Hồ Văn Tươi làm quần quật để có tiền bồi thường cho nạn nhân - Ảnh: M.T. |
Sau tai nạn bất ngờ, anh Tuấn Em không đủ sức khỏe để đi làm, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà Ảnh: M.T. |
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 9g10 ngày 12-6-2010, T.S.P.V. đến nhà bạn là N.H.T. chơi. Lúc ấy T. đang đưa võng cháu ruột là bé B., hơn 12 tháng tuổi. Trong lúc nói chuyện, V. nhặt một thanh tre nhỏ dài khoảng 30cm, lấy giấy vệ sinh quấn nhiều vòng vào một đầu thanh tre rồi bật hộp quẹt đốt chơi.
T. liền nói: “Mày đốt coi chừng cháy nhà nghen mậy”. V. nghe vậy lấy tay bóp tắt lửa, tháo giấy ra khỏi thanh tre, bỏ giấy ra ngoài hông nhà qua lỗ thủng trên vách lá. V. ở chơi thêm 5 phút nữa rồi về. Còn T. đi qua hàng xóm chơi. Khoảng 10g45, có người phát hiện lửa cháy ngùn ngụt trên mái tôn nên hô hoán. T. lao về nhà ẵm bé B. chạy ra. Mọi người tức tốc đưa bé đến bệnh viện.
“Em rất hối hận”
Ngày 14-12-2010, TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tuyên bị cáo V., 17 tuổi, 2 năm tù treo về tội “vô ý làm chết người”. Bà N.T.X., mẹ của T. và cũng là bà nội bé B., cho biết cha bé B. làm thợ hồ, mẹ bé đi làm ăn xa. Bà làm bảo mẫu ở trung tâm bảo trợ xã hội nên việc trông nom bé B. thường giao cho T..
Khi hay tin nhà cháy, bà rụng rời tay chân bởi biết tính T. ham vui thường bỏ bé B. ngủ trên võng một mình. Khi bà hộc tốc chạy về tới nhà cũng là lúc T. ôm bé B. từ trong nhà lao ra. Nhìn thấy mặt cháu mình đỏ rộp, những sợi nilông của chiếc võng cháy dính chặt vào cơ thể đang lỗ chỗ cháy sém của B., bà X. té xỉu.
Sau đó mọi người tức tốc chở bé B. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Rồi bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Bà X. kể trong nước mắt: “Trên đường chuyển viện cháu cứ khóc ngằn ngặt, nhìn toàn thân cháu bỏng rộp, cả lưỡi cũng bị cháy, ruột gan tôi giống như bị lửa đốt! Rồi khi nghe bác sĩ nói cháu bị sao đó nên không truyền nước biển được, tôi điếng người ngất xỉu, được đưa vô nằm cùng phòng cấp cứu với cháu mình... Thấy B. nằm im không còn khóc nổi nữa, tôi biết thằng bé khó qua khỏi...”.
Ông T. - phó giám đốc trung tâm bảo trợ xã hội (nhà bà X. ở gần trung tâm) - nhớ lại: “Khi chúng tôi hay thì ngọn lửa bốc lên ngút trời muốn táp qua nhà kế bên cách không đầy nửa mét. Cũng may trước nhà có ao nên mọi người hộc tốc xách nước dập tắt kịp, nếu không ngọn lửa lan sang những nhà lân cận thì hậu quả khôn lường”. Cơn hỏa hoạn thiêu rụi căn nhà và tất cả đồ đạc, trung tâm thấy thế mỗi người góp một ít tiền giúp bà X. cất tạm lại ngôi nhà.
Khi tôi đến gặp, V. ray rứt tâm sự: hôm đó khi dùng tay bóp lửa đang cháy trên giấy cho tắt, thấy bên trong vẫn còn đốm đỏ, nghĩ chút tàn lửa nhỏ cũng không sao nên V. mới quăng ra ngoài vách, không ngờ bùng lên thành cơn hỏa hoạn. Sự việc xảy ra đã hơn nửa năm nhưng V. vẫn còn bị ám ảnh, dằn vặt. Ánh mắt V. ngập đầy hối hận: “Trước đây mỗi khi đến nhà T. chơi em thường nựng nịu, ẵm bồng bé B., nên mỗi khi nhớ đến hình ảnh bé cười bập bẹ nói “măm măm” em chịu không nổi. Em rất hối hận, tại sao mình lại giỡn chơi dại dột khiến bé B. bị chết”.
