Đây là một trong những định hướng trong quy chế quản lý kiến trúc vừa được UBND TP HCM phê duyệt. Hiện, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cũng tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian ngầm cho toàn bộ khu trung tâm thành phố (930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Là một trong 5 đường lớn và lâu đời nhất Sài Gòn, đại lộ Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm quận 1, dài khoảng hai km, điểm đầu giao tuyến Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội. Trục đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một trong tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với quận 4 và Nam Sài Gòn.
Theo kế hoạch ngầm hoá tuyến đường này, đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng dài gần một km sẽ làm hai tầng dưới mặt đất, cho xe chạy hai chiều. Bãi xe ngầm xây dọc tuyến, dự kiến cách công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía đường Ngô Văn Năm, với sức chứa khoảng 300 ôtô và có thể tận dụng một phần cho xe máy. Lối đi bộ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm tới công trường Mê Linh tại tầng hầm thứ nhất.
Cùng với đường Tôn Đức Thắng, khu vực giữa công trường Mê Linh ở gần đó sẽ xây dựng tầng ngầm tạo thành một "vườn trũng", xung quanh cho các cửa hàng bán lẻ, cà phê, nhà hàng... hoạt động. "Vườn trũng" này nối trực tiếp với bãi xe ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng và các tòa nhà xung quanh.
Riêng mặt đất, công trường Mê Linh dành 50% diện tích cho mảng xanh, xây đài phun nước, tạo không gian thoáng đãng... Giữa công trường và sông Sài Gòn bố trí các trạm xe buýt, đường sắt nhẹ, taxi thuỷ, thuận tiện cho người đi bộ...
TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM), cho biết kế hoạch ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng nằm trong phương án thiết kế đô thị khu trung tâm thành phố. Ý tưởng này trước đây đã được tư vấn nước ngoài nghiên cứu, hiện Sở Quy hoạch và Kiến trúc cập nhật lại trong quy chế quản lý kiến trúc khu vực.
"Việc ngầm hoá trục đường trên giúp mở rộng công viên bến Bạch Đằng, tạo không gian bờ sông Sài Gòn kết nối qua khu trung tâm hiện hữu", ông Tuấn nói.
TS. KTS Hoàng Ngọc Lan (Đại học Kiến trúc TP HCM), nói ý định ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng là "kế hoạch hợp lý và đúng lúc", trong bối cảnh khu trung tâm thành phố đang thiếu không gian công cộng. Hiện, công viên bến Bạch Đằng mới được chỉnh trang, thu hút nhiều người đến vui chơi, giải trí, nhưng khó kết nối qua trục Nguyễn Huệ. Điều này gây mất an toàn cho người đi bộ khi phải băng ngang đường Tôn Đức Thắng vốn có lượng xe qua lại rất cao.
"Nếu ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng, khu vực trên có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn, vì có thể tổ chức các hoạt động từ trên bờ ra sông Sài Gòn như nhạc nước, điểm ngắm pháo hoa... ", bà Lan nói và cho rằng việc này cũng sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ khai thác không gian ngầm, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho khu trung tâm như bãi xe, thương mại ngầm...
Ngoài ra, theo bà Lan, khu vực trên tương lai sẽ có cầu đi bộ kết nối hai không gian mở chính của khu trung tâm hiện hữu và trung tâm mới là Thủ Thiêm. Do đó, việc ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng sẽ hình thành một hệ thống không gian công công cộng liên tục hai bên bờ sông. Sau này, nơi đây sẽ là không gian hoạt động công cộng chính của người dân thành phố.
Góp ý cho định hướng này, TS Lan đề nghị khi triển khai, thành phố cần bố trí thêm các tiện ích công cộng như ghế ngồi, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác... cũng như trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát. Mặt khác, thành phố cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể không gian ngầm tại khu trung tâm, như đường Lê Lợi, Nguyện Huệ kết nối với nhà ga Metro Số 1 (Bến Thành). Bởi nếu chỉ bó hẹp trên đường Tôn Đức Thắng sẽ khó kết nối với các không gian ngầm khác sau này.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Sỹ Nhật cho rằng việc ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng sẽ có lợi nhiều hơn khi kéo dài qua các khu vực khác ven sông Sài Gòn, bởi sẽ tạo điều kiện cho phát triển đô thị. Những đô thị này cũng được kết nối giao thông thuận lợi khi theo đường ngầm thẳng đến khu trung tâm, giảm giao cắt với các tuyến đường khác.
Đánh giá nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn khi triển khai, song ông Nhật cho rằng thành phố có thể khai thác quỹ đất dọc tuyến để bù lại mà không cần tốn ngân sách. Theo đó, khi có quy hoạch bài bản và cơ chế phù hợp, các nhà đầu tư lớn sẽ tham gia. Quỹ đất xung quanh tuyến cũng có thể phát triển các dự án chung cư, dịch vụ, thương mại... nhờ đó người dân thêm cơ hội tiếp cận nhà ở trước nhu cầu ngày càng cao.
"Nếu làm tốt, không riêng việc triển khai việc ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng mà thành phố hoàn toàn chủ động nguồn lực làm các dự án khác, cải thiện môi trường đầu tư...", ông Nhật nói.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng hiện vai trò của nhà nước trong khai thác quỹ đất dọc bờ sông hạn chế, nhiều nơi nằm trong các dự án do tư nhân sở hữu, người dân nếu muốn tiếp cận phải bỏ tiền sử dụng dịch vụ, trong khi ngân sách không được hưởng lợi. Do đó thành phố cần quy hoạch và lên kế hoạch đầu tư cụ thể, ngoài mở rộng không gian công cộng còn khai thác lợi thế bờ sông với lợi ích rất lớn phát triển kinh tế, du lịch, văn hoá...
Gia Minh