Những ngày chuẩn bị gây án của “sát thủ” Luyện
Theo tin trên nhiều báo, anh Nguyễn Văn Trường (Bí thư Đoàn xã Thanh Lâm - huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang mời làm người giám hộ cho Lê Văn Luyện khi hắn được lấy lời khai tại cơ quan điều tra. Phải có người giám hộ bởi lúc gây án, Luyện là người chưa thành niên vì chưa đủ 18 tuổi. Chiều 3-9, anh Trường trực tiếp chứng kiến và nghe các điều tra viên lấy lời khai của Lê Văn Luyện về quá trình gây án của tên này.
Dựa trên thông tin mà anh Trường cung cấp cho báo chí, có thể hình dung ra những ngày chuẩn bị gây án của Lê Văn Luyện với những các diễn biến chính như sau:
Luyện đột nhập và gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích vào rạng sáng 24-8-2011.
Hai tuần trước khi gây án, Luyện về quê (xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) hỏi mượn chiếc xe máy Dream của người chú ruột, mang cầm cố lấy 5 triệu đồng rồi bắt xe khách rời Bắc Giang. Dọc đường, Luyện bỏ ra 1 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại di động. Để cắt liên lạc với gia đình, Luyện thay sim điện thoại.
Điểm dừng chân của Luyện là Hưng Yên, nơi có Điệp (bạn cùng thôn với Luyện) đang làm thuê. Nhận lời của một cô bạn gái mời về nhà cô ta ăn rằm tháng Bảy, Luyện và Điệp cùng đi Hà Tây (cũ).
Khoảng ngày 15-8, Điệp về Hưng Yên, còn Luyện quay về Bắc Giang và tá túc tại nhà người bạn ở huyện Lục Ngạn.
Hai tuần nay, vụ cướp tại tiệm vàng Ngọc Bích vẫn là tâm điểm của dư luận.
Tối 20-8, Luyện theo chân hai người bạn đi chơi xóc đĩa. Đêm hôm đó, hai người bạn của Luyện phải cầm cố xe máy vì thua bạc. Luyện cũng thua gần hết tiền. Bí bách, Luyện nảy sinh ý định đi cướp.
Sáng 21-8, Luyện ra chợ Chũ (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn - PV) mua một con dao phớ dài nửa mét. Tiếp đó, Luyện bán chiếc điện thoại mới mua với giá 500.000 đồng, bắt xe về phố Sàn (xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam) chơi điện tử và thuê nhà nghỉ. Cũng tại phố Sàn, Luyện mua thêm con dao bấm giá 45.000 đồng của một người bán dạo.
Sáng 22-8, Luyện bắt xe khách từ phố Sàn ra TP.Bắc Giang. Khi xe đi ngang tiệm vàng Ngọc Bích, Luyện nhìn qua cửa kính thấy cơ sở này có nhiều sơ hở nên chủ định sẽ vào đây để cướp. Cùng ngày, Luyện từ TP.Bắc Giang quay về phố Sàn để tăm tia, tìm cách đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích.
Tối hôm đó - 22-8, Luyện lởn vởn quanh tiệm vàng Ngọc Bích để quan sát sinh hoạt của gia chủ và địa hình xung quanh rồi ngủ quên tại khu chợ đối diện tiệm vàng. Khi tỉnh dậy, Luyện thấy hàng quán ăn đêm và lò bánh mỳ ở gần tiệm vàng vẫn hoạt động nên không dám ra tay. Tên cướp đi lang thang rồi thuê phòng tại một nhà nghỉ ở gần đó (có báo nêu, đó là nhà nghỉ Vàng Anh), ngủ vùi đến 17h ngày 23-8.
Trả phòng xong, Luyện vào một quán game gần đó để “nướng thời gian”. Đêm 23-8, quán game đóng cửa nên Luyện lại chui vào lán chợ đối diện tiệm vàng để ngủ, nghỉ và chờ thời cơ gây án.
Khoảng 2-3h ngày 24-8, trời mưa to gió lớn, đường phố vắng tanh. Nghĩ cơ hội đã đến, Luyện đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích. Tại đây, hắn ta đã gây ra vụ thảm sát khiến vợ chồng chủ tiệm vàng cùng cô con gái 18 tháng tuổi thiệt mạng. Luyện vơ vét vàng trong tủ kính trưng bày rồi tẩu thoát ra ngoài bằng cửa sau và gọi điện cho anh họ là Trương Thanh Hồng đến đón.
Nhãn lực hơn người bình thường?
Theo hành trình chuẩn bị gây án nêu trên, Lê Văn Luyện chọn tiệm vàng Ngọc Bích làm mục tiêu vì sáng 22-8, khi ngồi trên xe khách, hắn nhận thấy cơ sở kinh doanh vàng này có nhiều sơ hở. Luận điểm này có nhiều điểm cần làm rõ.
