Mua hành tây, cà rốt Trung Quốc được bao giấy tờ chứng minh đồ Đà Lạt

 Phải tháng 10 nhà vườn mới thu hoạch cà rốt, khoai tây, hành tây, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn hàng mang danh nông sản Đà Lạt chuyển về TP.HCM và các tỉnh tiêu thụ.

Phóng sự đặc biệt của Báo Người Lao Động sau hành trình hàng nghìn cây số để làm rõ sự thật đáng sợ về những chiêu trò  "hóa kiếp" nông sản Trung Quốc thành hàng Đà Lạt.

Thủ phủ rau quả Trung Quốc

Để lý giải thực tế đầy mâu thuẫn này, phóng viên Báo Người Lao Động trong vai thương lái Việt Nam đã vượt quãng đường hàng nghìn cây số sang Quảng Tây - Trung Quốc, về Lâm Đồng rồi trở lại TP.HCM.

Ngày 22/6, phóng viên được một tài xế xe container đầu kéo BKS 61B-512… thông báo sắp chạy từ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ra Lạng Sơn để sang Trung Quốc nhận hàng. Thế là chúng tôi lên đường. Khi chúng tôi đến Lạng Sơn, rất đông xe container mang biển số Việt Nam xếp hàng dài đi vào cửa khẩu Tân Thanh.

Mua hanh tay, ca rot Trung Quoc duoc bao giay to chung minh do Da Lat hinh anh 1
Các xe biển số Việt Nam chở rau củ quả Trung Quốc tại chợ Pò Chài (Trung Quốc). Ảnh: Lê Phong.

Từ cửa khẩu Tân Thanh đến chợ đầu mối nông sản Pò Chài (TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây) phải mất thêm 15 phút đi xe ôm. Tài xế dẫn đường giới thiệu: "Tui thấy bên kia có toàn rau củ quả Trung Quốc thôi. Không biết họ có ngâm hóa chất không chứ tui thấy để cả tuần mà quả nào quả nấy vẫn xanh mơn mởn. Ngày nào cũng có cả trăm xe chở toàn rau củ Trung Quốc đi Đà Lạt. Nông sản Trung Quốc nó bóng, nó to lắm!".

Đến nơi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước quy mô quá lớn của khu chợ. Để vào bên trong, các xe phải thông qua rất nhiều cổng gác, chốt kiểm tra và phải mua vé vào cổng. Từng mặt hàng được chia theo rất nhiều khu. Sức chứa mỗi khu có thể hơn 100 chiếc container. Nếu đi hết chợ cũng phải mất chừng nửa ngày.

Tại khu chợ B, hơn 50 xe container mang biển số Việt Nam đang mở nắp thùng để cửu vạn vác bao khoai tây, mỗi bao nặng gần 30 kg, chất vào. Trung bình cứ 15 phút, một xe container xuất bến tiến thẳng về Việt Nam. Điều đáng nói là các bao chứa khoai tây không hề có nhãn mác, nơi sản xuất mà chỉ thấy thương lái Trung Quốc tất bật ghi chép sổ sách, đưa hàng lên, xuống xe.

Bao trọn giấy tờ chứng minh... hàng Đà Lạt

Khu vực kinh doanh cà rốt trong chợ Pò Chài có những tấm bảng ghi bằng tiếng Hoa, tạm dịch "cà rốt giống như Đà Lạt". Những củ cà rốt ở đây sạch bóng, được bọc nylon. Đội nhân công trong quá trình chuyển hàng qua xe Việt Nam không quên xé bỏ những nhãn mác có chữ Trung Quốc.

Mua hanh tay, ca rot Trung Quoc duoc bao giay to chung minh do Da Lat hinh anh 2
Hành tây Trung Quốc để la liệt ở chợ Pò Chài chuẩn bị "hóa kiếp" thành hàng Đà Lạt. Ảnh: Lê Phong.

Trong vai chủ hàng ở Việt Nam, chúng tôi tìm gặp thương lái tên A Linh, quê Quảng Châu. A Linh cho hay nếu mua cà rốt số lượng trên 10 tấn sẽ được tặng kèm nhãn hiệu và giấy tờ chứng minh hàng của Đà Lạt.

