẩm định một cách khách quan.
Nhưng cái cơ chế “huy động trí tuệ tập thể” mà ông nói trên kia cũng có hạn chế vì các bộ, ngành rất có thể sẽ “bắt tay nhau” để các dự thảo đều dễ dàng “qua truông”?
Đúng là đã có tình trạng e ngại, sợ va chạm, muốn “dĩ hòa vi quý”... Nhưng quan điểm của tôi lại khác. Phải công tâm, khách quan, nêu thật trúng, thật đúng vấn đề đi, rồi sau đó cùng với cơ quan soạn thảo làm cho nội dung văn bản tốt hơn, hoàn thiện hơn. Như vậy thì không sợ mất lòng, thậm chí họ còn biết ơn và nể phục.
Từng bị bêu xấu, đe dọa...
TS. Lê Hồng Sơn sinh ra ở Nghệ An, làm tiến sĩ luật ở Liên Xô (cũ)
- Thâm niên 30 năm trong nghề
- "Tuýt còi" một số văn bản: Quyết định 33, 34 (năm 2008) của Bộ Y tế về chuẩn thấp bé, nhẹ cân, ngực lép; Quyết định 16, 17 (năm 2007) của Bộ Giao thông Vận tải buộc xã viên phải chuyển xe vào sở hữu hợp tác xã; Nội dung "có 'giấy đỏ' mới được xây nhà" trong Quyết định 79 (năm 2007) của UBND TP Hà Nội...
|
Ở vị trí luôn phải “săm soi” để tìm ra “lỗi” của cơ quan soạn thảo, những phân tích, phản biện của ông nhiều khi cũng làm người ta ngại?