Trong khi giá dầu thô thế giới xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái thì giá bán lẻ xăng dầu ở thị trường trong nước chưa có dấu hiệu điều chỉnh. Ngày 9-8, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết hiện tại chưa thể giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Rối vì bình ổn giá?
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, mặc dù giá dầu thô và giá dầu thế giới gần đây đang giảm nhưng tính theo chu kỳ 30 ngày dự trữ, giá trung bình vẫn ở mức cao. Nếu tính bình quân 30 ngày, hiện nay, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ trong nước vẫn cao hơn khoảng 300 - 400 đồng/lít tùy loại nên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn còn lỗ ở mức nói trên. Đến nay chưa doanh nghiệp nào báo cáo hoặc trình phương án giảm giá.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong tuần trước, có doanh nghiệp còn đề xuất tăng giá bán lẻ xăng dầu để bớt lỗ. Thị trường thế giới cũng ghi nhận một nghịch lý: giá dầu thô giảm đến 15% chỉ trong gần 2 tuần trở lại đây nhưng giá xăng dầu thành phẩm vẫn ở mức cao.
Với giá xăng dầu thế giới như hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi
Trước đó, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói cơ hội giảm giá xăng là hồi tháng 6-2011 nhưng đã bị bỏ lỡ vì khi đó, Bộ Tài chính quyết định tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% thay vì giảm giá bán lẻ.
Còn theo Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá đã âm vài tháng, nay mới có điều kiện trích bù. Nhiều doanh nghiệp đã xử lý được khoản lỗ trong thời gian bình ổn giá từ nguồn quỹ này, riêng Petrolimex cũng đã trích được khoảng 100 tỉ đồng và hiện chỉ còn một vài doanh nghiệp như Ptech, PVOil vẫn chưa xử lý được khoản lỗ do bình ổn giá. Petrolimex lỗ có nguyên nhân từ hàng tồn kho lớn.
Thiếu minh bạch
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với diễn biến giá thế giới như hiện nay, thực tế là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi.
Chuyện này đã ầm ĩ trên báo chí, trong dư luận nhưng rốt cục, nói mãi cũng không giải quyết được gì vì không nắm được chi phí thực của doanh nghiệp mà doanh nghiệp thì báo cáo không đúng sự thực. Gốc rễ của nghịch lý giá xăng dầu là cơ chế định giá của Nhà nước sai, để doanh nghiệp độc quyền tự định giá. Đối với doanh nghiệp Nhà nước phải định giá, chỉ trong lĩnh vực đã có cạnh tranh thực sự mới để doanh nghiệp tự quyền quyết định.
Trước sức ép về tính công khai, minh bạch giá xăng dầu và theo yêu cầu của cơ quan quản lý, Petrolimex đã có thời kỳ công bố bản tin giá cơ sở để công khai giá mua-bán trên website của mình với giá mua vào, bán ra, các chi phí cấu thành giá... Nhưng sau ngày 29-3, bản tin này được co lại, chỉ còn thể hiện giá bán lẻ trong nước và mấy dòng sơ sài về giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore.
Được tăng giá trước, báo cáo sau
Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp được quyết định tăng giá trước, báo cáo sau nếu giá vốn tăng dưới 7%. Khi giá vốn tăng 7%-12%, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ cộng thêm 60% của mức tăng từ 7%-12%.
Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp được quyền sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thời gian tối thiểu giữa các đợt tăng giá là 10 ngày. Trường hợp giá vốn tăng trên 12%, giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định.
Việc tăng, giảm giá xăng sẽ được đặt dưới sự theo dõi của tổ giám sát giá xăng dầu liên bộ Tài chính - Công Thương.