"Nếu lấy được 10 tấn hàng, tôi sẽ gọi điện thoại nhờ một chủ vườn ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lấy cà rốt trộn với đất đỏ ở đó, anh chỉ việc thuê xe từ kho hàng về TP.HCM", A Linh nói.

Theo A Linh, hiện giá cà rốt tại Đà Lạt lên đến 16.000 đồng/kg, trong khi hàng ở đây chỉ 5.500 đồng/kg. Tính ra, mỗi lô hàng trộn vào làm giả có thể lời 20-30 triệu đồng.

Tại khu kinh doanh bắp cải, xe ra vào liên tục. Những quả bắp cải này to gần gấp đôi loại trồng ở Đà Lạt hoặc Sapa, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, giá mà thương lái đưa ra chỉ 1.400 đồng/kg.

Ở khu hành tây, vài chủ hàng đang rắc một loại bột màu trắng lên các bao. Mùi hôi thối từ hành tây xộc vào mũi rất khó chịu.

"Hành tây đang hút hàng ở Việt Nam. Nếu mua thì vẫn có cách 'hóa kiếp' chúng thành hàng Việt Nam", thương lái A Linh nói.

Nhiều ngày quan sát, phóng viên nhận thấy hầu hết xe container của Việt Nam khi qua đây chủ yếu chở thanh long, sầu riêng và dưa hấu. Khi xe trở về thì đầy kín hàng Trung Quốc. Ước tính, mỗi ngày có 70-100 xe container ào ào qua cửa khẩu.

Tài xế Lâm Văn Trọng (quê Bình Định) kể rằng hàng chở từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị kiểm tra rất gắt gao và phun khử hóa chất, sâu bệnh nên mất nhiều thời gian. Thế nhưng, lúc xe từ Trung Quốc về nước, các khâu kiểm tra lại đơn giản, hàng hóa được bỏ trong thùng container giữ lạnh ở nhiệt độ 3-6 độ C.

"Trung bình mỗi tháng, tôi chở hàng từ Trung Quốc về Đà Lạt 2 chuyến, vào mùa Tết có thể tăng lên 3 chuyến", anh Trọng kể.

Trở về Việt Nam, chúng tôi bám theo một đoàn xe container BKS 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng để tìm hiểu những lô cà rốt, khoai tây… sẽ đi về đâu. Sau 2 ngày, tất cả đều chạy thẳng về các chủ vựa ở TP. Đà Lạt. Khi xe tới nơi, chủ vựa liền kéo kín cổng, đóng sập cửa và tiến hành các bước để biến lượng rau củ quả Trung Quốc xanh bóng trở nên xấu xí hơn nhằm qua mắt người tiêu dùng.

Theo bà N.T.H, một trong những chủ vựa nông sản lớn ở Đà Lạt, mỗi chuyến hàng như vậy, vựa lời 2.000-3.000 đồng/kg. "Chênh lệch chẳng bao nhiêu nhưng với số lượng lớn thì cũng kiếm được kha khá", bà H. tiết lộ. 

Trộn tỏi Trung Quốc với tỏi Việt Nam

Không chỉ cà rốt, khoai tây mà hiện tỏi bán tại Việt Nam phần lớn cũng lấy từ Trung Quốc.

Có mặt tại khu vực chuyên về tỏi tại chợ nông sản Pò Chài, chúng tôi chứng kiến một nhóm nhân công đang bốc tháo những bao tải tỏi của Việt Nam vào một bàn rộng. Kế đó, xe tải nhỏ chở tỏi từ Trung Quốc đổ ào lên. Nhân công trộn 2 loại tỏi lại thành một.

Một nhân công Việt Nam cho biết giá tỏi Trung Quốc rất thấp, để có thể về Việt Nam bán được giá cao thì phải trộn với tỏi Phan Rang, tỏi Bắc Giang; sau đó đóng gói, dán nhãn Việt Nam thì sẽ bán giá gấp đôi.

Theo Thành Đồng - Lê Phong - Đình Thi/Người Lao Động


Giày Đại Phát solution
Số người online:
39981
Số người truy cập:
9086346