Ngày gặp lại của cha con cô gái bị lừa bán 12 năm

Ông Hà lang thang mấy ngày ở khu vực cửa khẩu Móng Cái, lân la hỏi chuyện những người hành nghề cửu vạn và xe ôm, ông được họ giới thiệu cho một người đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn. Người này đòi ông Hà phải trả công 5 triệu đồng.

Hết đi xe ôm rồi lại lên ôtô, cuối cùng ông Hà cũng đến được bến xe Phòng Sình, tỉnh Quảng Tây. Còn lại một mình, ông Hà cầm địa chỉ của bà San, giơ trước mặt những người gặp. Ông được những người Việt Nam chỉ tới một quán cháo ở gần bến xe gặp bà San.

Bà San bảo từ ngày viết thư cho ông, thỉnh thoảng bà lại ra cửa khẩu từ sáng sớm để đón ông Hà, dù rằng hai người không biết mặt nhau. Gặp những người Việt Nam buôn bán gần vùng biên, bà nhờ họ nếu thấy có người như ông Hà đi tìm con thì đưa tới nhà bà giúp, bà sẽ trả tiền xe đi đường.

Bà San cũng có con gái bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc. Một mình bà quyết tâm đi tìm. Ngờ đâu chính bà cũng rơi vào tay những kẻ bất lương. Chúng vờ dẫn bà đi tìm con rồi lừa bán bà cho những kẻ buôn người nơi đất khách. Sau này, khi đã tìm được con gái, bà được thông gia cho bán hàng tại quán cháo này để nuôi đứa cháu ngoại 14 tuổi do bố mẹ chúng đi làm ăn xa.

Những năm lang bạt nơi đất khách, bà San chứng kiến cảnh phụ nữ Việt Nam, từ những cô gái mới lớn đến trung niên bị bọn xấu lừa sang đây. Người may mắn được chúng bán làm vợ, người xấu số bị chúng bán vào nơi ô nhục.

Một ngày, có hai người phụ nữ dẫn theo hai đứa nhỏ vào quán của bà San. Một người phụ nữ trẻ quỳ xuống van xin người kia để cô giữ lại hai đứa con. Đó chính là Hà Thị Kim Lựu.

Bà San lân la hỏi chuyện, cô Lựu khóc lóc kể bị người phụ nữ đi cùng tên là Hà rủ về Việt Nam. Cô lấy trộm tiền của chồng, dắt theo 2 con trai, lớn 3 tuổi, nhỏ mới được 6 tháng. Không ngờ, trên đường đi, người phụ nữ tên Hà kia lột sạch tiền của Lựu và bắt cô phải bán nốt hai đứa con lấy tiền mới đưa về Việt Nam.

Lựu khóc lóc van xin nhưng chị ta dọa nếu không bán con, sẽ đưa Lựu vào lầu xanh. Nghe câu chuyện, bà San chỉ vào mặt Hà mắng "đồ bất nhân" và giữ mẹ con Lựu ở lại. Bà hỏi han gia cảnh của Lựu rồi viết thư gửi cho ông Hà bố chị.

Nhưng do hoàn cảnh của bà San cũng rất khó khăn, trong lúc chờ ông Hà sang đón con, bà San gả tạm Lựu cho một người đàn ông tên là Lềnh Chiều Hy, 48 tuổi ở gần đó.

Chiều Hy có vợ đã mất, có 3 con đã trưởng thành, hoàn cảnh kinh tế cũng khá giả. Bà San ra điều kiện phải chăm sóc hai đứa con của Lựu và đối xử tử tế với cô. Bà cũng động viên Lựu yên tâm chờ đến ngày cha cô sang đón về nước.

Đến chiều, bà San thuê xe chở ông Hà đến nhà con gái. Gặp bố, Lựu mừng quá, hai cha con cứ ôm nhau khóc. Lựu kể cho bố nghe cuộc đời tủi nhục từ khi bị lừa bán sang Trung Quốc.

