Quảng Bình: Khẩn cấp di dời 520 hộ dân
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, huyện vừa khẩn cấp di dời 520 hộ dân ở khu vực ven các con sông trước nguy cơ nước lũ đang lên rất nhanh.
Mực nước tại các sông ở Quảng Bình hiện đang lên rất nhanh
Tính đến 18h ngày 16-10, mưa lớn kéo dài đã làm hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu tới 3 - 4 mét.
Mưa lũ đã làm một người mất tích là ông Hà Văn Hảo (45 tuổi) ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Trong lúc chạy lũ, ông Hảo bị trượt chân xuống dòng nước và bị lũ cuốn đi. Chính quyền địa phương, người dân nơi đây đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.
Tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã có 2 người bị thương do chạy lũ và hiện đang đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới là bà Trần Thị Điểm (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhung (52 tuổi), cả hai đều trú tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch.
Còn tại huyện Minh Hóa, ông Hồ Trống (62 tuổi, quê ở xã Tân Hoá) bị gãy chân trong quá trình chạy lũ.
Mưa lớn kéo dài đã làm 811 hộ dân bị ngập sâu đến 1m, tập trung ở các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch, Liên Trạch, Đồng Trạch, Trung Trạch…. Thôn Đông Giang, Bắc Giang (xã Hưng Trạch), khu vực Ngọn Rào (xã Xuân Trạch) đang bị cô lập.
Tại xã Phú Trạch: 100 hộ ở thôn Nam Sơn có nguy cơ bị ngập. Trong đó 50 hộ đã được di dời đến nơi an toàn. UBND xã, BCHPCLB xã Phú Trạch đang chỉ đạo số hộ còn lại phải kịp thời di dời trong chiều tối hôm qua, chính quyền xã cũng đã tổ chức 1 tổ trực 24/24 tại Ngầm Bàu Cừa để cấm lưu thông qua đoạn ngầm này do nước ngập sâu.
Tổng thiệt hại của toàn huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại là trên 20 tỉ đồng.
Nhiều làng vùng, nhiều ngôi nhà ở Quảng Bình đang bị ngập sâu vì mưa lũ
Tại huyện Lệ Thuỷ, đến thời điểm hiện tại, mực nước tại sông Kiến Giang mức báo động III. Theo báo cáo nhanh của Ban PCLB và TKCN huyện Lệ Thuỷ, hiện tại nước đang lên rất nhanh, tại xã An Thuỷ đã có gần 700 ngôi nhà dân tại các thôn Phú Thọ, Thạch Bàn, Tân Lê bị ngập sâu.
Nếu mưa kéo dài thì mực nước tại sông Kiến Giang sẽ lên trên mức báo động III, và sẽ có rất nhiều ngôi nhà bị ngập - Ông Dương Đệ Quang, Trưởng phòng NNPTNN, Phó ban PCLB và TKCN Lệ Thuỷ cho biết.
Mưa lớn cũng đã làm ngập hàng trăm nhà dân tại huyện Bố Trạch. Tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa phận xã Thanh Trạch bị ngập sâu khiến giao thông đi lại khó khăn, ách tắc.
Tại huyện Quảng Trạch mực nước tại sông Gianh cũng đang lên rất nhanh khiến nhiều nhà dân đã bị ngập lũ. Huyện Quảng Ninh cũng đã có trên 400 ngôi nhà bị ngập lũ.
Tại huyện Minh Hoá mưa lớn đã làm cho nhiều tuyến đường chính bị chia cắt. Tuyến quốc lộ 12A chạy vào thị trấn Quy Đạt đã bị cô lập. Đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện này nhiều đoạn cũng đã bị ngập sâu.
Xã Hoá Sơn, xã Thượng Hoá nhiều nơi đã ngập sâu trên 2m và có ít nhất trên 50 nhà dân ở xã Thượng Hoá bị ngập lũ. Gần 3km đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu, đoạn sâu nhất khoảng 2m. Đường vào Đồn 585 xã Thượng Hoá đã có 5 đoạn bị chia cắt.
Trước những diễn biến phức tạp do mưa lũ, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương chỉ đạo các phòng ban, những địa phương nằm trong vùng trũng nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó và báo cáo những diễn biến mới nhất về mưa lũ để đưa ra những phương án chỉ đạo nhằm đối phó với mưa lũ.
Một cháu bé chết do mưa lũ
Vào khoảng 12g ngày 16-10, người dân xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đã tìm thấy thi thể của cháu Dương Ngọc Quân, SN 2008 và tổ chức mai táng cho cháu.
Trong lúc bố mẹ cháu là anh Dương Ngọc Nhàn quê quán tại thôn 7B, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đang dọn dẹp nhà để tránh lũ, vì không để ý đến con nên cháu Quân đã bị sảy chân xuống vũng nước gần nhà và khiến cháu thiệt mạng.
