Miền Tây trong cơn 'khát' mùa hạn mặn

 Đang cao điểm hạn mặn, giữa tháng 3, ông Trần Hoàng Khởi, 56 tuổi, xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) lội bộ qua kênh Cây Sộp thăm cánh đồng ba ha vừa thu hoạch xong. Ông cho biết những năm trước sau Tết nước kênh mới cạn dần, riêng năm nay nước rút rất nhanh từ tháng Chạp. Dưới chân ông, tuyến kênh dài gần 2 km, rộng hơn 10 m cung cấp nước tưới cho cánh động rộng hàng trăm ha giờ cạn trơ đáy. Dọc hai bên bờ kênh, những sà lan, vỏ lãi là phương tiện chính chở nông sản ở vùng sông nước bây giờ nằm mắc cạn.

Ông Trần Hoàng Khởi bên dòng kênh cạn tới đáy trước nhà. Ảnh: Chúc Ly

Nước dưới kênh cạn khô cũng là lúc ruộng lúa của gia đình ông Khởi vào vụ thu hoạch. "Thiếu nước, sản lượng lúa thu hoạch năm nay vì thế giảm khoảng 30%, chỉ đạt 16 tấn", ông Khởi nói. Do kênh rạch cạn nước, thương lái không đưa ghe trọng tải lớn vào chở lúa được mà phải dùng xe máy, nên giá lúa cũng bị sụt giảm. Chịu thiệt hại kép, vụ lúa năm nay ông Khởi mất gần 30 triệu đồng.

Cách nhà ông Khởi khoảng 3 km, ông Nguyễn Văn Bá, 70 tuổi, cũng ngồi buồn thiu trong khu vườn rộng hơn 6.000 m2. Trước đây bình quân mỗi tháng, gia đình ông thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ việc bán dừa, chuối trong vườn. "Ba tháng nay đường sông tê liệt, chuối dừa cồng kềnh nên thương lái không thể chở hết bằng xe máy, phải bỏ không ngoài vườn cho chim, chuột ăn", ông Bá chia sẻ.

Hai nông dân nói trên nằm trong số hàng chục nghìn hộ dân Cà Mau bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Ba mặt giáp biển, đây là tỉnh duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mekong, lệ thuộc rất nhiều vào nước mưa và nước ngầm. Do vậy địa phương thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô.

Cơ quan chức năng tỉnh cho hay tình trạng khô hạn năm nay diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, làm hầu hết tuyến kênh, rạch bị khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và dân sinh. Địa phương bị thiếu hụt khoảng 49 triệu m3 nước ngọt, tình trạng khô cạn gây ra sụt lún, sạt lở đất.

Hiện vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời có hơn 130 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở với 550 điểm, tổng chiều dài hơn 14.500 m, ước thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng đang tiếp tục xuống thấp đe dọa sản xuất, hơn 1.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhóm trẻ chơi đùa dưới kênh Kiểm Lâm cạn trơ đáy ở huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Chúc Ly

Cà Mau đang đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về thông qua mạng lưới trạm bơm. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm khởi động đầu tư âu thuyền Tắc Thủ và một số cống để điều tiết lấy nước từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và kênh Quản lộ Phụng Hiệp cấp cho vùng ngọt hóa. Việc này ngoài phục vụ sản xuất, còn giúp hệ thống kênh mương trong nội đồng không bị khô cạn, hạn chế sụt lún.

Cách đó hơn 300 km, hạn mặn gay gắt làm kênh rạch trơ đáy, ảnh hưởng sinh hoạt của khoảng 3.000 hộ dân ven biển huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Giữa trưa nắng như thiêu đốt, anh Dương Anh Phụng (30 tuổi, xã Kiểng Phước) lái chiếc xe kéo tự chế chở 10 can nước loại 30 lít, chạy hơn một km đến vòi cấp nước ngọt miễn phí. Do đang cao điểm khô hạn, vòi chảy chậm, anh Phụng phải xếp hàng chờ hơn một giờ mới hứng đầy nước.

Gia đình anh Phụng làm nghề trồng lúa, do khu vực chưa có hệ thống nước máy, hàng chục hộ dân vì thế phải bơm nước từ con kênh gần nhà lắng lọc để tắm giặt. Còn nước uống, nấu ăn cả gia đình trông cậy vào hơn 4 m3 nước mưa được trữ trong các bể xi măng.

Hiện dòng kênh gần nhà rộng hơn 10 m đã nhiễm mặn, mực nước sông cao chưa đến một mét nên không thể sử dụng. Nước từ các can nhựa sau khi chở về được anh Phụng đổ đầy vào các bồn nhựa, gia đình ba người xài tiết kiệm lắm cũng chỉ khoảng 5 ngày là hết, phải đến vòi công cộng chở bổ sung.

Ở tuổi 59, lại không có phương tiện chở, ông Nguyễn Hòa Bình nhà ở gần đó phải mua nước ngọt từ các xe bồn trên địa bàn. Ông cho hay gia đình có 4 người, xài tiết kiệm mỗi tuần cũng phải tốn hơn 2 m3 nước, mất khoảng 160.000 đồng.

Anh Dương Anh Phụng ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang) dùng xe kéo chở nước từ vòi công cộng mùa hạn mặn. Ảnh: Hoàng Nam

Mùa hạn mặn năm nay, Tiền Giang đã mở 40 vòi nước công cộng miễn phí tại các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông. Ngoài ra, địa phương đã có kế hoạch mở thêm khoảng 50 vòi nước cho người dân các huyện ven biển Gò Công Tây, thị xã Gò Công có nước ngọt sinh hoạt.

Ở địa phương giáp ranh là Bến Tre, độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập cách các cửa sông chính 52-64 km, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Do nguồn nước thô từ sông rạch đã bị nhiễm mặn ảnh hưởng khiến hơn 10.000 hộ dân phải xài nước máy có độ mặn vượt ngưỡng. Các đơn vị cấp nước đang điều động nhiều sà lan đến khu vực thượng nguồn sông Tiền chở nước thô về xử lý, cung cấp cho người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định hiện mặn đã đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, mùa khô năm nay còn hai đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.

Hạn mặn cũng khiến 20.000 ha lúa hơn một tháng tuổi gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo, tập trung chủ yếu tại Trà Vinh, Sóc Trăng bị thiệt hại do thiếu nước. Hơn 30.000 hộ dân miền Tây cũng gặp khó khăn do nước sinh hoạt không đảm bảo.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, miền Tây trải qua hai đợt hạn mặn lớn. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở khu vực phải công bố thiên tai. Bốn năm sau, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hơn 43.000 ha lúa, bị thiệt hại, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.

Hoàng Nam - Chúc Ly


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8826
Số người truy cập:
5815798