“Chợ phiên” cuối năm
Cùng với TP.HCM, ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), nhiều khu vực đang treo bảng: “Cần hợp tác đầu tư”, “Cần sang - bán dự án... Điển hình như dọc đường vòng núi lớn - núi nhỏ (Trần Phú nối dài, TP. Vũng Tàu), trước đây nổi tiếng khó “chen chân” vì hầu hết đất đã có chủ, nay hàng loạt dự án đang trong tình trạng cần sang nhượng lại toàn bộ, hoặc có dự án đang xây dựng dở dang, cần nhà đầu tư mạnh về tài chính.
Không riêng gì TP. Vũng Tàu, Long Hải, Xuyên Mộc dù mang danh là “thủ phủ mới của resort” nhưng đa phần vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT, trong số các dự án bất động sản du lịch được cấp phép từ năm 2007 đến nay, chỉ khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm Strip là có tốc độ giải ngân nhanh nhất, nhưng cũng chỉ ở mức vài trăm triệu USD so với số vốn đăng ký 4 tỷ USD. Song, do quy mô lớn (cả về vốn lẫn diện tích đất) nên các dự án kêu gọi vốn lẫn sang nhượng toàn phần đều được thực hiện có chọn lọc.
Trong khi BR-VT “độc chiếm” sàn dự án với hạng mục bất động sản nghỉ dưỡng, thì Long An và Đồng Nai là “điểm nóng” của đất nền khu dân cư và khu công nghiệp. Đây là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm đến thị trường Long An vì số lượng dự án dở dang vẫn còn khá nhiều.
Nhiều dự án được mở, rao bán
Theo đó, bên cạnh dự án được chào bán qua các sàn môi giới, NĐT với tiềm lực tài chính mạnh có thể thông qua các cơ quan quản lý để tiếp cận loạt dự án đã có quyết định thu hồi. Cụ thể, trong tổng số hơn 67 dự án có quyết định thu hồi từ năm 2009 đến nay có đến 20 dự án được cấp phép để xây dựng khu dân cư, khu đô thị và 13 dự án khác được quy hoạch làm khu công nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều chủ đầu tư không đáp ứng về tiềm lực tài chính nên đành dừng lại.
Riêng tại TP.HCM, dự án rao bán không ít nhưng tồn tại chủ yếu dưới hình thức bán một phần trong tổng thể dự án (thông thường là đế thương mại), kêu gọi hợp tác đầu tư. Việc bán toàn bộ dự án vẫn có nhưng tập trung vào hạng mục dự án đất nền.
Không dễ bán, mua
Cung dự án hiện nay nhiều nhưng cầu cũng chẳng ít. Tuy nhiên, do chọn lựa đa dạng và việc “chi xài” khá cẩn trọng nên để hai bên mua - bán gặp nhau cũng chẳng phải dễ. Ông Cao Thanh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Hoàng Minh (quản lý Quỹ KHM Capital, huy động vốn từ các NĐT Hàn Quốc), cho biết, KHM bắt đầu tìm kiếm dự án tại TP.HCM từ đầu năm 2012, dù đôi lúc cầm đến vài chục hồ sơ kêu gọi đầu tư trong tay nhưng đến nay, KHM chỉ mới mua được 1 dự án đất nền biệt thự tại quận 2. Ông Hoàng nhìn nhận, dự án chào bán nhiều nhưng phải phù hợp với mục tiêu và suất đầu tư của quỹ. “Đối với những dự án ở khu vực trung tâm thường có giá đất quá cao và chủ yếu được quy hoạch đầu tư chung cư, cao ốc văn phòng, những hạng mục này hiện đang thừa cung nên việc bỏ tiền vào phải hết sức cân nhắc”, ông Hoàng nói.
Liên quan đến câu chuyện mua - bán dự án, ông Dương Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Tây, chia sẻ, Công ty hiện cũng đang tìm kiếm dự án đất nền khu dân cư ở Long An, nhưng các dự án này phải đảm bảo các yếu tố sau: quy mô vừa phải, đã hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng và nằm tại các trục đường kết nối với TP.HCM, chủ yếu ở khu vực huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuy nhiên, với tiêu chí này, hiện cũng chẳng dễ tìm vì đa phần các dự án chậm triển khai đều xuất phát từ nguyên nhân chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để ra đất sạch.
Ở quy mô lớn hơn, hiện tại, một số nhà bán lẻ cũng tranh thủ thời cơ, ráo riết “săn” mặt bằng. Chẳng hạn, Aeon Việt Nam đang tìm mặt bằng ở các khu vực như: quận 9, Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, cái khó ở đây là những nhà bán lẻ ngoại thường tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về quy mô mà tập đoàn đưa ra nên diện tích tìm kiếm phải đủ lớn, nếu không nằm trong khu dân cư hiện hữu, khu đất phải nằm ngay mặt tiền của các trục đường chính. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng “cung nhiều nhưng chọn chẳng được bao nhiêu”. Trong khi, nhìn nhận ở quan điểm khác, theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó tổng giám đốc Đầu tư Công ty CP Địa ốc Hưng Phú, những dự án có đất sạch thường suất đầu tư cao nên cả bên đầu tư lẫn kêu gọi đầu tư phải có tiếng nói chung về giá
Theo DoanhNhanSaiGon