Hiện tại, chính quyền địa phương, người dân xã Đồng Trạch đang tổ chức mang táng cho cháu.
Đà Nẵng: Mưa lớn, ngập…nhà
Ngày 16-10, cơn mưa lớn nhất từ đầu mùa kéo dài cả ngày đã gây ngập úng nặng tại nhiều khu dân cư ở TP Đà Nẵng. Tại khu vực Đầm Rong (quận Hải Châu) các tuyến đường ngập sâu đến 0,5m khiến nhiều gia đình không kịp trở tay khi bị nước tràn vào nhà.
Cơn mưa lớn đã làm đường Hải Sơn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) bị ngập nặng
Tại khu vực Bàu Thạch Gián (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn khi tình trạng ngập úng càng nặng hơn. Đường Đỗ Quang và các con hẻm nước ngập đến 0,7m. Do khu dân cư này thường xuyên bị ngập nên trước mùa mưa nhiều hộ đã nâng nền nhà. Riêng các hộ gia đình chưa có điều kiện nâng nền phải chịu cảnh ngập úng nặng nề hơn.
Còn tại tổ 14, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), trước tình trạng ngập nặng, quận đã động viên, hỗ trợ người dân thuộc diện chờ giải tỏa di dời lên ở tạm tại khu chung cư.
Ngoài ra, tình trạng ngập úng nặng tại đường Quang Trung (đoạn từ Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng đến đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường 2 Tháng 9 (khu vực lân cận nút giao đường qua cầu Tuyên Sơn), đường Cách Mạng Tháng 8 và đường Ông Ích Khiêm (đoạn từ Hùng Vương đến Lê Duẩn) dù trước đó ngày 4-10, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã có văn bản chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng tiến hành kiểm tra ngay, sửa chữa các cửa thu nước, nạo vét, khơi thông các đoạn cống tại vị trí ngập úng này.
Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng hiện toàn thành phố còn 34 điểm ngập úng khi có mưa. Tình trạng ngập úng thời gian qua không được cải thiện do việc nạo vét các hệ thống cống rãnh quá chậm, việc thiết kế và tổ chức thi công cải tạo hệ thống thoát nước vừa không hợp lý về thời gian, vừa bất cập về kỹ thuật dẫn đến tình trạng không khớp nối hệ thống thoát nước.
Còn tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) nhiều tuyến đường, nhà dân đã bị ngập cục bộ do quá trình thi công san lấp mặt bằng khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú bít hết các cống thoát nước ra sông Cu Đê.
Chùm ảnh Đà Nẵng ngập
Nhiều tuyến phố ngập chìm trong nước nhiều giờ liền
Nhiều khu vực đã được UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo hơi thống cống rãnh trước đó cũng bị ngập
Thừa Thiên Huế: Ngập lụt nhiều nơi
Mưa rất lớn đã diễn ra trên khắp tỉnh Thừa Thiên Huế từ rạng sáng kéo dài đến chiều nay 16-10.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối TP Huế và thị trấn Sịa bị chia cắt rất nhiều đoạn trong chiều 16-10
Các vùng thấp trũng của tỉnh này đã bị ngập từ hồi trưa nay. Tại Thành Phố Huế, nước mưa thoát chậm đã làm ngập các đường phố ở khu trung tâm, vùng Thành Nội và ven sông Hương.
Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị xã Hương Thủy, cửa ngõ phía nam của TP-Huế cũng bị ngập nặng hơn 0,4 đến 0,5 m, Vùng đồng bằng hạ lưu ven sông Hương và sông Bồ là nơi bị ngập nặng nhất, người dân đi lại bằng thuyền.
Lúc 15h30 chiều hôm qua, PV có mặt tại hai xã Phú Mậu và Phú Thanh của huyện Phú Vang, TT - Huế. Hầu hết các tuyến đường liên thôn của hai xã này đều ngập trong nước. Đến 17g chiều, trời vẫn tiếp tục mưa.
Rất nhiều người dân của huyện Quảng Điền và Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) đi lại bằng ghe thuyền trong chiều 16-10 vì nước sông Bồ dâng cao. Ảnh chụp tại xã Hương Toàn, huyện Hương Trà lúc 15g chiều 16-10
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 16h nước sông Hương đã xấp xỉ báo động 2, nước sông Bồ vượt báo động 2 là 0,73m.
Đến hơn 15h chiều 16-10, cơn mưa với lưu lượng lớn tiếp tục đổ xuống địa bàn Thừa Thiên - Huế khiến nhiều nơi bị ngập chìm trong nước, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Trong khi đó, tại địa bàn giáp ranh giữa xóm Gióng (phường An Tây) với khu vực 1, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do nước lũ từ đầm rau muống dâng cao khiến hàng trăm ngôi nhà dân tại khu vực này bị ngập. Còn tại TP Huế, một số tuyến đường chính như Hùng Vương, Đống Đa, Bến Nghé,… cũng bị mưa ngập úng.
