Đi tù vì đam mê cờ bạc
“Tôi mang án chung thân về tội giết vợ cô ạ. Bằng tuổi này, ngồi trong tù, nhiều lúc tôi vẫn cứ ngẫm nghĩ, tại sao cuộc đồi mình lại ra nông nỗi này. Nhưng tôi không trách ai, chỉ trách bản thân mình. Chính tôi đã đẩy tôi vào bi kịch này, chính tôi đã làm cho gia đình rơi vào hoàn cảnh của tan nhà nát. Tôi đã từng tự hào mình là người chồng yêu vợ. Thế mà cuối cùng, tôi lại trở thành kẻ phạm tội giết chết chính người vợ yêu của mình. Tội đó của tôi, có đến lúc nhắm mắt, tôi cũng không nguôi ân hận” – Phạm nhân Bùi Dương Đàn tâm sự. Bùi Dương Đàn kể, gần 20 năm trước, gia đình anh là một gia đình hạnh phúc, mẫu mực. Vợ chồng anh có một xưởng sản xuất đồ gỗ ăn nên làm ra. Thời điểm đầu những năm 1990, khi kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, anh chị đã xây được nhà tầng, mua được chiếc Dream Thái, sắm được ti vi, tủ lạnh, trong nhà chẳng thiếu tiện nghi gì. Ngày ấy, nếu như công ăn việc làm suôn sẻ làm Bùi Dương Đàn hạnh phúc 5, thì việc có một người vợ hiền thảo, yêu chồng, thương con hết mực lại làm anh hạnh phúc 10. Anh vẫn luôn tự hào với những bạn bè, đối tác về vợ mình. Bởi không chỉ xinh đẹp, duyên dáng mà còn sống rất đúng mực với những người xung quanh. Chuyện lễ tết, quà cáp hay chăm sóc bố mẹ chồng, một tay chị gánh vác, lo lắng, tuyệt đối không bao giờ khiến anh có thể chê trách bất cứ điều gì. Khi mẹ anh ốm nặng nằm liệt giường, chị ở bên cạnh lo việc tắm rửa, vệ sinh, bưng bê, dọn dẹp cho cụ như một người con gái. Đến lúc cụ mất, cụ vẫn bảo chị: “Con là người con dâu tốt nhất của mẹ”. Với bạn bè anh, chị cũng chưa bao giờ làm điều gì khiến anh mất mặt. Bạn bè, khách khứa đến nhà chơi, bao giờ chị cũng đon đả đón mời, lo cơm nước tươm tất, chứ không mặt nặng, mày nhẹ như nhiều bà vợ khác.
Đang hạnh phúc với mái ấm của mình và một công việc kinh doanh thuận lợi thì anh bắt đầu sa chân vào cờ bạc, đỏ đen. Ban đầu chỉ là chơi cho vui. Dần dần, trong các chiếu bạc, anh không bao giờ thiếu mặt. Anh bỏ bê công việc kinh doanh, có bao nhiêu tiền tích cóp đều ném vào cờ bạc, sóc đĩa. Nhưng thói đời “cờ gian, bạc lận”, trong các chiếu bạc, anh mãi mãi là con gà để vỗ béo cho những tay chơi bạc chuyên nghiệp vốn thừa kinh nghiệm cờ bạc. Bùi Dương Đàn kể: “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, sau 2 năm chìm sâu trong những u mê đỏ đen, gia đình tôi đã rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần chồng chất. Càng thua bạc càng “khát nước”, tôi cầm cố cả nhà của mình cho một người đàn ông giàu có sống cạnh nhà tôi. Ông ta cũng là một tay chơi bạc chuyên nghiệp, thường xuyên sát phạt trên chiếu bạc với tôi. Nhưng ông ta khác tôi là ông thường chỉ có thắng chứ ít khi thua. Nhưng số tiền cầm cố nhà, tôi chơi cũng chỉ một đêm là hết sạch. Tuyệt vọng, cùng đường, đêm hôm đó, tôi bịt mặt, lao vào một tiệm vàng để cướp. Nhưng cướp chưa xong thì tôi bị bắt. Tôi bị xử 8 năm tù, vì chưa để lại hậu quả gì”.
