Người gửi: Nam
Em là học sinh bình thường và đang học tại một trường THPT dân lập ở TP HCM. Em không biết những điều em chính mắt thấy có làm các thầy cô tin không, nhưng nó thật sự đã xảy ra. Nếu có một cái máy có thể làm cho mọi học sinh chân thành nói ra hết những tiêu cực thì dường như quan điểm cũng sẽ chẳng khác em là bao.
Học sinh Việt Nam đang tự đào thải mình. Em cảm thấy như vậy vì dường như các bạn xung quanh em đánh mất khả năng tự học độc lập, tự suy nghĩ. Mọi thứ gần như được thầy cô "dọn cỗ" hoặc sách "chỉ đường" đến nỗi chỉ cần chăm học thuộc lòng là có thể làm ngon.
Việc học nhóm vì thế cũng trở nên bất công, khi những bạn như trên chỉ đùn đẩy cho người nào siêng và gánh hết phần việc của nhóm. Dĩ nhiên, thầy cô nhắc bạn nào không làm sẽ bị điểm 0 nhưng "nạn nhân" đó ít khi can đảm để nói điều đó, vì cùng là "bạn bè cả mà".
Và điều đó dẫn tới những bài văn mẫu copy y chang và được những điểm 9 tròn trịa khi em học lớp 9, và cả trong kỳ thi tốt nghiệp THCS. Từ đó, môn Văn trở nên mất sự cảm nhận mà đầy rẫy sự đối phó khi dọc hành lang trước khi thi môn Văn, những học trò đi tới đi lui lẩm nhẩm... văn mẫu.
Việc copy bài nhau trong lớp cũng được thầy cô coi là chuyện bình thường và chấp nhận điều này bằng vài lời nhắc nhở qua loa. Do đó, điểm cao không còn là chuyện hiểu bài mà là chuyện "nhờ" và "thuộc".
Cũng không biết vì sao và từ bao giờ, những ước mơ của học trò đã bay đâu mất. Những định hướng trong tương lai sao mờ nhạt quá. Phần lớn bạn em đều chỉ mong làm "business man" vì thấy làm nghề đó đâu cần học Toán, Lý, Hóa.
Môn Công nghệ gắn chặt trong đời sống hằng ngày qua những vật dụng; Giáo dục Công dân gắn bó với sự phát triển con người và đất nước; Thể dục cần cho sự phát triển thể chất, sức khỏe... Nhưng những môn phụ cực kỳ quan trọng này lại đang bị lãng quên hay được dạy và học cho có giờ.
Học sinh nước ngoài phần lớn có khả năng nói lên ý kiến của mình, còn tụi em thì "gió chiều nào theo chiều ấy", chỉ dám theo những ý kiến số đông... Trong khi những thiên tài đều xuất thân từ việc lật lại những định kiến, chống lại ý kiến số đông. Những thiên tài như Newton, Galilee đều bày tỏ ý kiến dựa trên cái đúng, và làm việc đó cho cả thế giới.
Nền giáo dục của đất nước như thế nào thì sẽ cho ra học sinh thế ấy mà học sinh thế nào thì nguồn nhân lực của đất nước sẽ như vậy. Nếu lấy đích là thành công thì phải từ mỗi nỗ lực của học sinh. Nhưng mỗi nỗ lực của học sinh sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ yếu tố giáo dục, học tập, phải không ạ?
Em chỉ mong Bộ GD&ĐT sẽ mở một hội đồng quy mô gồm tất cả giáo viên để bàn luận lại vấn đề "dạy thế nào?" và một hội đồng quy mô học sinh từng trường sẽ đề cập tới vấn đề "học thế nào?".
Theo em nghĩ, nếu các giáo viên thay đổi, học sinh sẽ thay đổi theo. Và học sinh thay đổi sẽ là nguồn động lực cho giáo viên phấn đấu, có hứng dạy hơn.
Theo VnExpress