Sáng 15/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về xăng dầu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội. Đây là phiên chất vấn đầu tiên tại Quốc hội khoá XV. 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Giá xăng dầu tăng và cách điều hành của Bộ Công Thương là một trong những nội dung được các đại biểu chất vấn nhiều nhất.
Ông Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biển động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?", ông hỏi.
Bộ trưởng Công Thương giải thích, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, ông Diên nói, "chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới".
Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
Khi hiện quỹ này không còn nhiều, hai Bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm".
Tuy nhiên, ông Diên cũng nhìn nhận, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao, nđể giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, theo ông, có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
Bộ trưởng Công Thương cũng nhận nhiều câu hỏi chất vấn về nguồn cung xăng dầu thiếu hụt thời gian qua.
Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40-60%.
Nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% xăng dầu cả nước, giảm công suất. Ba tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất.
Ông nhắc lại loạt giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Tới giữa tháng 2 nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng tới hết tháng 3. Tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1,2 triệu m3.
"Nguồn cung không lúc nào thiếu", ông Diên khẳng định.
Sau thời điểm này, ông cho biết, Bộ Công Thương có kế hoạch, phân giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, 1 triệu m3 trở lên.
Về hoạt động thanh kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết công tác kiểm tra ở các địa phương, với sự kết hợp của Tổng cục quản lý thị trường, Sở Công Thương đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn thị trường có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng.
Cơ quan quản lý đã xử lý các cửa hàng bán lẻ vi phạm, theo Bộ trưởng, chỉ chiếm rất ít với 211 cửa hàng. Có nhiều lý do cho việc nhiều cửa hàng dừng bán, có cửa hàng đóng cửa sửa chữa, có cửa hàng đã báo cáo việc dừng bán nhưng cũng có những cây xăng cố tính găm hàng, chờ nâng giá. Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do họ nhận xăng dầu từ Nghi Sơn nhưng việc giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đặt vấn đề về ùn ứ nông sản, cho thấy chiến lược lưu thông hàng hoá "bế tắc".
Ông Diên cho biết, không dưới 3 lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp, địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường. "Nếu cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động", ông nói và đề nghị ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Ngoài ra, cách để lâu dài chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Còn vấn đề trước mắt, ngành Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với phía bạn. Tuy nhiên, Trung Quốc thực hiện chiến lược zero Covid, nên cũng khó khăn trong lưu thông hàng hoá.
Ông Diên đồng tình, về dài hạn hai bộ cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, Chính phủ.
Trong sáng nay, Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn các nội dung về tình hình nhập khẩu, giá xăng dầu vừa qua; phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Về xăng dầu, Bộ này cho hay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước vừa qua tăng thấp hơn mức tăng của giá thế giới. Chẳng hạn, đến giữa tháng 3, giá xăng dầu trong nước đã tăng 4.625 - 7.030 đồng một lít, kg tuỳ loại, tương đương tăng gần 25 - 40%, trong khi giá thế giới tăng 44-60%.
Hoài Thu - Minh Sơn