Những ngày ở trong tù, Bùi Dương Đàn vô cùng hối lỗi về hành động của mình. Anh ân hận vì sự u mê của mình đã đẩy vợ con vào hoàn cảnh túng quẫn, khó khăn. Đàn kể, thời gian đó, điều anh xúc động nhất là vợ anh, dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy vẫn chu cấp cho anh đầy đủ, thăm nuôi anh hàng tháng. Không có anh ở nhà, nhưng chị đã một mình chèo chống, vượt qua khó khăn. Mỗi lần lên thăm anh, vợ anh đều động viên anh cải tạo. Chị bảo với anh: “Em đã nhờ bạn bè, anh chị giúp đỡ để chuộc lại nhà, khôi phục lại xưởng gỗ. Anh cố gắng về để gia đình mình bắt đầu lại từ đầu”. Lúc nghe vợ nói thế, anh vừa vui mừng, hạnh phúc vì lấy lại được sản nghiệp, vừa khâm phục, tự hào lẫn biết ơn về người vợ đảm đang của mình. Anh đã nắm tay chị và nói sau này khi ra khỏi trại giam, anh nhất định sẽ báo đáp chị. Nhưng anh không biết rằng, chị không nói với anh tất cả sự thật. Chị đã giấu anh một sự thật mà với tư cách một người vợ, chị không thể đủ can đảm nói với người chồng mà mình yêu thương.
Thời gian anh đi tù, vợ con anh rơi vào cảnh khó khăn cùng cực. Căn nhà nơi vợ con anh ở bị người hàng xóm đến đòi siết nợ. Khi đó, không đang tâm chịu cảnh con cái mình rơi vào cảnh bơ vơ không nhà không cửa, vợ anh đã van xin, lạy lục để giữ được cái nhà cho con ở. Chị là một người phụ nữ đẹp. Ngay cả lúc khốn khó, chị vẫn là một người đàn bà đẹp. Nhan sắc của chị đã khiến gã chủ nợ say mê. Là một kẻ háo sắc, khi thấy chị van xin thảm thiết để giữ lại căn nhà, gã đã ra điều kiện, nếu chị trở thành người tình của gã, gã không chỉ trả lại cho chị căn nhà mà còn cho chị vay vốn để phục hồi lại xưởng gỗ. Lúc mới nghe đề nghị đó, chị gạt phắt đi không cần suy nghĩ, bởi trong suy nghĩ của chị, chị sẽ không bao giờ phản bội chồng. Nhưng một ngày, hai ngày, nhiều ngày qua đi, nghĩ đến cảnh gia đình rơi vào đường cùng, chị đã cắn răng chấp nhận phản bội chồng, chấp nhận bán thân để chuộc lại những gì chồng chị đã đánh mất trên chiếu bạc. Chị giấu anh chuyện đó, để anh yên tâm cải tạo, định bụng một ngày nào đó khi anh được tự do, chị sẽ thú nhận với anh.
