Mua và sử dụng đầu băng cối

Những dòng máy cũ: Akai X200D, GX 220, GX 280D, X-1800SD, X-1810D, X355, GX 365D, M-8, M-9, M-10, Teac A-1200, A-2010, A-3300S, A-4010S, A-6010, Sony TC-280, TC-366, TC-540, TC 560D, TC-630...
Dòng máy mới du nhập: Teac A-7010, X-10R, 100R, 2000R, Otari MX-5050, Akai GX-747 dbx, GX-630D, GX-635, GX-636, GX-646, Technisc 1500, 1520, Revox A-77, B-77, PR-99 MkII, Studer B-67, B-62, A 807, A810...
Hiện nay, có hai dòng máy đang được mua, bán, trao đổi trên thị trường. Đó là những dòng máy được nhập và sử dụng trước năm 1975 và dòng máy mới được nhập vào thị trường vài năm gần đây khi phong trào chơi thịnh hành trở lại.

 
Đa số những máy nhập sau này thuộc dòng sản phẩm cao cấp, được sản xuất với chất lượng cao. Một số được sử dụng trong những phòng thu âm, cho chất lượng âm thanh chính xác, bền và hoạt động ổn định, tuy nhiên, giá thành khá cao. Để không bị hớ khi mua, người mua nên tham khảo giá trên mạng eBay.
 
Dòng máy cũ có thể kiếm được ở khu chợ cũ Nhật Tảo (TP HCM), hoặc trao đổi với những người chuyên sưu tầm máy móc cũ. Khi đã kiếm và mua được một đầu máy băng cối phù hợp, bạn có thể khám phá và cảm nhận sự hấp dẫn của thiết bị cũ này.
 
 

Ảnh minh họa
Những góc cạnh đầu băng cối Akai X200D từ những năm 70. Ảnh: Oaktreeent.

 
Tất cả những model máy dù cũ hay mới đều có những trục trặc nhỏ khi sử dụng, người dùng nên biết những trục trặc này để có thể cân chỉnh và sửa chữa mà không cần đem đến thợ.
 
Đầu máy băng cối có hai phần rõ rệt: phần cơ và phần mô-tơ, nhưng có một số model cũ chỉ sử dụng một mô-tơ và truyền động qua các bánh cao su (thường quen gọi là bánh đà). Phần quan trọng nhất cho việc chuyển động sợi băng là trục capstan, có nhiệm vụ kéo sợi băng chạy ổn dịnh với tốc độ định sẵn, một bánh cao su ép sát trục capstan, giữ sợi băng cố định, không bị chệch.
 
Thường các model được thiết kế có hai tốc độ là 7 1/2 và 3 3/4 inch trong một giây. Một số đời máy có thêm tốc độ 15 inch/giây. Thông thường, những băng nhạc đang lưu hành trên thị trường chạy với tốc độ 7 1/2. Trục capstan chuyển động bằng dây cu-roa (belt drive capstan), thường thấy ở những model cũ, những model mới hơn thì có thiết kế chuyển động trực tiếp (direct drive capstan).
 
Bệnh thường gặp trong phần cơ của máy là bộ phận dây cu-roa, bánh đà, bánh cao su. Sau thời gian sử dụng, cao su bị chai, cứng, mất độ ma sát, làm giảm lực kéo, dẫn đến việc sai lệch tốc độ cuốn băng và làm lệch sợi băng. Bạn có thể phục hồi những bộ phận này ở những tiệm ép cao su trên đường Tạ Uyên, quận 5 (TP HCM), hoặc đường Hoàng Văn Thụ (gần trụ sở công an quận Phú Nhuận).
 
 
Việc lau chùi và bôi trơn phần cơ và đầu từ cũng rất quan trọng. Đa số đầu máy băng cối để lâu không sử dụng nên đầu từ bị đóng bẩn, rất cứng, lau chùi thông thường không thể làm sạch được. Do đó, bạn cần sử dụng một số hóa chất có dung dịch tẩy nhẹ để lau. Khi lau, phải cẩn thận để không làm trầy đầu từ.
 
Phần mạch điện tử gặp ít trục trặc hơn. Tuy nhiên, nếu cẩn thận có thể nhờ thợ điện tử kiểm tra và hàn lại một số chân tụ và điện trở bị hở chân, thay một số tụ điện bị khô và xì, lau chùi các biến trở sạch sẽ để độ tiếp xúc tốt hơn. Nếu không kiểm tra kỹ, khi phát và thu sẽ bị nhiều tạp âm.
 
Một số đời máy sử dụng đầu từ sắt, sau một thời gian sử dụng sẽ bị mòn, phải thay thế. Khi thay, tốt nhất nên chọn đầu từ cùng chủng loại hoặc cùng chỉ số Ohm. Thông thường, chỉ số Ohm của đầu phát là 180 - 320 Ohm. Bạn có thể tìm mua những đầu từ còn tốt ở chợ Nhật Tảo và một số thợ lão thành cũng có đồ để thay thế. Giới chơi máy thường mách nhau các địa chỉ, như thợ Vinh ở cư xá Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), thợ Minh ở Gò Vấp (TP HCM), xa hơn có thợ Thành ở Huế là người rất yêu nghề và đam mê đầu băng cối.
 

 

 
Việc giữ gìn và bảo quản băng cối cũng không kém phần quan trọng. Sợi băng được làm từ chất liệu nhựa tổng hợp và được tráng một lớp bột từ. Do đó, để bảo quản sợi băng cối và giữ được lâu, bạn nên để chúng ở nơi khô ráo, tránh xa các đồ vật có tính nhiễm từ cao như loa, mô-tơ, tăng phô điện, nam châm...
 
Khi thu âm một cuốn băng, người dùng nên cẩn thận và tuân thủ những nguyên tắc căn bản. Thứ nhất, phải lau đầu từ thật sạch, sau đó khử sạch tín hiệu trên cuốn băng sẽ ghi âm, lau sơ sơi băng để loại sạch bụi bẩn. Kiểm tra mức độ volume đầu vào và bắt đầu ghi băng. Hiện nay, trên thị trường có bán loại băng đã sử dụng qua một lần nhưng còn rất tốt, như Maxwell, Sony, Scotch...
 
Một số đặc điểm của đầu băng cối
 
- Đầu băng cối tất cả trong một: có ampli và loa phát trực tiếp.
- Đầu Decks: chỉ phát tín hiệu.
- Không có Audio Reverse: chỉ phát và thu một chiều (3 đầu từ: một xóa, một thu, một phát).
- Auto Reverse: phát và thu hai chiều (6 đầu từ: hai xóa, hai thu, hai phát).
- Đầu từ sắt: thu, phát rõ, âm thanh hay, nhưng không bền.
- Đầu từ Ferrite: thu, phát rõ rất ổn định, âm thanh dày dặn, siêu bền.
- Đầu từ 2 track: thu, phát chỉ được một mặt băng (thường sử dụng băng Master, cho âm thanh tiêu chuẩn).
- Đầu từ 4 track: thu, phát cả hai mặt băng (thông dụng cho tất cả các loại băng đĩa đã phát hành).
- Đầu từ 8 track: thường sử dụng cho các phòng thu âm.
- Đa số đầu băng cối đều thay đổi được điện thế từ 100 v đến 260 v.

(Theo Nghe Nhìn)

Ảnh minh họa
Revox A77 là dòng máy mới du nhập khi phong trào chơi băng cối phát triển trở lại. Ảnh: Joerg-erren.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
124275
Số người truy cập:
7543615