Một tháng mở cửa trường học ở TP HCM

 Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh khối 7-12, trẻ mầm non 3-6 tuổi, học sinh tiểu học và khối 6 lần lượt trở lại trường. TP HCM vừa trải qua bốn tuần dạy học trực tiếp quy mô lớn.

Khó khăn lớn nhất của các trường là tổ chức dạy song song online - offline do F0, F1 liên tục tăng mạnh. Tại THCS Nguyễn Du, quận 1, tuần này, 32 trong tổng số 33 học sinh lớp 6/3 ở nhà học trực tuyến. Cuối tuần trước, lớp phát hiện năm em là F0, 27 F1. Duy nhất một em đủ điều kiện đến trường, được gửi vào lớp khác để học.

Hàng ngày, thầy Nguyễn Thông, giáo viên chủ nhiệm tất bật với lịch dạy trực tiếp - trực tuyến. Ngoài ra, thầy còn liên tục nhận được tin nhắn, điện thoại của phụ huynh hỏi về thời khóa biểu, lịch học thay đổi. Theo thầy Thông, dạy học trong bối cảnh "sống chung với dịch", giáo viên, ngoài công việc chuyên môn thường lệ, phải dành nhiều thời gian để liên lạc với phụ huynh và các em.

Tương tự, nhiều giáo viên khác cũng quen với việc lớp học có F0, phải tách đôi, xen kẽ "online - offline" trong một tháng qua. Tại THCS Võ Trường Toản, quận 1, hơn 1.300 học sinh đến trường sau Tết, đạt 90%. Sau ba tuần, tỷ lệ này giảm còn 70% bởi có gần 100 học sinh là F0.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, một lớp trung bình có 13 giáo viên giảng dạy, một giáo viên lại tham gia dạy 7-10 lớp khác nhau. Do đó, khi tổ chức song song hai hình thức, trường đối diện với bài toán sắp xếp, bố trí người dạy, nhất là trong bối cảnh thiếu nhân sự, do nhiều giáo viên cũng mắc Covid. Chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. "Giai đoạn này khó đòi hỏi chất lượng dạy như các năm. Biện pháp khắc phục duy nhất là tăng cường phụ đạo cho học sinh", cô Hạnh cho biết.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ 7/2 đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 44.000 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm trong trường học. Trong đó, hơn 3.600 ca là cán bộ, giáo viên, còn lại là học sinh.

Theo quy định của thành phố, khi phát hiện F0, nhà trường và y tế địa phương phối hợp, tầm soát F1. Học sinh liên quan đến ca bệnh sẽ cách ly tại nhà. Tại nhiều trường, 30-50% số lớp học phải chuyển sang trực tuyến.

Giáo viên trường Tiểu học Bông Sao, quận 3 trong tiết học cuối tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên trường Tiểu học Bông Sao, quận 3 trong tiết học cuối tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng

Mở cửa trường, TP HCM chủ trương tổ chức bán trú, học hai buổi mỗi ngày nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Các trường đối mặt với yêu cầu vận hành bán trú hiệu quả, an toàn.

Lãnh đạo một trường tiểu học ở Gò Vấp cho biết, rất áp lực khi phục vụ bán trú cho hơn 1.000 học sinh trong điều kiện thiếu bảo mẫu, nhân viên. Việc ăn, ngủ cùng nhau ở bậc tiểu học không tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm. Học sinh còn nhỏ, chưa tiêm vaccine, ý thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân chưa cao.

"Mở bán trú lúc này rất áp lực, nhưng dừng lại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc của phụ huynh", cô nói.

Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, với 1.730 học sinh, hơn 1.500 em bán trú. Vào các buổi ăn trưa, giáo viên và bảo mẫu "xoay như chong chóng", vừa phục vụ món, vừa trông trẻ, nhắc nhở các em tuân thủ quy tắc phòng dịch.

Tình trạng trên diễn ra tại nhiều trường, nhất là bậc tiểu học. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng trong tuần qua, nhiều trường do F0 tăng mạnh đã phải tạm dừng hoạt động bán trú, canteen.

Dù vậy, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, các trường nên duy trì bán trú, đảm bảo an toàn, thay vì đóng cửa. "Canteen, bán trú là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh. Nếu trường không tổ chức, các em phải ăn uống bên ngoài, khó đảm bảo phòng chống dịch", ông Hưng cho biết.

Bảng thống kê học sinh bán trú của Tiểu học Phan Đình Phùng ngày 2/3. Trường có 1.535 em đăng ký học bán trú, có mặt 968, vắng 567. Ảnh: Mạnh Tùng

Bảng thống kê học sinh bán trú của Tiểu học Phan Đình Phùng ngày 2/3. Trường có 1.535 em đăng ký học bán trú, có mặt 968, vắng 567. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhiều vấn đề về phòng, chống dịch trong trường đã phát sinh khi hàng triệu học sinh trở lại.

Ban đầu, việc tầm soát F1, với yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được trở lại trường, gây phiền hà cho phụ huynh. Quy định xét nghiệm nhanh toàn bộ F1 liên quan khi ghi nhận F0 cũng khiến nhiều trường rơi vào tình trạng thiếu kit test nhanh và kinh phí mua sắm thiết bị y tế.

Hai vấn đề trên được UBND TP HCM tháo gỡ sau đó với quyết định điều chỉnh quy trình tầm soát F0, F1; trang bị thêm kit test nhanh đợt đầu cho trường học.

Dù vậy, với kinh phí, thiết bị vật chất được cấp phát khá eo hẹp, phần lớn các trường phải tự chi thêm nhiều khoản cho khâu vệ sinh, khử khuẩn. Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3 là một ví dụ. Với gần 200 trẻ học trực tiếp, trường chi khoảng 24 triệu mỗi tháng để khử khuẩn, mua khăn giấy, dung dịch sát khuẩn.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thừa nhận tình trạng thiếu thiết bị y tế phòng, chống dịch ở phần lớn trường học. Ngoài cơ sở vật chất, gần 50% trường học thiếu nhân viên y tế chuyên trách.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, sau bốn tuần học, TP HCM vẫn duy trì mở cửa trường. Hiện, nhiều trường mầm non đang dần cho trẻ dưới ba tuổi - nhóm cuối cùng trong tổng số 1,7 triệu học sinh của thành phố - đến trường.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết: "Các trường tiếp tục duy trì hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo tất cả học sinh được học tập với điều kiện tốt nhất".

Ngày 4/3, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế có cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM nhằm tiếp tục tìm phương án tháo gỡ những khó khăn của các nhà trường.

Mạnh Tùng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14405
Số người truy cập:
9011248