Những tâm sự không bao giờ nói được của người vợ bị chồng giết vì tội ngoại tình
Bùi Dương Đàn kể: “Nhưng vợ tôi đã không lường được hết mọi chuyện. Tôi ở tù 4 năm thì được đặc xá. Để tạo niềm vui bất ngờ cho vợ, tôi bí mật đi về nhà mà không báo vợ con đi đón. Chiều tối hôm đó, tôi trở về nhà, thấy của nhà đã khóa. Hỏi hàng xóm xung quanh thì họ bảo mấy đứa con tôi đi chơi chưa về. Còn khi hỏi đến vợ tôi thì họ lắc đầu không nói. Tôi lang thang sang xưởng mộc, hỏi mấy người làm thợ trong xưởng xem vợ tôi đi đâu thì được một người thợ trong xưởng nói: “Anh sang nhà ông X xem. Lúc nào ông ấy gọi là chị nhà anh đều phải sang đó. Suốt thời gian anh đi tù, nếu không có ông ấy thì vợ chồng anh làm sao lấy lại được nhà, làm sao khôi phục lại xưởng mộc”. Lời nói của người thợ làm thuê trong xưởng dù ám chỉ, bóng gió nhưng cũng đủ giúp tôi hiểu ra mọi chuyện. Như bị ma ám, tôi đi đến trước cửa ngôi nhà đó, chờ đợi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lúc thấy vợ tôi mở cửa bước ra, quần áo xộc xệch, gương mặt phờ phạc, tôi run bắn lên tức giận. Tôi lao ra trước mặt cô áy với đôi mắt đầy oán trách, thù hận. Khi vừa nhìn thấy tôi, vợ tôi đã trào nước mắt. Cô ấy quỳ xuống nói: “Em xin anh hãy hiểu cho em. Xin anh cho em một cơ hội giải thích”. Nhưng tôi đã không bao giờ nghe cô ấy nói lời giải thích. Trong nỗi đau bị phản bội, tôi cầm hòn đá to gần đó đánh liên tục vào đầu cô ấy. Cô ấy chết vì bị chấn thương sọ não do những cú đánh của tôi”.
Sau khi bị công an bắt, anh vẫn mang trong mình tâm trạng uất hận với người vợ mà anh cho là bội bạc. Mấy ngày đầu nằm trong trại tạm giam, anh luôn lẩm bẩm nói: “Mày chết là đáng. Tao hận mày. Tao thù mày”. Nhưng sau này anh đã phải ân hận vì hành động của mình, vì sự thù địch của mình.
Một tuần sau khi anh bị bắt, trong lúc hỏi cung, các điều tra viên đưa cho anh quyển nhật ký của vợ anh, doc ác con anh nhờ gửi. Trong quyển nhật ký đó, chị đã kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện, kể cho anh cảm giác đau đớn, nhục nhã của chị và sự hối hận của chị với anh. Chị viết: “Sau này khi biết chuyện, xin anh hãy tha thứ cho em. Vợ chồng mình sẽ cùng nhau bắt đầu lại từ đầu”. Khi đọc những dòng nhật ký đó, nước mắt anh nhòe ra, rơi ướt cả những trang giấy. Anh ngước mắt lên nhìn các điều tra viên và khóc: “Tôi đáng chết. Tôi giết vợ tôi rồi”.
Anh bị kết án tù chung thân về tội giết vợ. Ngày anh bị đưa ra tòa, các con anh không hề tham dự. Đến lúc anh đi tù, con cái anh vẫn chưa một lần ghé thăm. Trong thâm tâm anh hiểu, chúng hận anh vì đã giết mẹ chúng, chúng hận anh vì đã gieo rắc tang thương cho cả gia đình. Chính anh cũng hận anh, bởi anh hiểu, những sai lầm, những thói hư tật xấu của anh là khởi đầu cho mọi bi kịch trong gia đình anh, khiến cho cuộc sống của vợ con anh rơi vào một thảm kịch đau lòng.
Những ngày ở trong tù, Bùi Dương Đàn lại có thói quan viết nhật ký. Anh bảo anh viết lại mỗi ngày diễn ra sau song sắt, viết lại mỗi tâm sự của anh, trút cả những day dứt, ân hận của anh với người vợ quá cố để hàng năm, đến ngày giỗ của chị, anh đốt đi. Anh vẫn hi vọng ở dưới suối vàng, nếu chị đọc được, chị sẽ hiểu được nỗi ân hận tột cùng của anh và tha thứ cho anh. Được chị tha thứ, đó là ước mơ duy nhất của anh. Anh bảo: “Tôi sẽ phải sám hối suốt đời cho tội lỗi của mình. Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ thấy nhẹ lòng. Có lẽ, chỉ đến khi gặp vợ dưới suối vàng, nhìn thấy cô ấy và nhận được sự tha thứ của cô ấy, tôi mới có thể tha thứ được cho chính mình”.