Sau khi bọn buôn người đưa em gái đi bán trước, 3 ngày sau, chúng cũng đưa Lựu đi nốt. Người chồng mà Lựu bị gả bán họ Trần, 53 tuổi. Phải chung sống với người đàn ông đáng tuổi bố mình, lại không có tình cảm, bất đồng ngôn ngữ, ngày nào Lựu cũng khóc. Chồng Lựu lại là người vũ phu, thấy cô khóc nhiều, ông ta chửi mắng và đánh đập Lựu thậm tệ.

Một hôm nhân lúc chồng đi vắng, Lựu bỏ nhà đi. Không biết đường, không biết tiếng, trong túi lại chẳng có tiền, đến tối, khi Lựu vẫn lang thang trong phố huyện thì bị người nhà chồng phát hiện, lôi cô về nhà. Người chồng chửi đánh cô không tiếc tay. Ông ta còn mang con dao phay ra, dắt Lựu ra bậc cửa làm điệu bộ cho cô hiểu, nếu còn bước chân qua cửa sẽ dùng dao chặt đứt chân cô.

Sau lần ấy, Lựu sợ quá không dám bỏ đi nữa. Lần thứ 2 bỏ trốn, thật không may cho Lựu khi cô vừa ra khỏi làng bị chồng đi tìm, bắt được. Một trận mưa đòn lại dội lên cô gái bất hạnh. Hai lần trốn không thành, lại bị đánh đập dã man nên Lựu đành cam chịu cuộc sống với người chồng bất đắc dĩ này. Cô bị ép buộc phải sinh con cho chồng.

Tháng 2/1998, Lựu sinh đứa con trai đầu lòng. Năm 2000, cô sinh tiếp đứa con trai thứ 2. Lựu vẫn bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay nếu cô làm ông ta không vừa lòng. Nhiều lúc ôm con, Lựu khóc ròng, thương cho số phận hẩm hiu của mình, thương cho hai đứa con bé bỏng. Lựu muốn bỏ đi nhưng vì các con, cô đành nuốt nước mắt ở lại.

Một ngày, Lựu gặp Hà. Cô này lấy chồng cùng làng với Lựu và thường xuyên qua lại Việt Nam. Biết ý định Lựu muốn về quê, Hà ngon ngọt hứa hẹn sẽ đưa cô về tận nhà. Nhân lúc chồng đi vắng, Lựu lấy trộm của chồng 500 nhân dân tệ để đi đường, bồng hai đứa con đi theo nhưng bị Hà lấy hết tiền. Rồi mẹ con cô may mắn gặp bà San.

Tối ấy, gặp chồng Lựu, ông Hà xin cho con gái về quê chơi. Sợ Lựu không quay về nên chồng Lựu chỉ đồng ý cho cô đi một mình và hạn trong vòng 5 ngày phải trở về.

Hôm sau, hai cha con ông Hà lên đường. Đi mất 2 ngày mới về được đến quê. Lựu chỉ được ở nhà một ngày gặp gỡ mọi người, hôm sau lại cùng ông Hà lên đường. Thêm 2 ngày đi đường, đến ngày thứ 5, ông Hà trao con gái cho Chiều Hy rồi quay về Việt Nam.

Một năm sau, lấy lý do cai sữa, Lựu tìm cách gửi đứa con nhỏ về Việt Nam cho bố mẹ nuôi và một năm sau đó, năm 2003, Lựu đưa nốt đứa con lớn về ở hẳn Việt Nam, khép lại những ngày đau buồn trong quá khứ.

Vợ chồng ông Hà cũng đã tháo ảnh của Lựu trên bàn thờ xuống. Nhưng còn bức ảnh của Liễu vẫn còn ở đó. Mỗi lần nhìn lên ảnh con, bà Lán lại khóc ngất đi.

(Còn tiếp)

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13618
Số người truy cập:
9258879