Nghi án hối lộ in tiền polymer: Phối hợp điều tra

Công ty Securency International, một công ty con do Ngân hàng Trung ương Úc sở hữu, là công ty hiện cung cấp vật liệu polymer để in tiền ở Úc và gần 30 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có VN. Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến Công ty Securency, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cơ quan chống tội phạm nước này đã vào cuộc điều tra vụ việc.
 
Ngoài ra, Văn phòng chống tội lừa đảo Anh, cảnh sát liên bang của Úc, Ủy ban chống tham nhũng Malaysia cũng tiến hành điều tra đối với các cá nhân liên quan. Cảnh sát các nước đã đồng loạt tiến hành nhiều vụ khám xét bắt giữ tại Malaysia, Thụy Sĩ, Anh, Úc liên quan tới các nhân viên của Securency bị tình nghi dính líu đến nghi án chi các khoản hoa hồng khổng lồ để có được hợp đồng in tiền ở các quốc gia khác ngoài Úc.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại sứ Thụy Sĩ tại VN Jean Hubert Lebet xác nhận Thụy Sĩ và VN đã hợp tác thông tin trong vụ án này. Theo ông đại sứ, phía VN đã chủ động đề nghị Thụy Sĩ cung cấp thông tin. Sau khi xem xét trên cơ sở pháp lý, Thụy Sĩ đã đồng ý hợp tác và hai bên đã có các văn bản giấy tờ, hồ sơ trao đổi về vụ việc.
 
Đại sứ Jean Hubert Lebet cũng cho biết do hai nước chưa có hiệp định về tương trợ tư pháp nên khi mỗi quốc gia có yêu cầu về một vấn đề cụ thể thì đều thông qua con đường ngoại giao và các cơ quan trong nước sẽ xem xét để đáp ứng. Tuy nhiên, ông Jean Hubert Lebet cũng nói có một số trường hợp Thụy Sĩ yêu cầu VN giải trình về cá nhân cụ thể nhưng chưa nhận được câu trả lời hoặc có sự chậm trễ trong trả lời.
 
Liên quan đến vụ việc này, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn xác nhận phía Thụy Sĩ đã khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc tại Công ty Securency.
 
Ông Tuấn cho biết theo Luật tương trợ tư pháp, Viện KSND tối cao là đầu mối để phối hợp với các quốc gia có tội phạm hay hành vi phạm tội liên quan đến người VN. Về vụ Securency, Thủ tướng đã giao việc này cho Viện KSND tối cao tiến hành thực hiện. Được biết, Viện KSND tối cao đang nghiên cứu những tài liệu được các cơ quan tư pháp Thụy Sĩ chuyển đến, xác minh vụ việc này.
 
Năm 2007, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc xem xét hai nội dung về việc giải quyết hợp đồng giấy in tiền và trách nhiệm quản lý quỹ quản lý dự trữ ngoại hối. Thông báo của Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước nêu rõ hồ sơ trình Bộ Chính trị về đề án bộ tiền mới, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sử dụng cả tiền cotton và polymer nhưng khi trình Thủ tướng phê duyệt đề án chỉ đề xuất dùng giấy polymer.
 
Mặc dù việc sử dụng tiền polymer không gây hậu quả xấu về kinh tế nhưng thống đốc Ngân hàng Nhà nước (khi đó là ông Lê Đức Thúy) khi thực hiện đề án đã không đưa ra thảo luận trong tập thể lãnh đạo và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước là vi phạm quy chế làm việc.
 
Thông báo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu việc ông Lê Đức Minh (con trai ông Lê Đức Thúy) có hơn hai tháng làm việc cho Banktech (một công ty con của Công ty TNHH Phát triển công nghệ) và việc hai công ty này tham gia quá trình thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị cho việc in tiền tuy không trái với quy định của pháp luật nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch, làm ảnh hưởng đến uy tín của thống đốc.
 
Theo thông tin từ tờ The Age và một loạt báo chí Úc, Công ty Securency bị điều tra vì có các khoản chi hoa hồng để có được hợp đồng in tiền ở Uganda, Nam Phi, Ấn Độ, VN...
 

Ngân hàng Trung ương Úc bán Securency

Báo The Age (Úc) ngày 25-11 đưa tin Ngân hàng Trung ương Úc đã quyết định bán công ty con Securency (Ngân hàng Trung ương có 1/2 quyền sở hữu và kiểm soát kể từ năm 1996). Việc bán Securency sẽ khiến Úc không có kiểm soát về các nguồn cung vật liệu sản xuất tiền mặt của quốc gia và 150 nhân công ở Victoria cũng đối mặt với tương lai bất định.

H.N.

 

Theo MINH QUANG (Tuổi Trẻ)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
21202
Số người truy cập:
9190227