Trả lời:
Theo nghiên cứu, người được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Nhưng tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với những người không được chủng ngừa. Một người tiêm vaccine bị nhiễm đột phá thì các triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên, khả năng chống lại virus và ngăn ngừa nhiễm các biến thể có thể giảm dần theo thời gian sau tiêm vaccine Covid-19. Do đó, đối với một số nhóm dân số nhất định, có thể cần bổ sung liều vaccine thứ 3 để được bảo vệ lâu dài hơn.
Cùng là mũi tiêm thứ 3 nhưng cần phân biệt giữa liều tăng cường và liều bổ sung. Liều tăng cường được tiêm với mục đích phục hồi sự bảo vệ khi một người đã hoàn thành đủ hai liều vaccine và khả năng chống lại virus giảm theo thời gian.
Liều bổ sung được sử dụng cho những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương từ trung bình đến nặng. Nhóm này dù tiêm chủng đầy đủ nhưng có thể vẫn không đạt được hiệu quả miễn dịch hoặc đáp ứng miễn dịch tối ưu.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể sử dụng vaccine loại mRNA (Moderna hoặc Pfizer) như liều thứ ba bổ sung hoặc tăng cường (bất kể loại vaccine Covid-19 nào đã được sử dụng cho hai mũi tiêm chính trước đó) hoặc sử dụng loại vaccine tiêm cùng loại với hai liều cơ bản.
Ví dụ những người đã tiêm hai mũi vaccine AstraZeneca thì có thể sử dụng vaccine cùng loại là AstraZeneca hoặc vaccine sử dụng công nghệ mRNA (Moderna hoặc Pfizer) ở mũi thứ 3. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Trường hợp tiêm liều cơ bản là vaccine sống giảm độc lực (Sinopharm) thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca).
Quay lại câu hỏi của bạn, vì hai mũi tiêm trước của bạn là mũi tiêm hỗn hợp nên hiện tại theo khuyến cáo tiêm mũi tăng cường hoặc nhắc lại sẽ dùng loại vaccine mRNA (Moderna hoặc Pfizer).
Tiêm vaccine cho trẻ em tại Đà Nẵng, ngày 2/11. Ảnh. Nguyễn Đông
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Diễm Hương
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3