Ngày 23/5 Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng Hà Nội

Chiều nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàm đã báo cáo Ủy ban Thường vụ về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 12.

Theo tờ trình, kỳ họp dự kiến kéo dài 31 ngày, bắt đầu từ 6/5. Các đại biểu sẽ cho ý kiến 10 dự luật và thông qua 12 dự luật khác, trong đó các dự luật quan trọng như: Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự; Luật công vụ; Luật quốc tịch...

Quốc hội cũng cho ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Chính phủ; nghe báo cáo kết quả giám sát tối cao về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; xem xét báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ về việc thực hiện pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Dự kiến, việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan sẽ được thảo luận tổ vào chiều 8/5, sau đó sẽ thảo luận tại hội trường vào sáng 16/5. Một tuần sau đó, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về vấn đề này. Riêng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2 ngày 9-10/6.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc bố trí kỳ họp tới 31 ngày là quá dài, nên rút ngắn tối đa xuống còn 25-26 ngày. "Trong tình hình giá cả leo thang, bệnh dịch gia tăng, Quốc hội họp nhiều dân sẽ rất sốt ruột", bà Phóng nói. Phó chủ tịch đề nghị Thường vụ Quốc hội nên rút ngắn thời gian đọc báo cáo thẩm tra, người điều hành nên làm ngắn những vấn đề gợi ý thảo luận.

Ý kiến của Phó chủ tịch Phóng được đa số đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng phải tính toán cẩn thận, cân nhắc tới các vấn đề sẽ được thảo luận. "Việc mở rộng Hà Nội tôi thấy có 3 vấn đề lớn sẽ gây tranh luận và rất khó rút ngắn thời gian thảo luận", ông Thuận nói.

Hà Nội sẽ đối mặt với nhiều thách thức sau khi mở rộng. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Thuận liệt kê vấn đề thứ nhất là Hà Tây và Hòa Bình đang tranh chấp ở huyện Lương Sơn, bây giờ 4 xã Hòa Bình về Hà Nội thì liệu còn tranh chấp giữa Hà Nội với Hòa Bình nữa không? Thứ hai là việc sáp nhập bộ máy hành chính, cơ quan tư pháp... như thế nào? Thứ ba là việc hộ khẩu, hộ tịch của những người trước kia ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tây, nay về Hà Nội thì sẽ kê khai quê quán thế nào?

"Quốc hội chỉ quyết định về mặt chủ trương, còn những vấn đề về cán bộ, nhân sự sẽ bàn trong quá trình thực thi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lên tiếng.

Trước đó, HĐND Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tây đã đồng ý sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) vào Hà Nội. Tổng diện tích của Hà Nội sau khi mở rộng sẽ là 2.700 km2, gấp hơn 3 lần hiện nay.

Tháng 4 tiếp tục chất vấn tại Thường vụ Quốc hội

Đánh giá phiên chất vấn giữa kỳ họp vừa qua rất thành công, Thường vụ Quốc hội nhất trí tại phiên họp thứ 8 vào cuối tháng 4 của Thường vụ Quốc hội sẽ có một ngày chất vấn. Nội dung sẽ là vấn đề an toàn giao thông và giáo dục.

Trước đó, ngày 28/3, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của Thường vụ Quốc hội.

 

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6834
Số người truy cập:
9250225