Nước lũ lên nhanh khiến đời sống của người dân bị đảo lộn
Điểm giáp ranh giữa xóm Gióng (TP Huế) với khu vực 1 (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) bị chia cắt
Nước mưa cũng gây ngập nhiều đoạn Quốc lộ 1A đi qua Huế
Quảng Trị: Lũ đã tràn vào một số đường phố Đông Hà
Mưa lớn suốt từ đêm 15 đến suốt ngày 16-10 đã khiến nước sông Hiếu lên nhanh gây ngập hàng ngàn hộ gia đình sống dọc triền sông thuộc các huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà.
Mực nước lúc 12h trưa 16-10, một phần đảo nổi giữa sông vẫn lộ ra với nguyên tháp am thờ trên đảo và hồi 17h nước đã ngập đến nóc am
Liên lạc với một số hộ dân tại thị trấn Cam Lộ, anh Lê Hoài Nhân ở khu phố 4- Đông Định cho biết, hiện nước đã dâng rất cao, nhiều hộ gia đình đã chuyển lên “tra” (giàn gỗ như một kiểu gác lửng) tránh lũ, nếu nước tiếp tục dâng thì tình hình sẽ rất khó khăn vì hầu như không có hộ gia đình nào ở đây trang bị xuồng, tình hình gần như bị cô lập.
Tại thành phố Đông Hà, hồi 12g trưa ngày 16-10 mực nước tại khu vực chợ Đông Hà còn cách khoảng 1,5 mét mới lên tới nền chợ, tuy nhiên hồi 17g, có mặt tại cùng địa điểm lúc sáng chúng tôi nhận thấy mực nước đã tăng với tốc độ rất nhanh.
Con thuyền này hồi 12h trưa ngày 16-10 đậu ở mực nước cách nền chợ chừng 1,5 mét và đến chiều đã đậu ngang mực nước sông chuẩn bị tràn vào chợ
Nước sông đã tràn vào các tuyến phố Hoàng Diệu, Bà Triệu
Mưa lớn còn khiến nhiều đoạn phố ngập nặng khiến các phương tiện lưu thông không thể qua được như khu vực ngã ba đường Trần Hưng Đạo và đường Huyền Trân Công Chúa
Nghệ An: Sạt lở Quốc lộ 7
Nhiều ngày qua, Quốc lộ 7 sạt lở do mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, đoạn qua hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn (Nghệ An) ảnh hưởng nặng nhất khiến nhiều đoạn đường ách tắc.
Quốc lộ 7 kéo dài từ huyện Diễn Châu đến thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn, đây là tuyến giao thông huyết mạch chạy qua các huyện miền núi miền Tây Nghệ An như Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn.
Nhiều ngày qua, mưa lớn kéo dài nên đất đá trên núi đổ xuống đường gây cản trở giao thông.
Dọc tuyến đường từ huyện Tương Dương đến huyện Kỳ Sơn, các đống đất đá nằm ngổn ngang, nhiều đoạn bị nước sông đào khoét chân đường gây sụt lún. Nhiều công trình giao thông bị đình trệ.
Đoạn đường đi qua xã Tam Thái, huyện Tương Dương, đất đá trên núi trôi xuống khiến nhiều đoạn bị tắc nghẽn, nhiều tảng đá lớn trên núi lăn xuống đường gây nguy hiểm. Đoạn đi qua km số 177, qua thôn Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, nước sông "ăn" sâu vào chân đường.
Hiện nay, nhiều đoạn đã được khắc phục tạm thời bằng cách san lấp mặt và chuyển các đống đất đá khỏi lòng đường để người và xe cộ qua lại. Tuy nhiên nhiều đoạn vẫn còn chưa được khắc phục gây khó khăn cho người đi đường.
Nhiều đoạn lan can đường bị đất đá đè gãy
Đoạn đường bị sạt lở xuống sông, đơn vị thi công đang khắc phục
Theo Trung tâm Dự báo Khí tương Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới với nhiễu động gió đông trên cao; trong 2 ngày qua (từ 19 giờ ngày 15 đến 7 giờ ngày 16-10), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 150 - 200 mm.
Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đang lên nhanh. Dự báo lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục lên. Đến chiều tối 16-10, lũ các sông có khả năng như sau: Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 9,3 m, trên BĐ2: 0,3m; sông Gianh tại Mai Hóa: 5,5m, trên BĐ2: 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,0m, trên BĐ3: 0,3m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,5m, ở mức BĐ3; sông Bồ tại Phú Ốc: 4,2m, dưới BĐ3: 0,3m; sông Hương tại Kim Long: 3m, dưới BĐ3: 0,5m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,5m, trên BĐ2: 0,5m. Hạ lưu sông La, sông Thu Bồn và các sông ở Quảng Ngãi lên mức BĐ1 và trên BĐ1 từ 0,1 - 0,3m. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh trên.