Vitamin D tan trong chất béo, giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và photpho để hình thành và duy trì hệ xương vững chắc. Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, thực phẩm có chứa vitamin D gồm: dầu gan cá (nhất là cá béo), dầu ăn tăng cường vitamin D, các loại sữa, bột ngũ cốc... Một số công nghệ thực phẩm hiện nay có thể nuôi được gà đẻ trứng có tăng cường loại vitamin này. Tuy nhiên, nguồn vitamin D chính đến từ thực phẩm bổ sung, thực phẩm được tăng cường vitamin D hoặc quá trình tắm nắng.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ năm 2021 cho thấy, khả năng tăng nồng độ vitamin D máu giữa những người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày từ 20-30 phút vào khoảng giữa trưa và những người được uống bổ sung vitamin D3 hàng ngày 500IU tương tự nhau.
Bác sĩ Phương lưu ý, việc hấp thu vitamin D từ bất kỳ nguồn nào cũng cần trang bị kiến thức. Ví dụ, cung cấp vitamin này từ tắm nắng cần lưu ý thời điểm có nhiều tia UVB trong ánh sáng mặt trời là khoảng từ 9- 15h. Da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tia UVB từ 10-15 phút mỗi ngày cũng có nguy cơ làm tổn thương AND trong da, tăng nguy cơ gây ung thư da. Nạp vitamin D từ tắm năng có thể bị cản trở một phần bởi kem chống nắng hay quần áo.
Bổ sung vitamin D từ thuốc hay thực phẩm bổ sung hàng ngày cần đúng liều lượng theo nhu cầu khuyến nghị của bác sĩ, tránh tình trạng bổ sung liều cao kéo dài gây thừa và ngộ độc. Thừa vitamin D dẫn đến tình trạng tăng nồng độ canxi máu, nước tiểu gây chán ăn, buồn nôn, nôn, khát nước, đa niệu, yếu cơ, đau khớp. Ở trẻ nhỏ, thừa vitamin D gây nên tình trạng biếng ăn, khó ngủ...
Theo bác sĩ Trà Phương, nhu cầu vitamin D khuyến nghị hàng ngày ở mỗi người tùy theo độ tuổi. Trẻ em 0-12 tháng cần khoảng 400 IU vitamin D/ngày. Trẻ em 1-18 tuổi và người trưởng thành (19-50 tuổi), phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần khoảng 600IU vitamin D/ngày. Người già (50-≥70 tuổi) cần khoảng 800IU vitamin D/ngày.
Thiếu vitamin D có thể làm giảm quá trình khoáng hóa hoặc khử khoáng canxi từ xương, dẫn tới còi xương ở trẻ nhỏ. Ở người trưởng thành, thiếu vitamin này gây nên tình trạng loãng xương, liên quan đến nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến.
Thư Nguyễn