Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh neo đậu tránh gió tại cửa biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) trong đợt gió mùa đông bắc vừa qua - Ảnh: QUÝ CẦU |
Theo quy định, hoạt động tìm kiếm cứu nạn được duy trì trong 72 giờ (ba ngày) nhưng đến chiều qua, việc tìm kiếm thuyền viên tàu Phú Tân đã sang ngày thứ 6 và tàu BV 4248 TS sang ngày thứ 5. Sau khi tàu Phú Tân bị nạn (ngày 16-12), các đơn vị liên quan đã huy động hai tàu SAR cùng các tàu Dynamic, HQ 629, CSB 1013, CSB 4033 và cả máy bay trực thăng tìm kiếm xung quanh khu vực tàu Phú Tân chìm và đảo Cồn Cỏ nhưng chỉ tìm được hai thuyền viên (một người tử vong trên đường về đất liền).
Phía Trung Quốc cũng tìm được hai thuyền phó của tàu Phú Tân và đưa về đảo Hải Nam cứu chữa. 23 thuyền viên của tàu Phú Tân còn mất tích vẫn chưa tìm thấy. Đối với tàu cá BV 4248 TS với 21 ngư dân (chìm hồi 6g40 ngày 17-12) đến nay cũng chỉ có một người được tàu BV 0637 TS cứu sống. Tàu HQ 622 đã mở rộng tìm kiếm 20 ngư dân còn mất tích nhưng không có kết quả.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, đến hôm qua các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu được 214 người và tìm được sáu thi thể thuyền viên, ngư dân bị nạn trong đợt gió mùa đông bắc mạnh bất thường xảy ra ngày 16-12. Trong sáu thi thể được tìm thấy có ba người ở Thừa Thiên - Huế, hai người ở Khánh Hòa và một người của tàu Phú Tân.
Như vậy, đến nay vẫn còn 47 người mất tích gồm: 23 người của tàu Phú Tân, 21 người của Bà Rịa - Vũng Tàu (20 người trên tàu BV 4248 TS và một người trên tàu BV 4550 TS). Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận đều còn một người mất tích. Ngoài 26 tàu bị chìm, đến nay vẫn còn một tàu BV 4550 TS của Bà Rịa - Vũng Tàu bị mất liên lạc. Trong các địa phương có tàu bị chìm thì Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tàu chìm nhất (mỗi tỉnh bảy tàu), Đà Nẵng có năm tàu bị chìm.
* Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, vì không có khả năng chịu đựng sóng gió to hoặc khoảng cách tai nạn, sự cố quá xa nên trung tâm không thể điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn của mình tham gia kịp thời mà phải chờ đến khi thời tiết giảm bớt nguy hiểm mới cứu giúp được, làm giảm tính kịp thời và hiệu quả của hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Để nâng cao tính chủ động và khả năng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của trung tâm trong thời gian tới, cơ quan này đề nghị cấp trên xem xét trang bị đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dụng có khả năng chịu đựng sóng gió cao hơn và thời gian hoạt động trên biển dài ngày hơn, xem xét thiết lập hệ thống các trung tâm khu vực, trạm tìm kiếm cứu nạn ven biển Việt Nam tại các khu vực nhạy cảm để có thể thực hiện có hiệu quả hơn hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
T.PHÙNG
Sẽ lưu ý cảnh báo về gió mùa đông bắc
Ông Phạm Văn Đức, phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thông tin về gió mùa đông bắc mạnh trong đợt không khí lạnh vừa qua đã được cảnh báo trước 48 giờ và có cập nhật thêm trong các bản tin với nhận định gió đông bắc ở vịnh Bắc bộ và ngoài khơi Trung bộ cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các bản tin này đã được chuyển cho Đài thông tin duyên hải để phát trên hệ thống nhằm cung cấp cho tàu thuyền trên biển.
Ông Đức nói: “Trong bản tin, chúng tôi đã cảnh báo gió rất mạnh, kể cả bản tin chuyển cho Đài thông tin duyên hải phát cũng như trên đài phát thanh, truyền hình với tần suất nhắc lại nhưng có thể thông tin không đến được ngư dân hoặc người tiếp nhận có phần chủ quan. Những thông tin cảnh báo nếu thông qua chính quyền địa phương nhắc nhở, người dân chắc sẽ được chú ý hơn là phát trên các phương tiện truyền thông. Thông tin này cũng được chuyển qua hòm thư cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương”.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng yếu tố cảnh báo trong bản tin chưa được nhắc nhở có trọng lượng với cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong trường hợp không khí lạnh có gió mạnh nguy hiểm như vừa rồi, ngoài việc chuyển thông tin qua thư điện tử sẽ chuyển qua đường fax và gọi điện cảnh báo các cơ quan phòng chống chủ động hơn. Gió mùa đông bắc mạnh trong không khí lạnh rất nguy hiểm, với gió cấp 7 trên biển thì tàu lớn mà chở nặng cũng có thể bị chìm”.