Xuất hiện nhân chứng quan trọng Trước lúc giết người, Luyện lót dạ bằng mỳ tôm? Quá trình tìm hiểu vụ án, ngày 10-9, phóng viên đã tìm ra một nhân chứng quan trọng. Người này xác nhận sự có mặt của hung thủ Lê Văn Luyện tại khu vực phố Sàn vào chiều 23-8! Nhân chứng mà chúng tôi đề cập là ông T., chủ một quán ăn đêm cách tiệm vàng Ngọc Bích khoảng 50m. Đêm 23 và rạng sáng 24-8, do trời mưa to gió lớn nên ông T. không quan sát được xung quanh. Tuy vậy, sau khi hình ảnh “sát thủ” Lê Văn Luyện được báo chí đăng tải, ông T. đã ngỡ ngàng vì Luyện là người khách ông từng gặp. Ông T kể lại: “Chiều hôm đó (23-8), nó (tức Luyện - PV) còn đến ăn ở đây. Khi đó là khoảng 4-5h chiều, nó vào quán và hỏi xem còn gì ăn được không. Vì quán bán thức ăn đêm nên lúc đó chưa kịp chuẩn bị gì nhưng thương tình nên tôi làm cho nó một bát mỳ tôm. Ăn xong thì nó đi luôn. Ai ngờ chính nó lại là hung thủ của vụ cướp dã man...”. |
Quan sát của phóng viên cho thấy, mặt tiền tiệm vàng Ngọc Bích chỉ rộng khoảng 4m. Loại trừ khả năng xe khách chở Luyện vì một lý do nào đó mà dừng lại trước cửa tiệm vàng Ngọc Bích hồi lâu, đặt giả thuyết chiếc xe đó di chuyển với tốc độ 10-50 km/h (tương ứng 2,8-13,9 m/giây) khi đi qua tiệm vàng. Như vậy, chiếc xe này chỉ mất từ 0,25-1,4 giây để đi qua mặt tiền 4m của tiệm vàng Ngọc Bích và Luyện chỉ có chừng ấy thời gian để nhìn trực diện tiệm vàng. Cộng thêm thời gian xe khách đi sát đến tiệm vàng và gần rời khỏi tiệm vàng (trong tầm quan sát của Luyện), Luyện cũng chỉ có thêm tích tắc thời gian để quan sát tiệm vàng Ngọc Bích. Trong một, hai giây ngắn ngủi như vậy, liệu Luyện có thể “nhận ra sơ hở” của tiệm vàng? (Đó là chưa kể việc Luyện ngồi chỗ nào trong xe khách?. Góc nhìn có thuận lợi không?).
Ngoài ra, nếu chỉ quan sát bên ngoài như vậy, chắc chắn hung thủ không thể biết được cách bố trí phòng ốc, nơi đặt hệ thống cầu dao điện, các điểm lắp camera theo dõi trong tiệm vàng Ngọc Bích. Vậy điều gì giúp hung thủ sau đó gây án như thể đã thông thạo địa hình trong tiệm vàng như trong lòng bàn tay?.
Trường hợp Luyện bịa ra nguyên nhân chọn tiệm vàng Ngọc Bích làm mục tiêu gây án như trên, đâu là động cơ thật sự của hắn?
Đêm 22-8, Luyện tá túc ở đâu?
Hành trình chuẩn bị gây án của Luyện thể hiện: Tối 22-8, Luyện không dám ra tay nên đi lang thang rồi thuê phòng tại một nhà nghỉ ở gần tiệm vàng Ngọc Bích (có báo nêu, đó là nhà nghỉ Vàng Anh), ngủ vùi đến 17h ngày 23-8.
Phóng viên đã tìm đến nhà nghỉ Vàng Anh để tìm hiểu sự việc. Đối chiếu sổ sách, anh Đỗ Văn Nghĩa - chủ nhà nghỉ Vàng Anh khẳng định: “Khu vực này không phải là địa điểm du lịch nên rất vắng khách thuê nhà nghỉ. Có khi vài ngày cũng không có khách nào. Từ ngày 20-8 đến 24-8, nhà nghỉ của chúng tôi không có khách trọ. Những ngày trước đó, có khách nhưng không có ai tên là Lê Văn Luyện”.
Phóng viên tiếp tục hỏi anh Nghĩa về việc có thể nhà nghỉ Vàng Anh không vào sổ những khách đến nghỉ trọ trong thời gian ngắn. Anh Nghĩa lắc đầu nói: “Không có anh ạ. Nghỉ bao lâu thì chúng tôi vẫn phải ghi vào sổ để tính toán chứ. Ở đây rất ít khách nên nếu thằng đó (tức Luyện) đến thuê phòng thì tôi sẽ nhớ ra ngay”.
Khảo sát quanh khu vực phố Sàn, chúng tôi chỉ tìm thấy thêm một nhà nghỉ nữa mang tên nhà nghỉ Giang Nam. Tuy nhiên, người quản lý nhà nghỉ này cũng nói như đinh đóng cột: “Không có anh ạ! Trong mấy ngày anh bảo (từ 22-8 đến 24-8), nhà tôi không có khách trọ nào thuê phòng nghỉ cả!”.
Như vậy, giả sử Lê Văn Luyện có mặt tại khu vực phố Sàn vào đêm 22-8 thì hắn tá túc ở đâu? Ai cho hắn tá túc?
Luyện chơi game ở đâu trước lúc gây án?
Điểm nghi vấn tiếp theo là việc chiều tối ngày 23-8, sau khi trả phòng nhà nghỉ, Luyện đi chơi game ở một quán internet gần đó - theo lời người giám hộ.
Quán internet đó là quán nào? Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Trường (Bí thư Đoàn xã Thanh Lâm - huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết, theo lời khai của Luyện thì quán internet đó nằm trên con dốc của phố Sàn.
Qua xác minh, trên con dốc này chỉ có một quán internet duy nhất mang tên Đạt Tuyển. Ông Nguyễn Văn Tuyển, chủ quán cho biết: “Quán của tôi mở cửa từ 6h30 đến 22h30 hàng ngày. Khách của quán chủ yếu là học sinh, thanh niên sống quanh vùng. Hầu hết là khách quen chứ ít khi có khách vãng lai. Do vậy, nếu thấy có người lạ thì chắc chắn tôi phải nhớ. Tôi đã thấy nhiều hình ảnh của tên cướp tàn bạo Lê Văn Luyện và khẳng định không thấy hắn đến quán game này”.
Nếu Luyện không vào quán game của ông Tuyển, từ chiều tối đến đêm 23-8, hắn làm gì và ở đâu?