Nâng cao vai trò, chủ động của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

 

Sáng 6/8, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã nâng cao năng lực tham gia góp ý, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng; tích cực thực hiện các chương trình phối hợp giám sát, bước đầu chú trọng những nội dung, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Đặc biệt, Mặt trận đã xây dựng cơ chế và triển khai Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

                                                                  Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo 

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của người dân. Xã hội, nhân dân kỳ vọng nhiều hơn ở tính tích cực, chủ động, mạnh mẽ và năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận thông qua việc phát hiện chính xác, kịp thời, không né tránh, có chính kiến từ phía mặt trận các cấp, trước yêu cầu, đòi hỏi và áp lực cao hơn từ công tác này.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để công cuộc phòng, chống tham nhũng được hiệu quả, vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân rất quan trọng, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, thực hiện dân chủ, phản biện xã hội. Các đại biểu cũng đã góp ý, chia sẻ, trao đổi những mặt được, chưa được, các bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau trao đổi các nội dung về giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, các đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự tham gia tích cực của đông đảo người dân đối với công tác phòng chống tham nhũng; đề xuất các nội dung góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng…

Đề cập đến việc phát huy quyền và trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng. Theo đó, nội dung của cuộc giám sát của MTTQ không chỉ tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với cuộc sống của nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm cũng phải hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng ở địa phương.

“Cần tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong giám sát, phản biện việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng lãng phí theo hướng giám sát các tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của các cấp chính quyền và của những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”, GS.TS Trần Ngọc  Đường nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại Hội thảo

Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, tham nhũng là giặc nội xâm, rất tinh vi, khó nhận ra nên việc phòng, chống gặp nhiều khó khăn. “Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì đòi hỏi Mặt trận phải mạnh, hoạt động theo đúng cương lĩnh của Đảng, và những quy định trong Hiến pháp. Mạnh ở đây không phải là biên chế phình ra mà đòi hỏi cán bộ phải vững vàng, nhất là người đứng đầu. Mặt trận mạnh mới đoàn kết, vận động người Việt Nam yêu nước tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả; có mạnh mới đủ sức giám sát được” – ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, ở TP.Hồ Chí Minh, việc phát hiện tham nhũng, lãng phí qua nhiều kênh như: các đợt tiếp xúc cử tri, qua Mặt trận, qua Hội đồng nhân dân, báo chí, đơn khiếu nại, tố cáo… Nguy cơ tham nhũng có thể có rất nhiều, vấn đề là chúng ta phân công cách xử lý và triển khai thế nào cho hiệu quả. Cuối 2017, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh có Quy chế 1374 xử lý các thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng. Dựa vào các nguồn thông tin trên, Mặt trận Tổ quốc, HĐND kiến nghị, tổng hơp lại chuyển sang Ban Thường vụ Thành ủy để phân công xử lý, Thành ủy sẽ chỉ đạo để thực hiện. Việc triển khai theo tinh thần tham nhũng, lãng phí ở cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý, các cơ quan có quy trình để thực hiện và thường xuyên có báo cáo cấp ủy.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, các ý kiến đã đưa ra những giải pháp và yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới. “Đây chính là thách thức thực tế, buộc Mặt trận phải sớm khắc phục khó khăn, hạn chế, làm cho được sản phẩm cụ thể, và bằng những con số biết nói và tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục làm tốt hơn nữa thì vị thế, vai trò của MTTQ đồng nghĩa tăng lên”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, bộ phận tham mưu sẽ có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, đồng thời hệ thống hóa các ý kiến, kiến nghị theo nội dung, lĩnh vực cho chính xác, tham mưu đề xuất để Ban Thường trực kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ theo thẩm quyền.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cán bộ MTTQ Việt Nam phải thực sự nâng cao năng lực; gương mẫu, quyết liệt trong công tác, đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

“Phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát, đó mới là chìa khóa mở ra sự thành công trong công tác này thời gian tới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận, đồng thời phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, doanh nghiệp, doanh nhân, tri thức, người dân, người dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo, người tiêu biểu trong xã hội với công tác phòng chống tham nhũng. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai phạm ngay từ địa bàn cơ sở./.

Tin, ảnh:VL


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2333
Số người truy cập:
9034868