Hai gia đình vốn rất thân thiết, V. gọi bà X. là mẹ nuôi, nên khi sự việc xảy ra, mặc dù rất đau lòng nhưng gia đình bà X. không hề nặng nhẹ, oán hận V.. Cả hai nhà đều nghèo như nhau. Cha mẹ và anh trai V. làm thuê. Riêng V. học đến lớp 9 thì nghỉ đi phụ hồ. Cả gia đình chắt mót tiền dự định cho V. học nghề sửa xe khóa ngắn hạn ở trường dạy nghề với hi vọng sau này sẽ mở tiệm trước cửa nhà, nhưng khốn khổ thay tất cả số tiền đó đã dùng bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Mẹ V. thổ lộ: “Chúng tôi mang ơn chị X. nhiều lắm! Trước tòa chị X. nói đền 15 triệu đồng nhưng thật ra chị chỉ lấy 10 triệu lo ma chay, thuốc men này nọ. Nếu chị X. không thương gia đình chúng tôi mà yêu cầu bồi thường đúng theo pháp luật thì chắc tôi bán nhà để đền chớ không còn cách nào khác”.
Hai bên điêu đứng
Hồ Văn Tươi làm công trên sà lan cát. Ngày 2-1-2010 khi đang khai thác cát dưới sông Hậu, một nhân công lái cẩu cạp cát dưới sông phát hiện khẩu súng AR15 đã bị gỉ sét nên đưa Tươi cất giữ. Sau khi làm xong công việc, khoảng 13g cùng ngày Tươi đem khẩu súng chùi rửa và tháo rời các bộ phận. Thấy trong nòng súng còn dính nhiều cát, Tươi gõ nòng súng xuống sàn sà lan thì phát ra tiếng nổ, đạn bay khỏi nòng súng trúng vào trán anh Võ Văn Tuấn Em - người làm công trên ghe chở cát - đang cúi người buộc dây ghe gần đó.
Ngày 17-12-2010, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tuyên phạt Hồ Văn Tươi 2 năm tù treo về tội “vô ý gây thương tích”. Hội đồng xét xử phân tích công dân khi lượm được súng phải giao nộp cơ quan chức năng và không được sử dụng súng. Tươi cúi đầu ân hận: “Thấy súng gỉ sét, lại nằm ở dưới sông, nòng đầy cát tôi cứ nghĩ nó bị hư nên tò mò xem thử, nào ngờ gây thương tật cho Tuấn Em. Biết thế tôi đã đem súng nộp cho chính quyền”.
Khi tôi đến nhà người bị hại ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Tuấn Em đang trông chừng nhà. Viên đạn xuyên qua trán khiến anh phải chịu phẫu thuật thay hộp sọ. Tuy thoát chết nhưng từ một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, Tuấn Em biến thành một người chậm chạp, đi đứng khập khiễng, các ngón tay co lại khiến việc cầm nắm rất khó khăn.
Với tỉ lệ sức khỏe bị giảm đến 71% như thế, chàng trai 22 tuổi này không thể đi làm được, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Vốn là trụ cột gia đình nên khi Tuấn Em rơi vào thảm kịch, cả nhà cũng lao đao theo. Người cha ngoài việc quần quật với 4 công ruộng phải đi làm mướn, còn người mẹ bán vé số đến tối mịt mới về.
Ông Võ Văn Dũng, cha Tuấn Em, buồn buồn: “Giờ chân tay như thế nên nó chỉ ngồi trông chừng nhà. Mỗi ngày nhìn thấy con tập tễnh tập đi mà đau lòng. Thân trai tráng chỉ làm chuyện lặt vặt trong nhà làm gì mà không tủi phận. Rồi tương lai sau này nữa...” - nói đến đây ông Dũng thở dài thườn thượt.
Phía gây án cũng đang điêu đứng. Nhà Tươi ở Cồn Cò, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Khi tôi đến đã hơn 5g chiều Tươi còn đang tranh thủ làm cỏ vườn nhãn sau một ngày làm thuê vất vả. Còn vợ Tươi xin tăng ca tới khuya để được lãnh 1,5 triệu đồng/tháng, hai đứa con phải gửi cho bên ngoại nuôi. Người anh trai lên thành phố làm thợ hồ. Tất cả vắt sức ra làm để có tiền trả nợ.
Ông Hồ Văn Tấn - cha của Tươi - kể nhà chỉ có 3 công nhãn. Anh em Tươi đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi xảy ra chuyện, để có tiền lo chi phí điều trị khoảng 70-80 triệu đồng cho Tuấn Em, các con ông đã gom góp hết số tiền dành dụm, bán từ con bò, đàn gà... Rồi khi tòa tuyên phải bồi thường 80 triệu đồng tổn thất về tinh thần, tiền cấp dưỡng,... ông lại chạy vạy vay mượn được 20 triệu đồng đưa cho gia đình Tuấn Em. Số tiền 60 triệu đồng còn lại cả nhà đang lo bấn ruột bấn gan, bởi giờ đối với họ, việc trả và đóng lãi cho số tiền vay 20 triệu đồng cũng đã đuối lắm rồi.
MINH TÂM