"Dùng máu, mật, tim, thịt… rồng đất, đảm bảo tối nay về, bà xã thích mê", vị khách tại quán nhậu trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 nói.
Người phục vụ cầm gáy con vật có màu sắc sặc sỡ như tắc kè hoa phùng mang, giãy giụa đặt trên bàn nhậu. Sau vài cú sờ nắn ra vẻ, ông khách bệ vệ hất hàm: "Cắt tiết hai con, một trộn gỏi lá me, một nướng".
"Thượng đế" vừa dứt lời, anh phục vụ rút trong túi quần con dao, máu rồng đất đổ xối xả vào ly rượu trắng. Bộ lòng, tim, cùng túi mật của con vật cũng được tống thẳng vào ly rượu. Sau khoảng 15 phút chờ đợi, khách say sưa nhấm nháp gỏi rồng trộn lá me, rồng nướng ngũ vị.
Tại các quán nhậu khác ở thành phố, rất nhiều thực khách yêu cầu cắt tiết rồng đất. Mặc dù theo khuyến cáo của ngành y tế, uống rượu pha máu động vật chính là nguồn lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Hải, đầu bếp, cho biết ngoài việc lạ miệng và "ăn rồng để được khỏe như rồng", một trong những nguyên do chính đưa rồng đất lên ngôi là do an toàn thực phẩm. "Dạo gần đây, báo chí liên tục phản ánh thịt rừng được tẩm hóa chất, ăn vào dễ bị ung thư. Rồng đất được làm thịt lúc tươi sống, ăn ngon lại an toàn nên nhiều người thích", Hải nói.
Theo Sách đỏ Việt Nam, ngoài các tỉnh thuộc Tây Nguyên, rồng đất còn hiện diện ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Bắc Giang với số lượng có hạn. Sách này đã xếp rồng đất vào nhóm động vật hoang dã có nguy cấp tuyệt chủng.
Khang, người đang giao hàng cho quán nhậu đặc sản rừng ở quận 12, cho biết, rồng đất mỗi ngày một hiếm nhưng nhu cầu liên tục gia tăng. Để có hàng cung cấp cho thị trường, không ít chủ vựa đã ứng tiền trước cho các nhóm thợ săn và thu mua với giá cao nhưng vẫn không gom đủ nguồn hàng cung ứng.
Theo Khang, nhiều thượng đế tuyên bố sẵn sàng chi bạc triệu cho con rồng chúa nào có trọng lượng trên 500 gr.
Theo Sách đỏ Việt Nam, ngoài tên khoa học Physignathus cocineinus, rồng đất còn có nhiều tên gọi dân gian khác như rồng tạng, tò te (Việt), đan gian, con rình rình (Mường), bùng nhỉ loòng (Dao), tu lủng lẳng (Tày), tu xả tảng (Thái)… Rồng đất thường ở trong hang hốc, trong các bụi cây ven bờ suối hoặc bên các vực nước trong rừng. Chúng di chuyển nhanh nhẹn trên mặt đất hoặc leo lên cây. Trong mùa lạnh, rồng đất chuyển lên trú trong các bọng cây để giữ nhiệt. |
(Theo Công An Nhân Dân)