Văn Miếu: Khách tăng đột biến!
Như các năm trước, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) luôn là điểm đến của các sĩ tử trước các đợt thi cử. Trong cái nắng nóng khá gắt của buổi trưa 31-5, lượng khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng đột biến so với mọi ngày. Từ Văn Miếu Môn, chúng tôi thấy tấp nập sĩ tử tập trung, xếp thành hàng dài mua vé. Điểm "nóng" nhất của khu Văn Miếu có lẽ nằm ở điện thờ Khổng Tử, Chu Văn An. Từng tốp học sinh đứng thành hàng thắp hương, khấn vái, cầu xin có được kết quả tốt trong kỳ thi trong tiếng loa ra rả của Ban quản lý thông báo chỉ được thắp một nén hương và không được đốt hương sai nơi quy định...
Sĩ tử thắp hương tại điện thờ Khổng Tử, Chu Văn An để cầu may mắn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011
Nguyễn Anh Việt (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Hôm nay lớp em đã dành cả buổi sáng để tới đây thắp hương, bày tỏ mong muốn được thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học... Nói chung, ai cũng thấy tinh thần phấn chấn, bớt căng thẳng và quyết tâm hơn cho những ngày thi sắp tới". Sau khi đọc xong tờ sớ khá dài do phụ huynh chuẩn bị trước, Trần Hương Dung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Giờ em mới biết, đi tới đây em thấy đầu óc mình được thanh thản, không còn cảm giác nặng nề như mấy hôm trước, lúc nào cũng quẩn quanh về kỳ thi. Ngoài lá sớ do bố mẹ chuẩn bị, em còn "xin" thêm cho cả lớp thi đỗ tốt nghiệp và cả đại học nữa".
Dạo mấy vòng quanh chợ "phao", chúng tôi phát hiện rất nhiều "chim mồi" chuyên làm nhiệm vụ theo dõi. Khi thấy xe công an đi qua hoặc có hiện tượng đưa máy chụp ảnh, tuyệt nhiên, mọi hành động mua bán "phao" đều được ra dấu dừng lại.
Mặc dù đã dâng hương, khấn cầu tại điện thờ Khổng Tử, Chu Văn An nhưng nhiều sĩ tử vẫn chưa thỏa mãn, yên tâm bởi "nhiệm vụ" quan trọng là được sờ tay lên đầu rùa bia tiến sĩ đã không thể thực hiện được. Phấn chấn, nhưng chưa thỏa mãn, Phạm Thị Hoa (Quốc Oai, Hà Nội) nói: "Đạp xe hơn 20km đến đây để được sờ đầu rùa nhưng ý nguyện đó của em bất thành. Mỗi lần định "vượt rào" đều bị bảo vệ ngăn lại. Tuy nhiên, em đã sờ được đầu rùa đội hạc bằng đồng ở điện thờ lấy may. Hy vọng, cụ rùa sẽ mang lại may mắn cho em".
Để bảo vệ các hiện vật trong khu Văn Miếu, Ban quản lý có quy định cấm du khách sờ vào đầu rùa để tránh bào mòn. Khu bia đá tiến sĩ trước đó đã được chăng dây vải, bố trí bảo vệ túc trực. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, để đạt được mục đích, nhiều sĩ tử đã cố tình "vượt rào" ở các góc khuất và khi lực lượng bảo vệ lơ là.
Sáng 31-5, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, Trấn Quốc... tấp nập bóng dáng "áo trắng" cùng người nhà tới thắp hương, dâng lễ cầu xin cho sĩ tử có được sự tự tin, gặp nhiều may mắn trong các kỳ thi quan trọng sắp tới.
"Chợ phao": Cần gì có nấy!
Chiều cùng ngày, chúng tôi dạo một vòng chợ "phao" trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội). Các hàng quán chuyên photocopy hoạt động rất náo nhiệt. Dừng chân ở một quán bán hồ sơ ngay đầu đường, chúng tôi ngỏ ý muốn mua "phao" thi tốt nghiệp. Sau ánh mắt xăm soi, thấy không có gì khả nghi, bà chủ cửa hàng nói nhỏ: "Ở đây có đủ các loại, muốn mua cả bộ hay mua lẻ?". Cửa hàng này có biển hiệu bán hồ sơ, giấy thi nhưng thực chất là nơi cung cấp “phao” thi khá nổi tiếng của "chợ", tuy nhiên không phải ai cũng mua được "hàng".
"Phao" được đựng trong túi nilon, giấu kín đáo dưới gầm bàn nhà trong. Len theo bà chủ vào nhà, chúng tôi vừa đi vừa ngã giá. Ở đây có luật bất thành văn, phải ngã giá xong, bà chủ mới mang "hàng" ra cho các "thượng đế" ngắm. Các loại "phao" thi đều được chế bản vi tính rồi photo thu nhỏ rất rõ nét dù chiều ngang chỉ chừng 2,5cm. Chủ quán khẳng định, các bộ tài liệu ở đây hầu hết là tái bản từ những năm trước, tuy nhiên khách hàng không cần lo về "chất lượng" bởi cửa hàng đã có "uy tín". Một bộ "phao ruột mèo" trọn gói 6 môn được bán với giá 120.000 đồng, nếu mua lẻ sẽ tính tiền tùy từng môn. Ngạc nhiên khi thấy chúng tôi chỉ mua 2 môn Địa, Văn, chủ quán ra giá và giải thích: "2 bộ này giá 60.000 đồng. Môn Văn dài nên có giá đắt hơn. Khách đến đây hầu hết ai cũng mua cả bộ. Mua thế rẻ hơn, không dùng hết thì có thể cho bạn bè".
Một thực tế đáng buồn là phố Tạ Quang Bửu - con phố ngay cạnh Bộ GD&ĐT vẫn còn xảy ra hiện tượng bán "phao" thi, hành động tiếp tay cho các thí sinh gian lận trong thi cử. Có "cầu" ắt sẽ có "cung", mỗi khi mùa thi đến, không khó để tìm mua những cuộn giấy cắt cuộn tròn buộc bằng dây thun hay các tập dữ liệu câu trả lời các môn thi THPT ở các hàng quán photo... Đã bao giờ các sĩ tử tự hỏi, phải chăng "phao" là cứu tinh hữu hiệu trong hành trang tuổi học trò?